Trung Quốc phóng vệ tinh thất bại 2 lần trong một tháng

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 10/04/2020 15:30:05 +07:00
(VTC News) -

Chỉ trong vòng một tháng, Trung Quốc đã có 2 lần phòng vệ tinh vào quỹ đạo, nhưng đều thất bại.

Ngày 9/4, Trung Quốc tiếp tục thất bại trong việc phóng tên lửa đẩy Trường Chinh 3B, tại Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên.

Tân Hoa Xã cho hay, việc phóng tên lửa đẩy Trường Chinh 3B nhằm đưa vệ tinh liên lạc Nusantara-2 của Indonesia vào không gian, cung cấp dịch vụ phát sóng và băng thông rộng cho Jarkata.

Trung Quốc phóng vệ tinh thất bại 2 lần trong một tháng - 1

Trung Quốc phóng vệ tinh thất bại lần thứ hai trong một tháng. (Ảnh: CGWIC)

Sau khi rời khỏi trung tâm phóng ở Tứ Xuyên, tên lửa đẩy Trường Chinh 3B đã gặp trục trặc ở tầng thứ 3, khiến Nusantara-2 bị phá hủy. Tầng 1 và tầng 2 của tên lửa hoạt động bình thường. Hiện cơ quan chức năng Trung Quốc đang điều tra sự cố này.

Đây là lần thứ 2 Trung Quốc phóng vệ tinh thất bại trong vòng 1 tháng qua. Trước đó, tên lửa Trường Chinh 7A hôm 16/3 đã phát nổ, sau khi được phóng lên từ đảo Hải Nam.

Vệ tinh Nusantara-2 do công ty vệ tinh Trung Quốc Great Wall Industry Corp (CGWIC) thiết kế cho công ty liên doanh của Indonesia là Pasifik Satelit Nusantara (PSN) và Indosat Ooredoo.

Vệ tinh nặng 5,550 kg và mang theo 20 bộ phát băng tần C và băng tần Ku tốc độ cao 9,5 Gbps. Nusantara-2 được sản xuất để thay thế cho vệ tinh Indosat, Palapa-D và cung cấp khả năng mở rộng cho PSN, công ty vận hành vệ tinh Nusantara-1.

Video: SpaceX phóng vệ tinh cấp Internet tốc độ cao cho toàn thế giới

Ông Julian Indri, Tổng giám đốc của liên doanh PSN, cho biết công ty hiện lên kế hoạch sử dụng công suất băng tần Ku cho băng thông rộng, trong khi Indosat sử dụng băng tần C để phát sóng truyền hình.

Trong khi đó, Người phát ngôn của Indosat Turina Farouk cho biết, có 2 trạm cổng được xây dựng cho Nusantara-2. Một trạm ở thành phố Medan và trạm còn lại ở Surabaya, Indonesia.

Vệ tinh được thiết kế chủ yếu dùng cho toàn lãnh thổ Indonesia, nhưng có độ phủ sóng trải khắp châu Á  - Thái Bình Dương.

Kông Anh(Nguồn: Spacenews, Nasaspaceflight)
Bình luận
vtcnews.vn