Thủ tướng: Nhà nước có cơ chế, nguồn lực, nông dân vẫn phải tăng cường tự chủ

Nông nghiệp - Nông thônThứ Bảy, 30/12/2023 22:44:00 +07:00
(VTC News) -

Đối thoại với nông dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Nhà nước có cơ chế, nguồn lực nhưng nông dân vẫn phải tăng cường tự chủ, không được trông chờ, ỷ lại.

Chiều 30/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 với chủ đề: Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững.

Thủ tướng mong sau cuộc đối thoại, người nông dân sẽ làm ra tiền bạc, lúa gạo. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thủ tướng mong sau cuộc đối thoại, người nông dân sẽ làm ra tiền bạc, lúa gạo. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Phát biểu mở đầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị đánh giá tình hình, những việc đã làm một cách tổng thể, khách quan, toàn diện, bao trùm; đề xuất các phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới để thực hiện mục tiêu "nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nông nghiệp sinh thái", trí thức hóa nông dân.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đối thoại thực chất, đi thẳng vào tình hình, những nút thắt, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, sau đối thoại phải có tiến bộ. Điều cuối cùng là phải ra sản phẩm cụ thể, ra tiền bạc, lúa gạo, đường sá…, thay đổi hơn nữa bộ mặt nông thôn và đời sống người nông dân, với tinh thần nông dân là trung tâm, là chủ thể, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực.

Nông dân đặt câu hỏi về chính sách, giải pháp để hỗ trợ họ trong vấn đề chuyển đổi tư duy sản xuất, vấn đề thị trường, liên kết sản xuất, chuyển đổi số, phát triển du lịch nông nghiệp, thị trường tiêu thụ nông sản…

 Nông dân đặt câu hỏi về chính sách, giải pháp để hỗ trợ họ trong vấn đề chuyển đổi tư duy sản xuất, vấn đề thị trường, liên kết sản xuất, chuyển đổi số, phát triển du lịch nông nghiệp, thị trường tiêu thụ nông sản…

Tại cuộc đối thoại, nông dân đặt câu hỏi về chính sách, giải pháp để hỗ trợ họ trong vấn đề chuyển đổi tư duy sản xuất, vấn đề thị trường, liên kết sản xuất, chuyển đổi số, phát triển du lịch nông nghiệp, thị trường tiêu thụ nông sản…

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, phát triển nông nghiệp cần 5 thành tố quan trọng: Thương hiệu, quy hoạch, doanh nghiệp, ngân hàng, ứng dụng khoa học công nghệ.

Trước hết, phải có thương hiệu, phải quy hoạch vùng nguyên liệu để bảo đảm sản xuất ổn định, đủ sản lượng theo thị trường. Doanh nghiệp cung ứng sản phẩm đầu vào, lo đầu ra cho nông dân. Ngân hàng cung cấp nguồn vốn với ưu đãi phù hợp, còn khoa học công nghệ giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Để có những yếu tố này, người nông dân phải có đề án cụ thể theo quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, như vậy thì các bên mới có thể tham gia hợp tác, hỗ trợ.

Về liên kết sản xuất, Thủ tướng nhắc lại câu nói "muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau" và lưu ý, trong bối cảnh mới và trước quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, yêu cầu đặt ra là phải liên kết.

Người nông dân cần liên kết theo hướng lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, từ đó các hợp tác xã cạnh tranh lành mạnh; tạo ra chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm; xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại…

Thủ tướng cũng nhấn mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn, đơn cử là hệ sinh thái nuôi tôm và trồng lúa. Nhà nước cũng phải có cơ chế, chính sách, đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do, tạo cơ hội cho doanh nghiệp cung cấp sản phẩm đầu vào như phân bón, sinh phẩm… và lo đầu ra cho sản phẩm. Các ngân hàng phải vào cuộc với tín dụng phù hợp.

Tại cuộc đối thoại, Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh ba giải pháp đột phá chiến lược ngành Nông nghiệp: Hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng.

"Năm 2023 khó khăn nhưng nông nghiệp vẫn tăng trưởng, tăng 3,83%; xuất khẩu vẫn đạt chỉ tiêu, ít nhất được 53 tỷ USD, trong đó hơn 10 ngành nghề đạt từ 1 tỷ USD trở lên. Những thành quả đó có sự đóng góp lớn của nông dân. Rõ ràng đây là kết quả của sự xoay chuyển tình thế.

Trong bối cảnh khó khăn đó, đến nay Ngân hàng Nhà nước cũng đã giải ngân được hơn 70% nguồn vốn đầu tư công để phát triển kinh tế. Đảng, Nhà nước có chính sách, cơ chế, nguồn lực, nhưng nông dân vẫn phải tăng cường tự chủ, đi lên bằng bàn tay khối óc của mình, không được trông chờ ỷ lại", người đứng đầu Chính phủ nói.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Thủ tướng khẳng định, đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân vào thành tựu chung của đất nước là rất to lớn và hết sức quan trọng; khẳng định được vai trò và vị trí, góp phần làm vững chắc thêm nền tảng cho đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Sau khi lắng nghe nhiều ý kiến của nông dân, doanh nghiệp, bộ ngành, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cuộc đối thoại diễn ra trong không khí dân chủ, trách nhiệm, hiệu quả, đề cập tới nhiều vấn đề, góp phần giải quyết được một số vướng mắc, ách tắc với tinh thần xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, dù một cuộc đối thoại không thể giải quyết được hết các vấn đề của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. 

Thủ tướng giao các bộ, ngành, cơ quan tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện, trình ban hành sản phẩm cụ thể, phù hợp sau hội nghị để tổ chức triển khai hiệu quả, đồng bộ. 

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn