Thái Nguyên 'thay da đổi thịt' sau hơn 20 năm tái lập

Kinh tếThứ Hai, 14/10/2019 16:19:00 +07:00

Nằm giáp Thủ đô Hà Nội, Thái Nguyên đặc biệt có lợi thế về các tuyến giao thông trọng điểm.

Đây là vùng đất được nhiều chuyên gia nhận định có tiềm năng phát triển kinh tế toàn diện, từ ngành nông nghiệp, công nghiệp đến các dịch vụ y tế, giáo dục, du lịch,…

Tập trung khai thác tiềm năng kinh tế

Từ một tỉnh miền núi khó khăn, kinh tế tập trung chủ yếu vào trồng trọt và chăn nuôi chỉ sau hơn 20 năm tái lập, Thái Nguyên đã có những bước chuyển mình vô cùng mạnh mẽ, trở thành một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất cả nước.

Được xây dựng từ những năm 1959, Khu công nghiệp Gang Thép Thái Nguyên với dây chuyền sản xuất gang thép liên hợp khép kín đầu tiên của đất nước được coi là bước đi tiên phong cho mảng công nghiệp nặng của tỉnh. Về ngành “công nghiệp không khói”, vùng đất danh trà Thái Nguyên được đánh giá là có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, dự kiến sẽ trở thành điểm hút khách du lịch trong tương lai gần.

Trong khi nguồn lực từ ngân sách còn nhiều khó khăn, Thái Nguyên đã sớm có nhận thức huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho các dự án trọng điểm. Mặt khác, tỉnh luôn quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp, tạo các cơ hội bình đẳng cho các danh nghiệp tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt coi trọng kiến tạo doanh nghiệp vừa và nhỏ với phương châm “3 đồng hành, 5 hỗ trợ”.

Đồng hành cùng doanh nghiệp tăng cường đối thoại giải quyết kịp thời các chính sách có liên quan đến phát triển các danh nghiệp như thuế, hải quan, đất đai, những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính để giảm các chi phí không chính thức, giảm chi phí trung gian để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển.

Kết quả, hơn 10 năm trở lại đây, GDP của Thái Nguyên đã có sự tăng trưởng ổn định hơn. Theo Cục Thống kê Thái Nguyên, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2018 trên địa bàn đạt 10,44%. Thu nhập bình quân theo đầu người đạt 77,7 triệu đồng, cao hơn mức trung bình cả nước 19,2 triệu đồng.

Năm 2018, lần đầu tiên nguồn thu ngân sách của Thái Nguyên lên tới mức 15.003 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2015. Những tín hiệu vui nói trên sẽ là nền tảng để năm 2020, Thái Nguyên hướng tới mục tiêu tự cân đối thu chi. Bài toán khó về kinh tế Thái Nguyên đã tìm được hướng đi đúng đắn.

song cong

Tỉnh Thái Nguyên tập trung phát triển kinh tế - xã hội

Đột phá kinh tế đến từ những nỗ lực toàn diện

Với những chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tính đến hết năm 2018, Thái Nguyên đã thu hút được 163 dự án đầu tư, trong đó có đến 83 dự án FDI. Con số trên đã nâng tổng vốn đầu tư đăng ký lên 7,63 tỷ USD và trên 11.000 tỷ đồng đối với các dự án đầu tư trong nước. Thống kê của địa phương cũng cho thấy, chỉ trong vòng 5 năm từ 2012 đến 2017, thu hút đầu tư FDI của Thái Nguyên đã tăng gấp 6 lần về số lượng và tăng gần 70 lần về vốn đầu tư so với giai đoạn 1993-2011.

Những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã có sự đầu tư vào nâng cấp, xây dựng mới hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông. Bắt đầu từ năm 2009, hàng chục tuyến đường quan trọng - cửa ngõ giao thông huyết mạch kết nối với các khu công nghiệp và những địa phương lân cận được xây dựng.

Đó là một số tuyến trọng điểm như: đường nối quốc lộ 3 mới, cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên đi qua khu công nghiệp Samsung (Phổ Yên), cao tốc nối Thái Nguyên - Bắc Kạn… Ngoài ra, tỉnh đang tiếp tục hoàn thành đúng tiến độ các dự án như Cầu Dẽo, đường vành đai V nhằm rút ngắn thời gian di chuyển vào Hà Nội.

Thái Nguyên cũng tận dụng rất tốt nguồn vốn đầu tư đến từ Ngân hàng Thế giới. Năm 2018, một tín dụng trị giá 80 triệu USD đã được tổ chức này tài trợ nhằm nâng cao chất lượng đô thị Thái Nguyên. Chính quyền cũng đã đối ứng nguồn vốn 20 triệu USD, nâng tổng chi phí dự án lên tới 100 triệu USD.

Cùng trong năm 2018, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên, tỉnh đã trao quyết định phê duyệt chủ trương cho 50 dự án đầu tư với tổng số vốn là 46.740 tỷ đồng. Có thể điểm qua một số dự án nổi bật sắp được triển khai như: Bệnh viện Quốc tế giai đoạn 2, Nhà máy xử lý môi trường công nghệ cao; Tòa nhà chung cư hỗn hợp CT2 Khu đô thị Xương Rồng, công viên giáo dục trải nghiệm Thái Hưng, nghĩa trang khu Nam phường Tích Lương, Trung tâm thương mại, siêu thị tại phường Tân Lập…

Kết quả đạt được của Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2018 đã tạo động lực, thu hút nhiều Nhà đầu tư đến nghiên cứu, đề xuất dự án đầu tư tại tỉnh Thái Nguyên, cụ thể như Dự án đầu tư sân golf và Khu du lịch nghỉ dưỡng hồ Ghềnh Chè, Dự án đầu tư Tổ hợp dịch vụ du lịch - sinh thái nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Hồ Núi Cốc, Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao Hồ Núi Cốc, Dự án Thành phố du lịch khu vực hai bên đường từ Trung tâm thành phố Thái Nguyên vào Khu du lịch vùng Hồ Núi Cốc…

Những nỗ lực của tỉnh Thái Nguyên đã được đền đáp xứng đáng khi gần 120.000 người dân có công việc ổn định tại các khu công nghiệp với thu nhập bình quân hơn 6 triệu đồng /tháng. Thái Nguyên đã và đang xây dựng được vị thế của mình trên bản đồ công nghiệp Việt Nam.

Quỳnh Chi
Bình luận
vtcnews.vn