Thế giới 24h:Trung Quốc công bố tên đảo tranh chấp

Thế giớiThứ Bảy, 22/09/2012 05:16:00 +07:00

(VTC News) - Ấn Độ thử thành công tên lửa đạn đạo Agni-III; Trung Quốc công bố tên địa lý vùng đảo tranh chấp với Nhật;… là những tin đáng chú ý ngày 22/9.

(VTC News) - Ấn Độ thử thành công tên lửa đạn đạo Agni-III; Trung Quốc công bố tên địa lý vùng đảo tranh chấp với Nhật;… là những tin đáng chú ý trong ngày 22/9.

Ấn Độ thử thành công tên lửa đạn đạo Agni-III

Ấn Độ vừa thử thành công tên lửa đạn đạo Agni-III có khả năng mang đầu đạn hạt nhân từ một căn cứ quân sự ngoài khơi bang Odisha của nước này.

Vụ thử do Bộ Tư lệnh Lực lượng chiến lược của quân đội Ấn Độ tiến hành ngày hôm qua tại tổ hợp bệ phóng trên đảo Inner Wheeler.


Tên lửa đạn đạo Agni-III vừa được phóng lên từ đảo Inner Wheeler 

Vụ phóng thử tên lửa Agni-III được tiến hành chỉ hai ngày sau khi quân đội Ấn Độ thử tên lửa tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Agni-IV cũng từ bãi phóng trên.

Tên lửa Agni-III dài 16m và nặng 48 tấn. Tên lửa này thuộc loại đất đối đất, có tầm bắn 3.000 km và có khả năng mang đầu đạn nặng tới 1,5 tấn. Trong khi đó, Agni-IV có tầm bắn 4.000 km, gồm hai tầng, sử dụng nhiên liệu rắn và nhẹ hơn Agni – III do  vỏ bọc của động cơ được làm bằng chất liệu tổng hợp.

Trung Quốc công bố tên địa lý vùng đảo tranh chấp với Nhật

Theo Tân Hoa xã, Cục Hải dương Nhà nước (SOA) và Bộ Nội vụ Trung Quốc ngày 21/9 đã công bố danh sách các tên gọi được tiêu chuẩn hóa của các thực thể địa lý trên quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) cùng một số đảo lân cận.

Danh sách này cũng liên quan đến các vùng biển xung quanh các hòn đảo.


Quần đảo Điếu Ngư/Senkaku 

Bản danh sách trên nêu chi tiết tên gọi bằng tiếng Trung và thông tin mô tả vị trí địa lý của nhiều núi, nhánh sông, mũi đất cùng các thực thể địa lý khác trong vùng. SOA cũng công bố bản đồ vị trí của các thực thể này.

Cùng ngày 21/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi cho biết nhiều kế hoạch và hoạt động trong dịp kỷ niệm 40 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Nhật Bản-Trung Quốc đã bị ảnh hưởng do "hành động sai lầm" của Tokyo khi "mua quần đảo Điếu Ngư một cách trái phép," đồng thời tuyên bố Nhật Bản "phải chịu trách nhiệm" về vấn đề này.

Tổng cục Du lịch Quốc gia (NTA) Trung Quốc đã hủy kế hoạch tham dự hội chợ du lịch quốc tế từ ngày 21-24/9 tại Nhật Bản, một trong những sự kiện du lịch lớn nhất châu Á do Hiệp hội các đại lý du lịch Nhật Bản tổ chức. NTA cũng cảnh báo các du khách Trung Quốc có thể gặp nguy hiểm khi tới Nhật Bản.

Người Việt tại Pháp làm nem giúp học sinh nghèo

Cứ mỗi đầu năm học mới, Chi hội Người Việt tại Pháp lại cùng nhau làm nem để bán, gây quỹ học bổng tặng cho các trẻ em nghèo hiếu học ở Việt Nam.

Hôm 15/9, đội ngũ làm nem gây học bổng, với sự hỗ trợ của các sinh viên Việt Nam và bạn bè Chi hội người Việt tại Pháp, tập trung ở thành phố Lyon để bắt tay vào công việc.

Đây là một trong bốn chương trình làm nem gây quỹ năm nay.


Người Việt tại Pháp làm nem gây học bổng

Mỗi năm học, chi hội phát học bổng cho hơn 100 học sinh nghèo với tổng số tiền hơn 2.500 euro, tương đương 70 triệu đồng. Năm nay, số lượng nem mà khách muốn đặt mua của chi hội đạt kỷ lục là 1.000 cái.

Các khâu mua sắm nguyên liệu như thịt, tôm, hành, nấm, bánh tráng…và chuẩn bị như xay, ướp, cắt nhỏ… đã được tiến hành từ chiều 14/9.

Suốt ngày cuối tuần, mọi người tập trung thực hiện những công đoạn còn lại để tạo ra thành phẩm. Các anh chị em như thấm bánh tráng, chia phần nhân, cuốn, chiên, đong nước chấm, giao nem và thu ngân.

Quỹ học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học là thành quả của chương trình Nem học bổng do Chi hội người Việt Nam vùng Rhône thành lập. Ban Ẩm thực Chi hội đã huy động các hội viên và bạn bè làm nem, bán cho dân chúng Pháp trong vùng từ 3 năm nay.

Trung Quốc sa thải quan chức 'máu lạnh'

Một quan chức cấp cao Trung Quốc, từng gây phẫn nộ trong dư luận vì cười cợt trước một vụ tai nạn giao thông thảm khốc, vừa bị cách chức.

Yang Dacai, 55 tuổi, là chủ tịch Cục An toàn Lao động tỉnh Thiểm Tây. Theo BBC, thông báo của chính quyền tỉnh cho hay ông bị thôi giữ các nhiệm vụ vì "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng".

Ông Yang được dư luận biết đến từ tháng trước, sau khi bức ảnh chụp ông đang đứng cười tại hiện trường một vụ tai nạn đường bộ khiến 36 người thiệt mạng, lan truyền trên Internet.


Hình ảnh camera ghi lại cảnh ông Yang cười rất tươi ở hiện trường vụ tai nạn làm 36 người chết ở Thiểm Tây 

Phẫn nộ trước thái độ "máu lạnh" của ông Yang, công chúng Trung Quốc đã tổ chức một cuộc truy tìm và điều tra trên Internet về vị quan chức này. Từ đó, họ phát hiện ra những bức ảnh trong đó ông Yang đeo hàng loạt chiếc đồng hồ xa xỉ.

 Bộ sưu tập đồng hồ của ông có một chiếc Omega Constellation trị giá 10.400 USD, một chiếc Bulgari được cho có giá khoảng 8.000 USD và một chiếc Constantin hơn 32.000 USD.

Trước phản ứng của dư luận, ông Yang đã nỗ lực biện minh rằng ông mua 5 chiếc đồng hồ đắt tiền bằng "thu nhập hợp pháp" của cá nhân. Việc ông cười tại hiện trường tai nạn chỉ là muốn "làm các nhân viên điều tra bớt căng thẳng".

Tuy nhiên, chiến dịch truy tìm trên mạng vẫn dẫn đến một cuộc điều tra chính thức về các khoản tài chính của ông Yang. Ủy ban Kỷ luật đảng ủy Thiểm Tây kết luận ông "sai phạm nghiêm trọng". 
Gái mại dâm 'phải mặc kín đáo'

Các cô gái mại dâm ở thành phố Ghent, Bỉ vừa được lệnh phải ăn mặc kín đáo và không được phô diễn những hành động khiêu khích để mời gọi khách hàng. 

Những cô gái mại dâm trong cửa kính khu phố Đèn Đỏ ở Brussels, Bỉ
 - Ảnh: Belgium.net
 
Theo quy định này, kể từ ngày 1/10 tới, các cô gái "bán hoa" đứng trong lồng kính theo phong cách phố đèn đỏ của Amsterdam tại Ghent, Bỉ sẽ không được mặc đồ hở hang, thực hiện các hành vi mời gọi người qua đường. Nếu vi phạm quy định của Hội đồng thành phố, họ sẽ phải nộp phạt 155 USD.

"Tôi không phải là người kỳ thị gái mại dâm. Một thành phố như Ghent cần gái mại dâm, nhưng họ phải tôn trọng một số quy định", AFP dẫn lời thị trưởng thành phố Ghent, ông Daniel Termont, cho biết.

Quy định mới thành phố Ghent ngăn cấm gái mại dâm "khỏa thân, mặc nội y, bikini hoặc mặc quần áo trong suốt". Luật cũng cấm họ "nhảy múa trong lồng kính" hay "mô phỏng các tư thế tình dục".

Người Nhật sẽ biểu tình chống Trung Quốc

Các nhà hoạt động Nhật Bản hôm nay sẽ tiến hành cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, dự kiến có hàng nghìn người tham gia, để phản đối hành động của Bắc Kinh xung quanh vấn đề Senkaku/Điếu Ngư.

Những người biểu tình dự kiến sẽ tụ tập trước đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo để bày tỏ sự phản đối "hành động xâm lược" và những cuộc biểu tình chống Nhật của Trung Quốc.

Đây được coi là cuộc tuần hành lớn nhất của Nhật kể từ khi nổ ra hàng loạt cuộc biểu tình chống Nhật tại Trung Quốc đến nay, Huanqiu dẫn nguồn truyền thông Nhật cho hay.

Trước đó, ngày 18/9, một nhóm nhỏ người Nhật cũng tụ tập để phản đối Trung Quốc tại trung tâm Tokyo.


Nhà hoạt động Nhật cầm biểu ngữ "Senkaku là của Nhật Bản, Trung Quốc hãy chấm dứt xâm lược" trong cuộc biểu tình hôm 18/9 tại Tokyo 

Khoảng 50 người tập trung tại lối vào của ga tàu Shibuya, họ cầm cờ, biểu ngữ và tuyên bố chủ quyền của Nhật tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Theo Wall Street Journal, cuộc biểu tình ngày 19/8 không có nhiều người tham gia vì được tổ chức vào ngày thường.

Những người biểu tình tỏ ý ủng hộ đảng Dân chủ Tự do của Nhật và yêu cầu đảng cầm quyền, đảng Dân chủ Nhật Bản, và chính phủ phải có những hành động cụ thể để bảo vệ quần đảo.

Cuộc biểu tình hôm nay và cuộc biểu tình ngày 18/9 đều do Ganbare Nippon, một tổ chức dân tộc chủ nghĩa cánh hữu mới thành lập từ năm 2010, lên kế hoạch. Ganbare Nippon cũng từng tổ chức chuyến đi tới đảo Senkaku/Điếu Ngư của 150 người Nhật, trong đó có 8 nghị sĩ quốc hội, hồi tháng 8.

Phe cánh hữu của Nhật có quan điểm cần phải quyết đoán hơn trong chính sách đối ngoại trước tình hình Trung Quốc gia tăng sức ép và những cuộc biểu tình chống Nhật.

Tàu Đài Loan đã làm gì ở Senkaku/Điếu Ngư?

Thông tấn xã Đài Loan (CNA) hôm nay đưa tin, tàu Đại Hãn 711 đã trở về cảng Cơ Long ở Đài Loansau chuyến đi ‘bảo vệ chủ quyền’ với đảo Điếu Ngư hôm qua (tiếng Nhật là Senkaku).

Khi về tới cảng, trên tàu vẫn còn treo những biểu ngữ như: Bảo vệ đảo Điếu Ngư, Điếu Ngư là của chúng tôi, tàu còn treo những quả bóng bay in dòng chữ: Điếu Ngư là của Đài Loan.

“Đại Hãn 711 đã thành công trong việc tuyên bố chủ quyền Điếu Ngư với Nhật Bản. Ban đầu chúng tôi còn định đổ bộ lên đảo nhưng đã không thực hiện được”, thuyền phó Hoàng Trúc nói với CNA.


Trung Quốc đại lục và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đều chưa thể đổ bộ lên Senkaku/Điếu Ngư thành công 

Ý định đưa tàu ra vùng biển tranh chấp của Đại Hãn 711 được CNA nói là bắt nguồn từ ‘suy nghĩ bột phát trong ngày’ của những thuyền viên.

Theo lời kể của Hoàng Trúc, khi tàu tiến vào vùng biển cách Senkaku/Điếu Ngư khoảng 25 hải lý,tàu của tuần duyên Nhật đã tiếp cận, bao vây trước sau.

Tàu tuần duyên Nhật còn dùng tiếng Trung Quốc để cảnh báo việc "chủ quyền của Nhật Bản đang bị xâm phạm".

Tuy nhiên, tàu Đại Hãn 711 đáp lại rằng, họ đang “thực thi chủ quyền với đảo Điếu Ngư, đề nghị Nhật không được phép cản trở”.

Trung Quốc: Tàu sân bay đầu tiên ‘đã sẵn sàng hoạt động'

Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc tại cảng Đại Liên đã sẵn sàng phục vụ lực lượng hải quân nước này sau khi chính thức được đánh số hiệu ‘16’ lên mũi tàu, Hoàn Cầu thời báo đưa tin hôm 22/9.

Giới quan sát cho rằng con số ‘16’ được chọn để tưởng nhớ cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Lưu Hoa Thanh (sinh năm 1916) – người được xem là ‘cha đẻ của tàu sân bày Trung Quốc”.

Hiện Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vẫn chưa cho biết cụ thể tàu sân bay Varyang (mua lại của Ukraine) sẽ đi vào hoạt động từ ngày nào, cũng như chưa hề đề cập tới tên gọi chính thức của con tàu.

>>Tàu sân bay Trung Quốc mang tên Liêu Ninh

Tàu sân bay Trung Quốc mang số hiệu 16 

Tuy nhiên, cộng đồng mạng ở đại lục hôm 21/9 đã lan truyền hình ảnh mới nhất của con tàu Varyang được treo quốc kỳ và hình ảnh hàng trăm binh lính hải quân Trung Quốc xếp hàng dài duyệt binh trên boong tàu.

Một chuyên gia quân sự giấu tên nhận định, những động thái mới liên quan tới tàu sân bay Varyang chẳng qua là tập luyện để chuẩn bị cho một sự kiện nào đó chứ không thực sự là dấu hiệu cho thấy con tàu đã sẵn sàng ‘tham chiến’.

Ấn Độ: 50.000 phụ nữ bị lừa cắt tử cung

Hàng loạt bệnh viện ở Ấn Độ đang phải đối mặt với cáo buộc lừa đảo cắt tử cung cho bệnh nhân nữ để lấy tiền bảo hiểm của chính phủ, hãng BBC đưa tin hôm 21/9.

Cắt tử cung và thắt ống dẫn trứng là những biện được nhiều người phụ nữ nghèo ở Ấn Độ sử dụng để tránh thai và giảm tỉ lệ sinh 
Trong khi đó, số liệu của phóng viên BBC thu thập được từ nhiều vùng ở Ấn Độ cho thấy chỉ hơn 2 năm qua, đội ngũ bác sĩ ở bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân đã lừa đảo được ít nhất 50.000 người phụ nữ với cùng một ‘thủ đoạn trá hình’.

Theo chính quyền địa phương, trong tất các các trường hợp trên, có trường hợp cần thiết phải cắt nhưng cũng có trường hợp chỉ là ‘ý kiến chủ quan’ của các bác sĩ.

Thậm chí, nhiều ca phẫu thuật dù không được tiến hành nhưng viện phí vẫn được ghi đầy đủ và xếp vào loại  thanh toàn bằng tiền bảo hiểm.

Vụ việc được đưa ra ánh sáng khi tòa án thị trấn Samastipur tổ chức một đợt tái kiểm tra cho phụ nữ trong vùng vì ‘nhận được nhiều lời phàn nàn về các ca phẫu thuật giả hoặc là không cần thiết’.

Đỗ Hường (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn