Thủ tướng Anh Liz Truss từ chức, điều gì xảy ra tiếp theo?

Thời sự quốc tếThứ Năm, 20/10/2022 21:03:00 +07:00
(VTC News) -

Bà Liz Truss là thủ tướng có nhiệm kỳ ngắn nhất lịch sử nước Anh, trong khi đảng Bảo thủ đối mặt với cuộc khủng hoảng ứng viên thủ tướng tiếp theo.

Theo CNN, ngày 20/10 (theo giờ địa phương), tại Số 10 Phố Downing, Thủ tướng Anh Liz Truss đã tuyên bố từ chức, kết thúc nhiệm kỳ kéo dài chỉ 44 ngày. Đây cũng là nhiệm kỳ Thủ tướng Anh ngắn nhất lịch sử.

Sự ra đi của bà Truss dù đã được đoán định từ trước nhưng sự kiện này đẩy đảng Bảo thủ vào một cuộc khủng hoảng mới khi không có ứng viên nào đủ uy tín để trở thành Thủ tướng Anh tiếp theo.

Trong bài phát biểu từ chức của mình, bà Truss cho biết đảng Bảo thủ sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo đảng mới trong tuần tới. Thông tin cụ thể về cuộc bỏ phiếu này vẫn chưa được tiết lộ.

Thủ tướng Anh Liz Truss từ chức, điều gì xảy ra tiếp theo? - 1

Thủ tướng Anh Liz Truss trong buổi họp báo tuyên bố từ chức trước Số 10 Phố Downing. (Ảnh: CNN)

Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng cho biết bà Truss đã thừa nhận ngày 19/10 là "một ngày khó khăn" sau khi xảy ra cảnh hỗn loạn bên trong Quốc hội và việc Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman từ chức. Song bà bày tỏ mong muốn chính phủ tập trung vào những vấn đề ưu tiên.

Vị trí Thủ tướng Anh của bà Liz Trus đã bị lung lay kể từ Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng bị sa thải.

CNN nhận định, lần này đảng Bảo thủ sẽ không vội vàng trong việc bầu ra lãnh đạo mới, giống như cách bà Truss được bầu làm Thủ tướng Anh sau khi cựu Thủ tướng Boris Johnson từ chức.

Theo các quy định hiện hành của đảng Bảo thủ, những người muốn ứng cử vào vị trí lãnh đạo phải trải qua một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm từ 357 thành viên của đảng tại quốc hội. Hai ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất sẽ được tiếp tục vào vòng bỏ phiếu thứ hai ở cấp đảng viên cơ sở.

Tuy nhiên quy trình này có thể sẽ không được sử dụng trong cuộc bầu lãnh đạo Đảng Bảo thủ sắp tới. Ủy ban 1922 của Đảng Bảo thủ có thể thực hiện một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm bầu lãnh đạo mới thông qua các thành viên nghị sĩ mà không cần đến các đảng viên cơ sở.

Một ứng cử viên có đủ uy tín khi đứng ra ứng cử có thể tìm được sự ủng hộ từ các đảng viên nghị sĩ nếu tỏ rõ quyết tâm hàn gắn những rạn nứt trong nội bộ đảng Bảo thủ thời gian qua, CNN nhận định.

Thông tin chi tiết về cách thức chính xác của cuộc bỏ phiến tín nhiệm này sẽ sớm được đảng Bảo thủ công bố.

Tuy nhiên một quá trình bỏ phiếu gấp rút như vậy sẽ chỉ làm phe đối lập Anh có cơ sở để kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử sớm, bởi nước Anh sắp trải qua ba đời thủ tướng kể từ năm 2019 - điều chưa từng xảy ra kể từ Thế chiến thứ 2.

Sự xáo trộn của nội các Anh diễn ra giữa lúc thị trường phản ứng dữ dội sau khi cựu Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng công bố kế hoạch cắt giảm thuế trị giá 45 tỷ bảng (50 tỷ USD) mà chưa giải thích rõ làm cách nào để bù đắp cho nguồn thu ngân sách sụt giảm vì những biện pháp cắt giảm thuế này.

Sau đó, tân Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt ngày 17/10 tuyên bố đảo ngược gần như toàn bộ kế hoạch giảm thuế của người tiền nhiệm, đồng thời xem xét lại chính sách giá nhiên liệu.

Việc chính phủ của bà Truss đảo ngược các biện pháp giảm thuế trên đã khiến nỗ lực bảo toàn vị trí Thủ tướng của bà trở nên vô nghĩa.

Trà Khánh(Nguồn: CNN)
Bình luận
vtcnews.vn