Thứ trưởng TT&TT: Phim có đường lưỡi bò loại bỏ ngay, không làm mờ hay biên tập

Tin nóngThứ Sáu, 04/08/2023 20:40:00 +07:00
(VTC News) -

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, sẽ loại bỏ ngay những bộ phim có "đường lưỡi bò" chứ không làm mờ hay biên tập, cắt xén rồi chiếu.

Chiều 4/8, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo phổ biến 2 thông tư hướng dẫn Nghị định số 71/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Cục phó Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử Nguyễn Hà Yên phát biểu khai mạc hội thảo.

Cục phó Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử Nguyễn Hà Yên phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Thanh Lâm đề cập đến việc một số nền tảng xuyên biên giới phát hành những bộ phim xuất hiện "đường lưỡi bò".

"Vừa qua Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã làm việc với Netflix về những vi phạm của phim có "đường lưỡi bò". Quan điểm của các cơ quan quản lý là phim mà có "đường lưỡi bò" thì không có chuyện làm mờ, biên tập, cắt xén rồi chiếu mà phải loại bỏ ngay", ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông cho hay, lãnh đạo Đảng và Nhà nước chỉ đạo rất quyết liệt vấn đề này, nếu còn để diễn ra tình trạng như vừa qua sẽ xem xét trách nhiệm của các Bộ, ngành quản lý.

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch là đơn vị quản lý về lĩnh vực điện ảnh đang gặp khó khăn trong việc buộc các nề tảng xuyên biên giới thực thi đúng điều 21 Luật Điện ảnh (phổ biến phim trên không gian mạng).

"Gần như chưa có doanh nghiệp, nền tảng xuyên biên giới nào thực hiện cung cấp cho Cục Điện ảnh kế hoạch phổ biến phim, trước khi đẩy phim lên trên các ứng dụng. Như vậy là họ hoàn toàn không tuân thủ luật pháp Việt Nam", Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông nói.

Để giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Lâm thông tin, tới đây, Bộ Thông tin và Truyền Thông sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch để quản lý việc phân phối những sản phẩm văn hóa xuyên biên giới. Trong đó, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch sẽ phụ trách việc kiểm duyệt phim theo Luật Điện ảnh, còn Bộ Thông tin và Truyền Thông làm những vấn đề còn lại.

"Sự phối hợp này từ trước đến giờ cũng có nhưng thời gian tới là phối hợp để không bỏ lọt, không có chuyện không xử lý những vi phạm của doanh nghiệp xuyên biên giới", lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền Thông khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thanh Lâm đánh giá, quản lý việc cung cấp dịch vụ phát thanh - truyền hình trên các nền tảng cũng cần phải được quan tâm, đặc biệt là trên tivi thông minh.

Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền Thông đã làm việc với 5 doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu tivi thông minh vào Việt Nam và đề nghị không được tích hợp những phím tắt trên điều khiển để xem những dịch vụ lậu chưa tuân thủ đầy đủ luật pháp Việt Nam.

"Chúng tôi cũng nhất quán, phối hợp hợp Đài Truyền hình Việt Nam tích hợp các kênh truyền hình thiết yếu quốc gia lên ứng dụng VTVGo để chúng ta có nền tảng truyền hình số quốc gia", Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông nói và cho biết, Bộ cũng đã có văn bản gửi 5 doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và phân phối tivi thông minh sớm cài đặt VTVGo lên giao diện màn hình tivi thông minh, chậm nhất là hết quý 3/2023 phải hoàn thiện.

Liên quan đến bản quyền, ông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, đây là vấn đề cực kỳ quan trọng để ngành phát thanh, truyền hình có thể sống được. 

Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền Thông, một số doanh nghiệp đã tự bảo vệ mình với các sản phẩm độc quyền như chương trình thể thao, tuy nhiên khi các sản phẩm không độc quyền thì bảo vệ bản quyền lại là trách nhiệm chung, không rõ là ai làm.

Trong khi đó, cơ quan quản lý Nhà nước có nhiệm vụ xây dựng chính sách, thể chế thì không có điều kiện thực hiện. Bởi cơ quan quản lý Nhà nước không phải là chủ thể sở hữu bản quyền, cũng không phải là đại diện sở hữu bản quyền nên không thể đứng ra thay thế bên khiếu nại.

"Về phía Bộ Thông tin Truyền thông, chúng tôi cũng không ngần ngại thúc đẩy và có thể sẽ triển khai một chiến dịch rà quét, chặn hạ những website vi phạm bản quyền ở quy mô lớn trong thời gian tới. Có thể làm ở quy mô thật lớn mà chưa bao giờ làm", ông Nguyễn Thanh Lâm cho hay.

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, cần có sự tổng hợp, thống kê, thu thập bằng chứng, kết hợp với truyền thông đấu tranh để làm một lần "ra tấm ra món", tạo nên sự ảnh hưởng tích cực đến ngành phát thanh, truyền hình.

Cũng phát biểu ý kiến về những bộ phim có "đường lưỡi bò" tại hội thảo, ông Đỗ Quốc Việt - Phó Cục trưởng Cục điện ảnh, cho biết, mới đây nhất, sau yêu cầu của Cục Điện ảnh, Netflix đã gỡ bỏ loạt phim "Hướng gió mà đi" trên nền tảng tại Việt Nam.

Ông Đỗ Quốc Việt nêu rõ, "Hướng gió mà đi" gồm 39 tập, mỗi tập có thời lượng trung bình khoảng 42-45 phút. Từ tập 18-30 có nhiều hình ảnh "đường lưỡi bò". Đặc biệt trong tập 18, phụ đề nêu rất rõ: "Tấm bản đồ này, có một ngày sẽ đi ra khắp thế giới".

"Đó không chỉ vi phạm về hình ảnh, không chỉ vi phạm về nội dung mà còn vi phạm điều 9 của Luật Điện ảnh (Những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh)", Phó Cục trưởng Cục điện ảnh nói.

Ông Đỗ Quốc Việt khẳng định, những vi phạm liên quan đến chủ quyền biển đảo quốc gia sẽ không được chấp nhận và không có thương thuyết, điều chỉnh để được chiếu.

"Một số tổ chức cho rằng họ đã làm mờ, đã có những điều chỉnh nhưng quan điểm của chúng tôi là họ sai ngay từ khi nhập khẩu phim. Theo Luật Điện ảnh, khi nhập khẩu phim phải nộp cam kết không vi phạm điều 9, nếu làm mờ, điều chỉnh như vậy thì chứng tỏ họ biết và cố tình làm sai", lãnh đạo Cục điện ảnh nói thêm.

Anh Văn
Bình luận
vtcnews.vn