Tiếp tục cách ly xã hội: 'Áp dụng thiếu linh hoạt sẽ làm hại sản xuất'

Thị trườngThứ Năm, 16/04/2020 16:35:21 +07:00
(VTC News) -

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng có thể vận hành kinh tế an toàn mà vẫn đảm bảo việc phòng chống COVID-19 theo đúng quy định.

Trả lời VTC News về việc nhiều địa phương tiếp tục thực hiện cách ly xã hội để phòng chống dịch COVID-19, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng -  Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội - cho rằng, thực trạng thiếu linh hoạt, cứng nhắc trong việc áp dụng quy định cách ly toàn xã hội vẫn diễn ra ở một số nơi. Theo quan điểm của ông Nhưỡng, vẫn hoàn toàn có thể vận hành kinh tế trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19 thay vì để kinh tế đóng băng hoàn toàn hay “ngăn sông cấm chợ”.

Tiếp tục cách ly xã hội: 'Áp dụng thiếu linh hoạt sẽ làm hại sản xuất' - 1

Chuyên gia cho rằng, những làng nghề nếu được kiểm soát tốt thì vẫn nên cho phép hoạt động sản xuất. (Ảnh minh họa: Tuổi trẻ Thủ đô)

Ông Nhưỡng nhấn mạnh, càng trong dịch dã, càng cần tạo điều kiện sản xuất cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh. “Cách ly xã hội không có nghĩa là cấm đoán máy móc. Nếu áp dụng thiếu linh hoạt chỉ làm hại sản xuất”, ĐBQH tỉnh Bến Tre nói.

Ông Lưu Bình Nhưỡng nêu ví dụ, các địa phương có thể xem xét ở những khu vực chưa bị lây nhiễm. Nếu xét thấy họ đảm bảo được vấn đề vệ sinh, an toàn phòng chống dịch bệnh thì cần duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh, trong tầm kiểm soát như yêu cầu giữ vệ sinh, không tụ tập đông người, tiếp xúc với khu vực có người lây nhiễm hay giữ đúng khoảng cách theo quy định.

Tôi lấy ví dụ ở các làng nghề như làng gốm Bát Tràng, Hà Nội. Việc sản xuất hầu hết chỉ diễn ra trong các hộ kinh doanh gia đình với nhau. Chỉ có từng đó con người tiếp xúc với nhau mỗi ngày. Họ không bị cách ly, sức khỏe đảm bảo thì cần cho họ tiến hành các hoạt động sản xuất để duy trì doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế là hiện nay, các hộ kinh doanh ở đây đều phải ngừng sản xuất. Làng gốm Bát Tràng gần như đóng cửa hoàn toàn, hàng hóa không bán được, trong khi khách du lịch đã không còn đến. Tôi cho rằng đây là vấn đề bất cập, gây nên những lãng phí, thiệt hại đối với hộ kinh doanh”, Phó Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội nói.

Ông cũng kiến nghị việc “nới lỏng” đối với các doanh nghiệp về nông nghiệp. “Hoạt động của các doanh nghiệp này hiện nay đang cung cấp nguồn nhu cầu lương thực thực phẩm chủ yếu. Không có họ nuôi trồng, sản xuất thì xã hội không có đủ nguồn cung. Vì thế việc duy trì hoạt động của họ là rất quan trọng”, ông Nhưỡng nói.

Tuy nhiên, ông Nhưỡng thừa nhận, nếu có "nới lỏng" thì cũng phải kiểm soát kỹ, vì việc đảm bảo phòng chống dịch bệnh phải là cao nhất.

Cũng bàn luận về vấn đề này, dưới góc độ kinh tế, tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng, Chính phủ nên có phương án vận hành nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh thay vì dừng hẳn hoạt động kinh doanh để chống dịch. Theo chuyên gia kinh tế, không thể đồng ý cho nhà máy, phân xưởng hoạt động sản xuất, nhưng dừng hẳn hoạt động kinh doanh cũng không nên. Như vậy hàng hoá sản xuất ra sẽ không biết bán cho ai. Vì thế, nên xem xét nới lỏng cho một số đối tượng có thể kiểm soát được.

Đưa ra các giải pháp, theo ông Vũ Đình Ánh, việc cần làm trước tiên là xây dựng phương án vận hành cả sản xuất – kinh doanh nhưng vẫn tránh lây nhiễm dịch bệnh.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cũng nhấn mạnh vấn đề doanh nghiệp bị gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào do phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Ông phân tích, khi dịch bệnh tại Trung Quốc dần được kiểm soát, nguồn cung có thể được nối lại, doanh nghiệp trong nước phải đối mặt với bài toán thiếu thị trường tiêu thụ do dịch lan rộng ra nhiều quốc gia, dẫn tới tình trạng cách ly, kiểm soát chặt chẽ ở các cửa khẩu hải quan.

Vậy nên, theo ông, cần tìm nguồn cung thay thế, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc thông qua gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, tăng cường các ngành công nghiệp hỗ trợ. Nếu có gói hỗ trợ cho vay, nên dành cho đối tượng này. Từ đó, họ sẽ có thêm cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, tiến tới giảm dần sự phụ thuộc với thị trường cung cấp nguyên vật liệu nước ngoài.

Cũng theo chuyên gia kinh tế này, Chính phủ phải quan tâm tới đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Khi dịch đã lan tới nhiều quốc gia, mục tiêu kích thích xuất khẩu cực kỳ khó khăn, doanh nghiệp cũng phải chịu một khoản phí tổn lớn. Những chính sách lúc này cần tập trung phát triển thị trường nội địa. Việc này vừa giúp doanh nghiệp Việt Nam giải bài toán thị trường trong ngắn hạn, vừa tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Chuyên gia kinh tế kiến nghị cần giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp. Khi doanh thu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh không phát sinh, dòng tiền của doanh nghiệp gặp khó khăn, giải pháp đơn giản nhất là giảm các nghĩa vụ của họ với Nhà nước và bạn hàng.

Ông Vũ Đình Ánh nhấn mạnh, những giải pháp này sẽ duy trì sức cầu của nền kinh tế, đồng thời bảo đảm đầu ra cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Video: Gói tín dụng 285.000 tỷ đồng giải cứu các doanh nghiệp:

Linh Phi
Bình luận
vtcnews.vn