Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023

Chính trịThứ Bảy, 09/09/2023 10:02:00 +07:00
(VTC News) -

Tại phiên họp thường kỳ tháng 8/2023, Chính phủ sẽ cho ý kiến về các tờ trình, báo cáo quan trọng trình Bộ Chính trị, Trung ương và Quốc hội.

Sáng 9/9, phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phiên họp hôm nay rất quan trọng. 

Theo Thủ tướng, ngoài việc thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 9 và đến cuối năm 2023, Chính phủ còn cho ý kiến về các tờ trình, báo cáo quan trọng trình Bộ Chính trị, Trung ương và Quốc hội.

Trong đó có các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, đầu tư công, ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2024; các báo cáo giữa kỳ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Thủ tướng nhìn nhận, hậu quả của dịch COVID-19, cạnh tranh chiến lược gia tăng, xung đột tại Ukraine còn phức tạp khiến tình hình kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng tăng trưởng giảm, lạm phát có chững lại nhưng neo ở mức cao, phục hồi chậm, cả tổng cung và tổng cầu khó khăn. 

Cùng đó là biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan diễn biến phức tạp, hiện tượng El Nino gây nắng nóng kỷ lục tại nhiều nơi và gia tăng nguy cơ mất an ninh lương thực của nhiều quốc gia.

Ở trong nước, người đứng đầu Chính phủ cho rằng nền kinh tế chịu "tác động kép" từ các yếu tố bất lợi bên ngoài (nhất là thị trường xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng, đầu tư, tiền tệ, tài chính…) và các hạn chế, tồn tại kéo dài nhiều năm bộc lộ rõ hơn trong khó khăn.

Trong khi đó, nước ta là nước đang phát triển, là nền kinh tế đang chuyển đổi, có độ mở cao, quy mô còn khiêm tốn, khả năng thích ứng, sức chống chịu có hạn, nên một biến động nhỏ bên ngoài có thể gây tác động, ảnh hưởng lớn đến bên trong, Thủ tướng đánh giá.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ cùng các cấp, các ngành, các địa phương giúp kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi được kiểm soát tốt.

Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Bên cạnh đó, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững, hội nhập, đối ngoại được thúc đẩy và mở rộng với nhiều sự kiện ngoại giao sôi động, nhiều nước muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam, vai trò, vị thế, uy tín của đất nước ngày càng được nâng lên.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp; thị trường bất động sản có khởi sắc nhưng còn khó khăn; những vấn đề liên quan tới các dự án thua lỗ, các ngân hàng yếu kém; tiếp cận tín dụng khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp...

Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận, phân tích kỹ, đánh giá khách quan, sát thực tiễn, phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, bài học kinh nghiệm, nhận diện, dự báo bối cảnh, tình hình thời gian tới.

Đồng thời các đại biểu cần đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để chỉ đạo, điều hành tốt hơn trong tháng 9, những tháng còn lại của năm 2023 và thời gian tới.

Anh Văn
Bình luận
vtcnews.vn