Thủ tướng phê duyệt đề án phát triển bền vững kinh tế biển đến 2030

Đầu TưThứ Ba, 19/05/2020 22:42:53 +07:00
(VTC News) -

Thủ tướng vừa phê duyệt đề án "Hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030" nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế về biển.

Thủ tướng phê duyệt đề án phát triển bền vững kinh tế biển đến 2030 - 1

(Ảnh minh họa)

Theo đó, đề án nhằm thúc đẩy đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm các hoạt động hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển nhằm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tri thức, kinh nghiệm và tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế và đối tác, góp phần thực hiện thành công quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và giải pháp chủ yếu được đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW; đóng góp tích cực và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế về vấn đề biển và đại dương; nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Trong đó, nhiệm vụ hợp tác quốc tế liên quan đến các nội dung quản trị biển và đại dương, quản lý tổng hợp vùng bờ.

Phát triển kinh tế biển, ven biển gồm: Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; Thăm dò, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; Nuôi trồng và khai thác hải sản bền vững; Phát triển các ngành công nghiệp ven biển; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; Phát triển kết cấu hạ tầng biển và ven biển.

Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hoá biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển.

Điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển.

Bảo vệ môi trường biển, phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và thông tin tuyên truyền.

Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ đạo toàn diện và tổ chức thực hiện Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030.

Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực Ủy ban, có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình và định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá toàn diện việc thực hiện Đề án.

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam là cơ quan đầu mối giúp việc thực hiện nhiệm vụ nêu trên.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển, các tập đoàn kinh tế có liên quan lập và triển khai kế hoạch hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển của cơ quan, ngành mình để thực hiện đề án.

LAN HƯƠNG
Bình luận
vtcnews.vn