Trung Quốc: 80% “Cái bang” ở Quảng Đông là lừa đảo

Thời sự quốc tếThứ Tư, 15/09/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Ông Chu cho biết, hàng ngày sau khi hết giờ làm, ông thường tìm đến các cô gái bán hoa ven chân cầu vượt và giải quyết nhu cầu sinh lý ngay tại đó…

(VTC News) - Bọn trẻ bị bắt, có đứa mới chỉ một vài tuổi, bọn người này lấy dây buộc chặt hai chân chúng một lúc cho máu không lưu thông được, chân phù nề đau đớn, trẻ càng kêu khóc càng kiếm được tiền. Dần dà chân bọn trẻ bị teo lại, lúc này bọn chúng mới thực sự biến bọn trẻ tàn tật thành công cụ kiếm sống...

Tờ Nam Phương nhật báo ngày 14/9 đưa tin, sau 3 tháng bám theo những người làm nghề hành khất phóng viên báo này đã tìm ra “bản đồ bí mật” của những người ăn mày.

Lực lượng chức năng đang xử lý một "Cái bang" lừa đảo.  

Hơn thế nữa, sự thực nhiều ăn mày không nghèo như những gì có thể nhìn thấy ở họ và với trên 80% số người trong đội quân “Cái bang” ở thành phố Quảng Châu thủ phủ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc là những tên lừa đảo, lưu manh chuyên nghiệp.

Nếu lần đầu tiên đặt chân đến Quảng Châu, nhiều người sẽ phải ngỡ ngàng khi nơi phồn hoa đô hội này lại lắm hành khất như vậy. Ngay cửa chùa Lục Dung có một đoàn người ăn xin, kẻ cố tình kéo quần lên để người đời nhìn thấy phần chân tàn tật, kẻ đem theo 2 đứa trẻ nhỏ mới 1, 2 tuổi mặt mày lấm lem, quần áo rách rưới đang bốc đất nghịch, người ngồi xe đẩy cắp nón rách ngửa tay xin tiền…

Những đệ tử “Cái bang” nơi đây bám khách qua đường, khách du lịch dai hơn đỉa đói, chỉ khi nào người ta cho tiền bọn họ mới chịu buông tha. Cộng đồng Cái bang Quảng Châu đã làm xấu đi nhiều bộ mặt của thành phố này khiến nhiều khách du lịch đặt chân tới đây một lần mà phát sợ.

“Môn đồ” phái Cái bang ăn nghỉ ngay ven đường và bất cứ nơi nào có thể. 

Cũng là con người, ngoài cái công việc cùng đáy xã hội họ vẫn làm ban ngày là ngửa tay xin tiền, sống dựa vào lòng thương hại, sự bố thí và nhiều khi là sự tránh phiền toái của những người qua đường trước tài đeo bám của những người hành khất, cuộc sống về đêm của đệ tử “Cái bang” sẽ như thế nào?

Sau một hồi bắt chuyện, cuối cùng phóng viên cũng làm quen được với một đệ tử Cái bang, Lưu Hưng Tài hoạt động dưới chân cầu vượt Tam Nguyên khu Bạch Vân, Quảng Châu 2 năm nay.

Chỗ ở của Tài nằm ngay dưới gầm cầu với mấy đồ dùng đơn giản gồm chăn, màn, quần áo đồ nghề loại rách rưới với mấy quyển tạp chí cũ cuộn lại để gối đầu. Tài cho biết dưới chân cầu vượt này hàng ngày ngoài anh ta ra còn một số “đồng nghiệp” khác đến từ khắp các tỉnh thành Nam, Bắc đến “tác nghiệp”.

Chập tối, những người hành khất lại đổ về chân cầu sau một ngày ăn xin, khoảng hơn chục người cùng tá túc một chỗ dưới gầm cầu. Một đệ tử “Cái bang 4 túi” (hành nghề ăn mày 4 năm) tên Chu cho biết, trong giới ăn mày có đủ hạng người, què quặt, tai nạn, dị tật bẩm sinh cho đến lành lặn.

Ông Chu cho biết, hàng ngày sau khi hết giờ làm, ông thường tìm đến các cô gái bán hoa ven chân cầu vượt và giải quyết nhu cầu sinh lý ngay tại đó.


“Lúc tâm trạng tôi không vui mà ai đó cho tiền, họ đi rồi tôi sẽ chửi họ là đồ ngu. Nếu không cho tiền, tôi sẽ rủa cho họ bị xe cán chết!”, người đàn ông ăn mày đã hơn 50 tuổi đời kể lại.

Ở một góc khác dưới chân cầu, nơi ánh đèn cao áp vàng vọt soi rõ khuôn mặt xanh xao, hốc hác và thân hình da bọc xương của một người phụ nữ mà khó có thể đoán được tuổi thực của chị ta là bao nhiêu. Ông Chu bảo, người đàn bà ấy tên Hoa, nghiện ma túy nặng. Gần như toàn bộ số tiền hàng ngày xin được, chị ta đều đổ vào ma túy.

Lưu Hưng Tài kể rằng, người phụ nữ này đi lại hoàn toàn bình thường, nhưng không biết ả kiếm đâu ra chiếc xe lăn cũ làm phương tiện hành nghề, hàng ngày thị lăn xe từ chân cầu vượt đi khắp các nơi ăn xin, nhưng tối về lại quẳng xe một chỗ đi mua thuốc và về, vẫn chiếc xe lăn ấy, thị ngồi tự chích, tự thưởng thức khoái cảm do ma túy mang lại.

Trong những bộ tiểu thuyết kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung, Cái bang là một đại danh phái của võ lâm Trung Nguyên, hành hiệp trượng nghĩa. Nhưng Lưu Hưng Tài bảo rằng anh ta “hành nghề” ăn xin đã mấy năm chả bao giờ nghe thấy có bang hội như thế. Chỉ có điều, những người ăn xin cũng thường tụ họp theo quê quán, tỉnh thành để bảo vệ nhau.

Những đối tượng hành nghề ăn xin ở các nhà ga, bến tàu, chùa chiền, địa điểm du lịch ở Quảng Châu với rất nhiều bộ dạng khác nhau, đa phần là tàn tật/đóng giả tàn tật, dắt theo trẻ nhỏ 1, 2 tuổi để đánh động lòng trắc ẩn của người đời. Theo lời kể của một người ăn mày họ Lưu, thậm chí có những kẻ dùng tiền mua hoặc bắt cóc trẻ nhỏ về khống chế chúng thành phương tiện kiếm tiền cho mình.

Bọn trẻ bị bắt, có đứa mới chỉ một vài tuổi, bọn người này lấy dây buộc chặt hai chân chúng một lúc cho máu không lưu thông được, chân phù nề đau đớn, trẻ càng kêu khóc càng kiếm được tiền. Dần dà chân bọn trẻ bị teo lại, lúc này bọn chúng mới thực sự biến bọn trẻ tàn tật thành công cụ kiếm sống.

Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Đông năm 2006 thì có tới 79% số ăn mày, trẻ ăn mày ở Quảng Đông từng bị bọn tội phạm thao túng.

Trong 3 tháng liên tục, phóng viên tờ Nam Phương nhật báo đã theo chân cánh ăn mày và trực tiếp quan sát cận cảnh “tác nghiệp” của họ mới thấy được thế giới “Cái bang” Quảng Châu cực kỳ phức tạp, nơi ẩn chứa rất nhiều tai tệ nạn xã hội nhức nhối như lừa đảo, trộm cắp, nghiện hút, bắt cóc, hành hạ ngược đãi trẻ em…

Số lượng những người hành khất ở Quảng Đông khó có thể thống kê chính xác, tuy nhiên sự tồn tại của lực lượng này một mặt ảnh hưởng tiêu cực tới trật tự trị an, mặt khác làm xấu đi hình ảnh của thành phố trong con mắt du khách nước ngoài.

Nhà cầm quyền cần có những biện pháp mạnh mẽ lập lại trật tự đô thị và xóa bỏ những tụ điểm “ăn mày chuyên nghiệp” mới có thể giải quyết tận gốc những hệ lụy nảy sinh từ lực lượng này.

Hồng Vũ(Theo Sina)
Bình luận
vtcnews.vn