Thấy gì qua video chàng cảnh sát trẻ Thái Lan hiếu thảo với ông bà, cha mẹ khi nhận tháng lương đầu?

Thời sựThứ Tư, 08/08/2018 16:36:00 +07:00

Câu chuyện chàng cảnh sát trẻ Thái Lan hiếu thảo với ông bà, cha mẹ khi nhận tháng lương đầu gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ về câu chuyện giáo dục.

Video: Chàng cảnh sát Thái Lan bưng nước rửa chân cho bà ngoại và bố mẹ khi lĩnh tháng lương đầu tiên

Mấy ngày nay, cộng đồng mạng liên tục chia sẻ hình ảnh một thanh niên Thái Lan, sau khi hoàn thành khóa đào tạo cảnh sát, trở về nhà với tháng lương đầu tiên, anh dâng tặng cho bà ngoại, cho cha mẹ. Không những thế, anh còn bê thau nước, cẩn thận rửa chân cho những người đã sinh thành, nuôi dưỡng anh. Tất cả những hành động trên được thanh niên này làm với sự cẩn trọng, thành kính và biết ơn.

Chỉ cần nhìn vào những hành động trên, chúng ta có cơ sở để tin rằng, thanh niên trên sẽ trở thành một cảnh sát tốt và hơn cả là một công dân tử tế. Một người nào đó mà khi có được thành công, đến chính ông bà, cha mẹ, họ còn không tôn trọng, không biết ơn, thì họ có thể mang lại điều gì tốt đẹp cho người khác?

Chàng thanh niên trên chính là một sản phẩm hoàn thiện của một nền giáo dục tốt, từ cả gia đình tới nhà trường. 

chien-si-thai-lan

 Hình ảnh chàng trai bày tỏ lòng biết ơn ông bà, cha mẹ khiến nhiều người xúc động.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà ở tất cả các quốc gia trên thế giới, đều coi trọng giáo dục và coi đó là gốc rễ của sự phát triển. Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela từng có câu nói nổi tiếng: "Giáo dục là thứ vũ khí mạnh nhất mà bạn có thể dùng để thay đổi thế giới".

Nhật Bản, một trong những quốc gia có nền giáo dục đáng được ngưỡng mộ nhất thế giới đặc biệt coi trọng việc dạy dỗ nhân cách cho học sinh. Ở đất nước này, trước năm 10 tuổi, các học sinh không phải trải qua bất cứ kỳ thi nào. Quốc gia này tin rằng mục tiêu của 3 năm đầu tiên không phải đánh giá trình độ kiến thức của học sinh mà là hình thành những quy chuẩn về hành vi và phát triển tính cách.

Ở nhà trường, các thầy cô tập trung dạy học sinh cách tôn trọng ông bà cha mẹ và người khác, đối xử nhẹ nhàng với động vật và thiên nhiên. Họ định hướng cho học sinh trở thành những người rộng lượng, từ bi và đồng cảm. Bên cạnh đó, các em cũng cần học tính can đảm, tự chủ và công bằng.

Ở trường học, các học sinh phải tự đi lấy thức ăn và học được dạy trước và sau khi ăn đều phải cúi đầu cảm ơn những đầu bếp.

Thế nên, không có gì ngạc nhiên khi con người và văn hóa Nhật Bản luôn được đánh giá cao. Nhật Bản luôn là một trong những quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới, dù rằng, đất nước họ có quá ít các tài nguyên. Ngay cả đến những tài nguyên cơ bản nhất như quặng sắt, đồng đỏ, kẽm, chì...hay những tài nguyên năng lượng quan trọng như dầu mỏ và than đều phải nhập khẩu.

10-dieu-o-nen-giao-duc-nhat-ban-khien-the-gioi-ghen-ti1-1473322657_680x0

Giáo dục Nhật Bản chú trọng giáo dục nhân cách cho học sinh trước khi dạy các em kiến thức. 

Còn ở Việt Nam, học sinh luôn phải gồng mình với các kỳ thi. Tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá một học sinh là điểm số. Học sinh được cho xuất sắc nhất ở lớp là người có điểm số cao nhất.

Phần đánh giá về đạo đức, hạnh kiểm chỉ là phụ mà đôi khi, phần đánh giá này cũng sẽ phụ thuộc vào điểm số. Các học sinh có điểm tổng kết cao, giáo viên cũng sẽ nương tay nhận xét hạnh kiểm của họ. Còn không ít học sinh, chỉ vì điểm kém mà sẽ bị phê hạnh kiếm kém hoặc trung bình.

Thế nên mới có chuyện, khi các con trở về nhà, câu hỏi đầu tiên của các bậc phụ huynh thường là con được điểm mấy. Rất hiếm người đặt câu hỏi, hôm nay con chơi với ai? Còn giúp đỡ được bạn bè nào? Hay con làm được việc gì tốt.

Một xã hội, từ nhà trường tới gia đình đều chạy theo điểm số nên có gì lạ khi hàng loạt những gian dối trong kỳ thi THPT vừa qua bị phát giác. Đáng sợ hơn, việc chỉnh sửa điểm số được thực hiện bởi ngay những quan chức đầu ngành trong cơ quan giáo dục của tỉnh. Những người này, vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm.

Họ là sản phẩm lỗi của một nền giáo dục coi trọng thành tích và rồi, chính họ cũng chẳng dạy được gì cho học sinh ngoài sự lừa lọc, dối trá, mưu mô và toan tính.

Sau những gian dối trong kỳ thi THPT vừa qua, trên mạng lan truyền câu nói: "Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên. Bệnh nhân chết dưới bàn tay của các bác sĩ - của nền giáo dục đấy. Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay của các kỹ sư - của nền giáo dục đấy. Tiền bị mất trong tay của các nhà kinh tế và kế toán - của nền giáo dục đấy. Nhân loại chết dưới bàn tay của các học giả tôn giáo - của nền giáo dục đấy. Công lý bị mất trong tay các thẩm phán -  của nền giáo dục đấy. Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia". 

Mộc Lan
Bình luận
vtcnews.vn