Thủ tướng nhắc ‘siêu ủy ban’ không để xảy ra thất thoát vốn Nhà nước

Kinh tếThứ Tư, 17/07/2019 22:10:00 +07:00

Thủ tướng khẳng định Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cần giám sát chặt, không để xảy ra thất thoát vốn.

Sáng 17/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhằm lắng nghe, giải quyết các vấn đề vướng mắc.

Siêu ủy ban” này mới chính thức đi vào hoạt động các đây 10 tháng, quản lý số vốn 2,3 triệu tỷ đồng và có 19 tập đoàn, tổng công ty mới được bàn giao sang.

thu tuong 1

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh. (Ảnh: Quang Hiếu)

Theo Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước Nguyễn Hoàng Anh, ngay sau khi tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty, Ủy ban đã giải quyết 2 nhóm công việc thuộc quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước.

Sau 10 tháng hoạt động, Thủ tướng đề nghị đơn vị này phải rút ra kinh nghiệm, chủ động đổi mới cách làm, vận dụng linh hoạt, đúng quy định của pháp luật trong xử lý các vấn đề cụ thể đối với các tập đoàn, tổng công ty.

Định hướng nhiệm vụ thời gian tới cho “siêu ủy ban”, Thủ tướng yêu cầu phải xây dựng được mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại, tập trung nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Nhà nước.

Đặc biệt, Ủy ban cần lưu ý kiện toàn hệ thống kiểm soát nội bộ doanh nghiệp Nhà nước, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm.

thu tuong 2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Ủy ban Quản lý vốn không thể là đơn vị quan liêu, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp. (Ảnh: Quang Hiếu)

Người đứng đầu Chính phủ nhắc Ủy ban Quản lý vốn đẩy mạnh cơ cấu lại, tập trung vào những lĩnh vực then chốt, tạo động lực phát triển hoặc lĩnh vực các thành phần kinh tế khác không đầu tư được, Nhà nước cần phải nắm.

“Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ, tạo mọi điều kiện phát triển nhưng phải tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản Nhà nước trong quá trình hoạt động kinh doanh, quá trình sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, sử dụng vốn Nhà nước, phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng tiêu cực, lạm dụng chức vụ quyền hạn đối với các tập đoàn, tổng công ty”, Thủ tướng nhắc nhở.

Theo người đứng đầu chính phủ, Ủy ban không thể là cơ quan quan liêu kiểu cũ, không thể là một cấp hành chính tạo gánh nặng mà cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển tốt hơn nữa.

Trong kinh tế thị trường, thời cơ là quan trọng, do đó Ủy ban cần trả lời nhanh, quyết đáp nhanh những vấn đề tập đoàn, tổng công ty xin ý kiến.

Thủ tướng nhất trí Chính phủ, các bộ cần có cơ chế phân cấp mạnh hơn cho tập đoàn, tổng công ty trên cơ sở đề nghị của Ủy ban. Ủy ban cần tập trung vào kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả, “giao quyền phải đi liền với trách nhiệm”.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn