Thể Công: Hạ Bát Nhất bằng công thức mật

Thể thaoThứ Ba, 29/01/2013 12:21:00 +07:00

(VTC News) - Trận thắng lịch sử trước Bát Nhất (Trung Quốc) trên sân vận động Công Nhân, Bắc Kinh năm 1974 là trận cầu hay nhất lịch sử CLB Thể Công.

(VTC News) – Ở kỳ trước chúng tôi đã dừng lại ở bàn thắng vỗ mặt của Thể Công vào đội bóng Bát Nhất trong một trận cầu được xem là hay nhất lịch sử đội bóng quân đội Việt Nam trên đất Trung Quốc.

Bây giờ, mời độc giả đọc tiếp phần còn lại của trận cầu này.


Bác Hồ và lãnh đạo các Đoàn thể thao tham dự giải SKDA 1960, bên phải Bác là Tiền "còi", sau lưng Bác là thủ môn Nguyễn Nhâm. 

Công thức “8 từ” của Thể Công

Tiền vệ Vũ Mạnh Hải nhớ lại, do quá sung sướng và bất ngờ với thành công bằng bàn thắng vỗ mặt ngay phút đầu, Thể Công phải trả giá bằng một lỗi của hàng hậu vệ và từ cự ly 25m về bên trái, Bát Nhất đã tổ chức đá phạt rất xuất sắc, đánh lừa hàng thủ Thể Công để gỡ hòa 1-1 ở phút thứ 5.

Các cầu thủ chủ nhà đều cao to, tất cả xấp xỉ 1m80 trở lên và lại mới đi tập huấn tại châu Âu bắt đầu lấy lại sự hưng phấn, họ xông lên và tranh chấp quyết liệt với đối phương có nhiều cầu thủ thấp bé hơn, chẳng hạn Thế Anh, Duy Phú, Mạnh Hải…đều dưới 1m70.

Nhưng, các cầu thủ Thể Công với lớp trẻ như Khánh, Giáp, Dũng, Phú, Hải, Mỵ, Nhật, Bội, Thế Anh đã hòa hợp hết sức máu thịt cùng lớp đàn anh như Bền, Bính, Thiêm, Hiển, Sơn và có lối chơi ăn ý, hiện đại với quyết tâm cao nhất và với ý chí Việt Nam, họ chơi bóng rất tự tin và được tổng hợp bằng 8 từ thấp-nhanh-ngắn-mạnh-luồn lách-thọc sâu.

Sau khi bị đội bạn gỡ hòa 1-1, Thể Công động viên nhau trên sân phải tập trung cao độ, phải chủ động trong phòng ngự và tấn công và quyết tâm chọc thủng lưới đối phương.

Và phút 12, khi Bát Nhất dâng cao tấn công, tiền vệ Thể Công giành được bóng rồi tỉa một đường chuyền sắc nhọn để Bền lướt nhanh xuống, nhận bóng và căng ngang trước khung thành Bát Nhất, thật bất ngờ là tiền đạo Thế Anh bỗng xuất hiện như từ dưới đất mọc lên, từ cự ly 10m đã ra chân rất nhanh và đá tung lưới, nâng tỷ số 2-1 cho Thể Công, khiến đối phương bộc lộ bất cập từ tuyến hậu vệ biên của đội bạn.

Từ đó, “Ba Đẻn” được bóng nhiều hơn và luôn khuấy đảo hàng hậu vệ đội bạn bằng tốc độ và sự khéo léo, anh đã làm các hậu vệ to cao của Bát Nhất thở không ra hơi-tiền vệ họ Vũ nhớ lại.

Phút 16, chính “Ba Đẻn” nhanh mắt quan sát và chuyền bóng cho Nguyễn Bính, thế là trung phong giỏi đè người dứt điểm cự ly gần không để mất cơ hội, anh tung cú sút hiểm hạ gục thủ môn đội bạn và nâng tỷ số lên 3-1 cho đội khách Thể Công trong tiếng reo hò vô tư của ngót 100.000 người xem Bắc Kinh hôm ấy.

Như thể không còn gì để mất, Bát Nhất dồn sức di chuyển, họ lớn tiếng gọi nhau và trận đấu được đẩy lên tốc độ cao hơn hẳn với các pha vay trả của hai bên.

Dù vậy, đội chủ nhà cũng đã bộc lộ sự lúng túng và chính điều này là cơ hội cho Thể Công: phút 26, sau pha phạm lỗi của cầu thủ Bát Nhất ở cự ly 25m, tiền vệ Phan Văn Mỵ - “khẩu thần công” của Thể Công đã tung cú sút sấm sét ấn định chiến thắng 4-1 cho Thể Công, dường như tất cả cầu thủ Thể Công trên sân hôm ấy đều hiểu rằng số phận của trận đấu đã được định đoạt, và như thế, chuyến đi Trung Quốc lần này xem như đã thành công trọn vẹn!

Trong suốt hiệp 2, dù tận tình nỗ lực mong gỡ lại tình thế song Bát Nhất đã bất lực trước một đội hình Thể Công rất bình tĩnh, tự tin và không thiếu khôn ngoan. Thật tuyệt vời, Thể Công thắng trận với tỷ số đậm đà, toàn đội đều đứng vững, không một ai chấn thương hay chuột rút, căng cơ.

Về phía đội chủ nhà, bạn đã thất vọng và cũng có thể do chủ quan, chưa lường hết được sức mạnh của đối phương dù đã trực tiếp cử người theo dõi và quay phim các buổi tập của Thể Công.

Cảm ơn Thể Công

Trên đường về lại khách sạn Dân Chủ, cầu thủ Thể Công vẫy tay cm ơn sự chúc mừng vô tư và nồng nhiệt của nhiều người dân Bắc Kinh, kể cả nhiều du khách Âu, Mỹ cũng bày tỏ sự hâm mộ những đại diện của nhân dân Việt Nam anh hùng.

Đêm hôm ấy, Đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh vẫn cử các cán bộ sứ quán đến chúc mừng các cầu thủ Thể Công, những người lính- cầu thủ rất xúc động khi được nghe “Cám ơn quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, cám ơn Thể Công - những người đem lại tự hào cho đất nước ta”.

Ngót bốn thập kỷ đã qua, hai tiếng Thể Công đã và vẫn vang vọng trong tâm khảm nhiều thế hệ Việt Nam và với người hâm mộ nghệ thuật thứ 7, Thể Công vẫn là một tượng đài không thể mờ phai.

Nhớ về trận đấu lịch sử này, không thể không nhớ về “những người muôn măm cũ” và chúng tôi sẽ không sao quên hình ảnh các ông Trương Tấn Bửu, Tí Bồ, Mười Tiền, Trương Tấn Nghĩa, Phạm Tất Thắng và các anh Ngô Xuân Quýnh, Hứa Tấn Hỷ, Nguyễn Quý Thiêm, Phan Văn Mỵ…

Ngày hôm sau, một vị Đại sứ của quốc gia châu Phi tới chúc mừng Thể Công, ông cười tươi và nói hóm hỉnh: Sao các ngài không đá thêm 4 bàn nữa để cho tỷ số là 8-1 mà lại đá có 4 quả? (Tên Bát Nhất là ngày thành lập Quân Giải phóng Trung Quốc)


Ama Lâm

Bình luận
vtcnews.vn