Thủ tướng: Nỗ lực đạt tăng trưởng GDP 5% năm 2023

Đầu TưThứ Tư, 08/11/2023 11:43:44 +07:00
(VTC News) -

Sáng 8/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo giải trình, làm rõ vấn đề được đại biểu Quốc hội, đồng bào, cử tri quan tâm và trả lời chất vấn của đại biểu.

Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, vừa giải quyết các vấn đề trước mắt, vừa chuẩn bị cơ sở, tiền đề cho những năm tiếp theo.

Trong đó, đáng chú ý nhất là đảm bảo ổn định giá cả, thị trường, nhất là những mặt hàng thiết yếu, đồng thời theo dõi sát, nắm chắc tình hình quốc tế, trong nước, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với những vấn đề mới phát sinh, nỗ lực phấn đấu đạt đến mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023, trong đó có tăng trưởng GDP đạt trên 5%, tạo đà việc thực hiện kế hoạch năm 2024.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 8/11. (Ảnh: VGP)

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 8/11. (Ảnh: VGP)

Theo Thủ tướng, trong 10 tháng đầu năm, tình hình kinh tế xã hội tiếp tục xu hướng tích cực, đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 10 tháng tăng 3,2%, khu vực công nghiệp phục hồi tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 5,5% so với tháng trước, tăng 4,1% so với cùng kỳ. Các khu vực nông nghiệp, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng tốt, xuất khẩu nông sản 10 tháng đạt 43,08 tỷ USD, vừa đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, vừa xuất khẩu 7,12 triệu tấn gạo, tri giá 3,97 tỷ USD. 

Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội vẫn còn những hạn chế, bất cập, sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, thị trường lao động, việc làm trong một số lĩnh vực suy giảm, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao, thiên tai bão lũ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến khu vực miền Trung.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Các địa phương đầu tàu phát triển thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng tổng cầu, nhất là các chính sách tài khóa, tiền tệ, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, đất đai, mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thu hút vốn đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài.

Thúc đẩy phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội thị trường vào dịp cuối năm, lễ Tết.

Về rà soát hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng  nhấn mạnh, đây là vấn đề rất quan trọng, góp phần khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, bảo đảm đời sống cho người lao động, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước đặc biệt quan tâm. 

"Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời những bất cập, khó khăn, vướng mắc cả về quy định pháp luật, cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tập trung cho nhiệm vụ này, cần đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Tiếp tục đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành kịp thời các chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là về tài khóa, tiền tệ, xử lý vướng mắc của các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…", Thủ tướng nói. 

Phấn đấu cuối nhiệm kỳ, ít nhất có 3.000 km đường bộ cao tốc

Về các dự án hạ tầng quan trọng ngành giao thông, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các dự án giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia (36 dự án với 83 dự án thành phần).

Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, động viên, khích lệ các đơn vị thi công và người lao động để hoàn thành, sớm đưa công trình vào sử dụng và đạt được những kết quả quan trọng, đáp ứng sự mong mỏi của người dân, doanh nghiệp; Tháo gỡ những vấn đề bất cập, vướng mắc kéo dài để khởi công, triển khai các dự án giao thông trọng điểm, như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sân bay Điện Biên, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và nhiều dự án đường bộ cao tốc khác.

Tuy nhiên, một số dự án còn chậm tiến độ, đội vốn, chia nhỏ gói thầu, chất lượng chưa đồng đều; việc triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc pháp lý, tổ chức thực hiện trong giải phóng mặt bằng, tái định cư, cung ứng nguyên vật liệu; một số đoạn, tuyến cao tốc chưa xây dựng đủ 4 làn xe, chưa có trạm dừng nghỉ, làn dừng khẩn cấp; hoàn trả đường dân sinh, hậu cần còn bất cập...

Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến quá trình triển khai một số dự án; việc thực hiện thủ tục đầu tư còn chậm; chưa có quy chuẩn cho đường cao tốc; việc triển khai, quản lý, thi công, tư vấn, giám sát tại một số dự án còn hạn chế, bất cập, gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp…

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng sẽ chỉ đạo tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ hoàn thành mục tiêu ít nhất có 3.000 km đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Thủ tướng cho biết phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ hoàn thành mục tiêu ít nhất có 3.000 km đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. (Ảnh minh họa: VGP)

Thủ tướng cho biết phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ hoàn thành mục tiêu ít nhất có 3.000 km đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. (Ảnh minh họa: VGP)

Du lịch phát triển chưa tương xứng tiềm năng

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cho biết, du lịch là một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển du lịch bền vững là yếu tố cần thiết để mang lại sự thành công cũng như lợi ích trong tương lai. Thời gian vừa qua, ngành du lịch đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế dẫn đến không khai thác hết tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường.

Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết định hướng và giải pháp cụ thể trong thời gian tới, nhất là việc đánh giá tổng thể tiềm năng, lợi thế hiện có và các giải pháp đảm bảo nguồn lực về tài nguyên, vốn, khoa học công nghệ, con người và nguồn lực mềm, đặc biệt là hệ thống chính sách pháp luật đồng bộ, khả thi.

Trả lời chất vấn này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển du lịch nhưng thực tế du lịch vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh như kỳ vọng của đồng vào và cử tri cả nước. Nguyên nhân liên quan đến thể chế, chính sách, nhân lực, quy hoạch, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Về các giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng khẳng định tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng, trong đó xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định rõ trọng tâm phát triển; chuẩn bị nguồn lực và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; đồng thời có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành. 

Thiếu điện do nguyên nhân chủ quan là chính

Nói về vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng, Thủ tướng nhắc lại tình trạng thiếu điện cục bộ tại miền Bắc vào cuối tháng 5, đầu tháng 6, Thủ tướng thông tin, tổng công suất nguồn đạt trên 70.000 MW, nhu cầu thực tế chỉ cần khoảng 52.000 MW nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, đã dẫn đến tình trạng thiếu điện cục bộ khu vực miền Bắc. Theo Thủ tướng, nguyên nhân chủ quan là chính.

Đó là do việc nắm tình hình, xây dựng kế hoạch truyền tải, điều độ và khâu phân phối, trong đó đầu tư phát triển mạng lưới truyền tải, phân phối điện chưa được quan tâm đúng mức trong thời gian dài.

Công tác điều độ hệ thống điện có những hạn chế, bất cập; phân bổ nguồn điện nền giữa các vùng miền chưa hợp lý.

Thủ tướng nhắc lại câu chuyện thiếu điện cục bộ ở miền Bắc vào cuối tháng 5, đầu tháng 6. (Ảnh minh họa: EVN)

Thủ tướng nhắc lại câu chuyện thiếu điện cục bộ ở miền Bắc vào cuối tháng 5, đầu tháng 6. (Ảnh minh họa: EVN)

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề cập đến việc thiếu xăng dầu trong năm 2022, đúng như các vị đại biểu Quốc hội đã nêu.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Chính phủ chỉ đạo kiên quyết đảm bảo giữ vững an ninh năng lượng quốc gia, bao gồm: Khẩn trương ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; rà soát, hoàn thiện thể chế cho phát triển công nghiệp điện tái tạo theo tinh thần Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị; Nâng cao hiệu quả các khâu truyền tải, điều độ và phân phối, trong đó đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường dây 500 kV từ miền Trung ra miền Bắc;

Sớm hoàn thiện thị trường mua bán điện cạnh tranh, cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế khuyến khích phát triển nguồn điện áp mái tự sản, tự tiêu; Triệt để tiết kiệm điện trong sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; Bảo đảm đủ xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; Tăng cường hợp tác quốc tế; đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng xanh, sạch, công bằng gắn với cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn