Thoái vốn tại dự án Tháp Truyền hình Việt Nam cao nhất thế giới

Kinh tếThứ Tư, 08/11/2017 19:02:00 +07:00

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Đài Truyền hình Việt Nam và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước thoái vốn khỏi Công ty Cổ phần Đầu tư Tháp truyền hình Việt Nam – chủ đầu tư dự án Tháp truyền hình Việt Nam cao nhất thế giới.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư Tháp Truyền hình Việt Nam, bảo đảm theo đúng các quy định của pháp luật, công khai, minh bạch, hiệu quả, không để thất thoát vốn nhà nước.

Đài Truyền hình Việt Nam trao đổi với các đối tác, đề xuất cụ thể tỷ lệ thoái vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư Tháp Truyền hình Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư nghiên cứu, triển khai dự án Tháp Truyền hình Việt Nam thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật và các thủ tục về đất đai có liên quan theo đúng quy định.

23364916_1203262909817432_1514667910_n

Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về thoái vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư Tháp Truyền hình Việt Nam. 

Trước đó, vào tháng 7/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký Quyết định 1001 phê duyệt phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của SCIC đến năm 2020.

Theo phương án này, SCIC được chủ động bán vốn tại 4 doanh nghiệp trong giai đoạn 2017 – 2020, trong đó có Công ty Cổ phần Đầu tư Tháp truyền hình Việt Nam.

Đáng chú ý, trong một động thái diễn ra trước đó, Đài Truyền hình Việt Nam cũng đã có công văn đề nghị thoái toàn bộ hoặc phần lớn vốn tại công ty trên.

Lý do rút lui của VTV là đơn vị đang cần tập trung ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho sản xuất chương trình và phát triển kinh doanh trong lĩnh vực truyền hình. Ngoài ra, dự án cũng chưa được Thủ tướng phê duyệt, chưa triển khai thực hiện.

Như vậy, với việc cả VTV và SCIC cùng rút, dự án tháp truyền hình cao nhất thế giới đã chính thức "đổ bể", khép lại mơ ước cửa nhiều thế hệ những người làm việc tại VTV trong suốt 2 năm qua.

Dự án Tháp truyền hình Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương nghiên cứu, hợp tác đầu tư từ đầu năm 2015.

Công trình dự kiến được xây dựng trên khu đất hơn 14 ha tại khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây. Đây được đánh giá là dự án tầm cỡ quốc tế, có tính chất đặc thù nên cần có cơ chế đặc biệt do Thủ tướng quyết định về vốn, hình thức giao đất và phương thức chọn nhà thầu. Dự án cũng được áp dụng chính sách ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật.

Khi đó, lãnh đạo VTV cũng cho biết độ cao của tháp sẽ là 636m, hơn tháp cao nhất châu Á hiện nay là Sky Tree ở Tokyo - Nhật Bản (634m) và tháp truyền hình Quảng Châu - Trung Quốc (600m) và sẽ thuộc loại cao nhất trong số tháp truyền hình đã được xây dựng trên thế giới.

Trước đó, khi trả lời báo chí về vấn đề này, lãnh đạo VTV cho biết, ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng Giám đốc VTV, Trưởng Ban chuẩn bị đầu tư xây dựng tháp Truyền hình Việt Nam phủ nhận thông tin trên - "Việc này chưa phải", ông Lương khẳng định.

Phúc Khánh
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn