Tàu ngầm bay, dự án vũ khí kỳ cục nhất thời Xô Viết

XeThứ Sáu, 08/05/2015 07:45:00 +07:00

Tàu ngầm bay từng được Liên Xô bí mật phát triển trong giai đoạn Thế chiến II nhưng không thành công do năng lực chiến đấu dưới nước quá khiêm tốn.

(VTC News) - Tàu ngầm bay từng được Liên Xô bí mật phát triển trong Thế chiến II nhưng không thành công do năng lực chiến đấu dưới nước quá khiêm tốn.

Boris Ushakov, cựu sinh viên của Học viện Kỹ thuật hải quân Liên Xô trong giai đoạn những năm 1930 đã bắt tay thực hiện một dự án được coi là viễn tưởng hồi đó: Chiếc tàu có thể vừa bay trên trời và lặn dưới nước.

Tháng 4/1936, dự án được phê duyệt bởi các ủy ban có thẩm quyền, với những tính năng được yêu cầu bổ sung để trở thành thứ vũ khí đáng gờm. Tác giả của dự án, Boris Ushakov lúc đó đã tốt nghiệp, làm việc như một kỹ sư và kỹ thuật viên quân sự trong giai đoạn 1937-1938.


Tàu ngầm bay, dự án vũ khí kỳ lạ nhất thời Xô Viết
 Hình ảnh đồ họa, mô phỏng Tàu ngầm bay trong dự án tham vọng của Liên Xô những năm 1940
Tên gọi đầy đủ của nó là "Flying Submarine" - Tàu ngầm bay. Do tính chất quá phức tạp để chế tạo, chiếc tàu ngầm đã trải qua nhiều lần thay đổi về thiết kế. Phiên bản thử nghiệm của nó chính thức mang hình hài giống một chiếc máy bay hơn là tàu, có tốc độ bay là 185km/h hải lý, tốc độ lặn dưới nước - khoảng 3 hải lý (5,4 km/h).


Các tàu ngầm bay được dự định dùng để tấn công tàu địch, với giả định tình huống chiến đấu là xác định được con tàu đối phương từ trên không. Sau đó tàu ngầm bay sẽ bay ra khỏi tầm quan sát của tàu địch, lặn xuống nước và lặng lẽ tấn công bằng ngư lôi.


Thật không may, một dự án mang tính đột phá như vậy không bao giờ được hoàn thành. Vào năm 1938, một ủy ban quân sự đã phản biện quyết liệt về tính chậm chạp của con tàu khi ở dưới nước, họ cho rằng bơi "chậm hơn cả cá" thì làm sao đuổi theo được tàu đối phương.


Tàu ngầm bay, dự án vũ khí kỳ lạ nhất thời Xô Viết
Khi bay trên trời, con tàu có thể đạt tốc độ 185km/h với độ cao tối đa 2.500m
Các tuyên bố cuối cùng về dự án cho rằng: khi Tàu ngầm bay ở phía trên sẽ gây chú ý cho tàu địch, chắc chắn chúng sẽ thay đổi lộ trình, dễ dẫn đến thất bại nhiệm vụ vì các thuộc tính chiến đấu của nó không đủ tốt dưới nước.

Thực tế đã chứng minh, con tàu trải qua quá nhiều thử nghiệm và điều chỉnh mà vẫn bộc lộ đầy rẫy khiếm khuyết.


Ở thử nghiệm cuối cùng, đại úy Ushakov thiết kế chiếc tàu gồm sáu mô-đun, với 3 mô-đun dành cho động cơ máy bay AM-34 có công suất 1000 mã lực, mô-đun thứ tư là khoang điều khiển cho phi hành đoàn 3 người. Mô-đun thứ năm là nơi chứa bộ pin ắc quy, mô-đun thứ sáu - cho động cơ điện để cung cấp động cơ đẩy tàu ngầm khi lặn.


Tàu ngầm bay, dự án vũ khí kỳ lạ nhất thời Xô Viết
Khi lặn dưới nước, tàu có thể lặn sâu 45m trong thời gian 48 giờ
Thân tàu ngầm bay sẽ là một hình trụ tròn có đường kính sẽ là 1,4 m làm bằng vật liệu duralumin dày 6 mm, loại vật liệu từ nhôm dùng để làm máy bay. Cabin của phi công được thiết kế thành một khoang chống thấm nước đặc biệt.

Nhiên liệu và dầu sẽ được lưu trữ trong bể cao su. Cánh và đuôi, các phao để lặn cũng làm từ duralumin. Khi tàu  lặn, cánh, đuôi và các phao sẽ lấp đầy bằng nước thông qua hệ thống van bơm.

Động cơ được bao phủ bởi lá chắn kim loại đặc biệt để ngăn chặn hư hại dưới tác động của áp lực nước bên ngoài. Để chống ăn mòn, các tàu ngầm bay được sơn phủ đặc biệt bằng cao su kháng áp.
Trang bị vũ khí cho nó gồm 2 máy bắn ngư lôi dưới cánh bên ngoài và 2 súng đại liên gắn dưới thân tàu để chống lại các vũ khí phòng không của tàu địch

Thông số của tàu ngầm bay
Trọng lượng cất cánh tối đa - 15.000 kg
Tốc độ bay - 185 km/h
Tầm bay - 800 km
Trần bay - 2.500 m
Tốc độ dưới nước - 3 hải lý/h
Độ lặn sâu tối đa - 45m
Khoảng cách tấn công dưới nước hiệu quả - 6 km
Thời gian lặn tối đa - 48 giờ


Quốc Khánh

Bình luận
vtcnews.vn