Đại biểu Quốc hội: Lựa chọn nhân tài rồi sẽ làm gì?

Thời sựThứ Năm, 24/10/2019 15:42:00 +07:00

Nhiều đại biểu nêu ra các ý kiến về vấn đề lựa chọn nhân tài khi bàn tới khái niệm mới “người có tài năng trong hoạt động công vụ”.

Khái niệm “người có tài năng trong hoạt động công vụ” cũng như quy định về chính sách trọng dụng, đãi ngộ với người có tài được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức là một trong những nội dung được bàn luận nhiều nhất trong buổi thảo luận hội trường tại Quốc hội sáng nay 24/10. 

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (đoàn Đà Nẵng) cho rằng không có khái niệm hoàn hảo cho cái gọi là "người có tài năng trong hoạt động công vụ" vốn được định nghĩa là cán bộ, công chức năng lực chuyên môn vượt trội, có đóng góp lớn, hiệu quả trong cơ quan thuộc lĩnh vực công tác mà ít người đạt được.

nguyen ba so

 Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng). (Ảnh: Quochoi.vn)

"Câu hỏi được đặt ra là điều này được đưa ra để lựa chọn nhân tài, nhưng lựa chọn được nhân tài rồi làm gì đây", ông Sơn nói. 

Cùng quan điểm với ông Sơn, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) nói rằng đây là một khái niệm rất chung chung, tạo kẽ hở cho những đối tượng gian lận thi cử tìm cách đưa mình trở thành người tài. 

Bà Khánh lo ngại những người có điều kiện kinh tế sẵn sàng bỏ hàng tỷ đồng để được tuyển dụng một cách một cách hợp pháp vào cơ quan nhà nước. Khi đã vào được cơ quan nhà nước, những người có tiền lại tiếp tục chi thêm tiền để đi lên. 

“Những người có tâm, có đức không ai đi lên bằng con đường này. Vì thế, tôi đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra nghiên cứu kỹ các quan điểm về những người có đức, có tài”, bà Khánh kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) cũng cho rằng, dự thảo quy định chưa rõ ràng đối với người có tài. Có những người có lợi cho tổ chức, cơ quan, nhưng lại không có lợi cho nhân dân.

Theo ông Việt, người tài phải là người đóng góp to lớn cho đất nước và cho nhân dân, do đó dự luật cần sửa theo hướng người tài là người có năng lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn vượt trội; được xã hội, tổ chức, cơ quan nhìn nhận; có góp lớn hiệu quả cho đất nước, cho nhân dân.

“Có như vậy thì mới xử lý được câu chuyện về đức và tài. Chứ người chỉ có tài trong tổ chức, cho cơ quan, nhưng lại làm hại cho dân, cho nước thì không thể gọi là nhân tài”, đại biểu Nguyễn Bắc Việt nhấn mạnh.

Trái ngược với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) tán đồng việc bổ sung khái niệm người có tài năng trong hoạt động công vụ và quy định về chính sách đãi ngộ, qua đó cơ quan có thẩm quyền về khung chính sách, đãi ngộ với đối tượng này.

Ông Hận cho rằng chính sách hiện nay còn nhiều ràng buộc nhất định nên người tài hoặc du học sinh không thể xin được việc trong cơ quan nhà nước vì không qua nổi kỳ thi công chức hoặc do các cơ quan phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ không còn vị trí việc làm để tuyển dụng.

Thực tế này theo vị đại biểu Cà Mau đang làm lãng phí chất xám, tuổi thanh xuân đang hừng hực muốn cống hiến cho xã hội của những người trẻ tuổi. 

"Việc bổ sung chế định này vào luật là để có cơ sở tạo dựng chính sách, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao này cho hiệu quả, đồng thời cần có quy định kiểm định chất lượng đầu vào công chức", ông Hận cho hay. 

Song Hy - Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn