Tàu hỏa đâm đứt lìa ô tô: Lái xe tải sẽ bị xử lý ra sao?

Thời sựThứ Sáu, 13/03/2015 07:19:00 +07:00

Luật sư Trương Quốc Hòe chia sẻ ý kiến về vụ tai nạn đường sắt đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hôm 10/3 vừa qua.

(VTC News) - Luật sư Trương Quốc Hòe chia sẻ ý kiến về vụ tai nạn đường sắt đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hôm 10/3 vừa qua.

Tối 10/3 vừa qua đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Thời điểm này, tàu SE5 chạy hướng Bắc Nam vừa qua ga Đông Hà (ga chính của Quảng Trị) khoảng 30km thì đâm vào một chiếc xe tải chở đá với trọng tải lớn đang băng qua đường dân sinh cắt ngang đường sắt. 

Hậu quả, vụ tai nạn đã khiến lái tàu tử vong, 3 người khác bị thương gồm phụ tàu, 1 hành khách và tài xế xe tải. 3 toa tàu bị lật. Chiếc xe tải đã bị đâm nát. 

Nguyên nhân vụ tai nạn được xác định là do xe tải cố tình băng qua đường sắt khi tàu đã chạy tới rất gần. Trước khi va chạm, lái tàu đã bấm còi, phanh tàu nhưng không kịp.

Phóng viên VTC News đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng Văn phòng Luật sư Interla, Hà Nội liên quan đến vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng nói trên.

- Luật sư nhận định gì về vụ tai nạn tàu hoả xảy ra đêm 10/3, đặc biệt là hành vi băng qua đường dân sinh cắt ngang đường sắt của lái xe tải? 

Đây là vụ tai nạn rất nghiêm trọng và gây ra thiệt hại vô cùng to lớn với ngành đường sắt nói riêng và cả xã hội nói chung. Cụ thể, vụ tai nạn xảy ra đã làm cho lái tàu tử vong, phụ lái, hai hành khách và lái xe tải bị thương. Cả tàu hỏa, xe tải và đường sắt đều bị hư hỏng nặng gây tốn kém nhiều chi phí để sửa chữa (ước tính của ngành đường sắt tổng số tiền để khắc phục thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đồng). 

 Hiện trường vụ tai nạn: Ảnh: Vnexpress

Bên cạnh đó, việc tuyến đường sắt bị tê liệt suốt 1 ngày còn gây thiệt hại, tốn kém, làm chậm thời gian đi lại và gây hoang mang cho hàng trăm hành khách trên tàu.

Hành vi băng qua đường ngang dân sinh của lái xe tải là hành vi vi phạm pháp luật bởi vì tại Điều 71 Luật đường sắt 2006 và Điều 25 Luật giao thông đường bộ 2008. Điều luật này quy định về giao thông tại đường ngang, cầu chung, trong hầm. Theo đó, tại đường ngang, cầu chung, quyền ưu tiên giao thông thuộc về tàu.

Lái tàu phải kéo còi trước khi đi vào đường ngang, phải bật đèn chiếu sáng khi đi trong hầm.

Tại đường ngang, cầu chung có người gác, khi đèn tín hiệu không hoạt động hoặc báo hiệu sai quy định, chắn đường bộ bị hỏng thì nhân viên gác đường ngang, nhân viên gác cầu chung phải điều hành giao thông.

Điều 25 Luật giao thông đường bộ năm 2008 cũng có quy định về việc đi trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, cầu đường bộ đi chung với đường sắt.

Theo đó, trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, cầu đường bộ đi chung với đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt được quyền ưu tiên đi trước.

Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, khi đèn tín hiệu mầu đỏ đã bật sáng, có tiếng chuông báo hiệu, rào chắn đang dịch chuyển hoặc đã đóng, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng lại phía phần đường của mình và cách rào chắn một khoảng cách an toàn; khi đèn tín hiệu đã tắt, rào chắn mở hết, tiếng chuông báo hiệu ngừng mới được đi qua.

Lực lượng cứu hộ khắc phục sự cố.  

Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt chỉ có đèn tín hiệu hoặc chuông báo hiệu, khi đèn tín hiệu mầu đỏ đã bật sáng hoặc có tiếng chuông báo hiệu, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng ngay lại và giữ khoảng cách tối thiểu 5 mét tính từ ray gần nhất; khi đèn tín hiệu đã tắt hoặc tiếng chuông báo hiệu ngừng mới được đi qua.

Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt không có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, người tham gia giao thông đường bộ phải quan sát cả hai phía, khi thấy chắc chắn không có phương tiện đường sắt đang đi tới mới được đi qua, nếu thấy có phương tiện đường sắt đang đi tới thì phải dừng lại và giữ khoảng cách tối thiểu 5 mét tính từ ray gần nhất và chỉ khi phương tiện đường sắt đã đi qua mới được đi.

Như vậy, theo các quy định trên thì tại nơi giao nhau giữa đường sắt và đường bộ thì phương tiện giao thông đường sắt sẽ được ưu tiên trước. Trong trường hợp này, theo thông tin mà các báo đã đưa tin thì chưa có thông tin về khu vực xảy ra tai nạn thuộc trường hợp có đèn tín hiệu, chuông báo hiệu hay rào chắn hay không. 

Tuy nhiên, theo lời của phụ lái thì xe tải chạy song song với tàu và khi xe tải bật đèn tín hiệu xin rẽ chỉ cách tàu khoảng 100m, lái tàu cũng nhận thấy xe tải chuẩn bị rẽ và đã liên tục có chuông báo hiệu tàu sắp qua đồng thời tiến hành phanh gấp. 

Như vậy, dù khu vực này có đèn tín hiệu hay không thì lái xe tải cũng phải dừng trước ray gần nhất với khoảng cách từ đường ray là 5m. Hành vi không dừng lại mà vẫn cố tình băng qua đường tàu của lái xe tải trong trường hợp này là hành vi vi phạm pháp luật và đã gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho xã hội như đã phân tích trên.

- Vậy lái xe tải có thể bị xử lý ra sao thưa ông?

Hành vi của lái xe tải đã vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ và an toàn giao thông đường sắt và gây ra hậu quả nghiêm trọng. Do đó, người lái xe tải có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202 Bộ luật hình sự. 

 Đầu tàu bị hư hỏng nặng. Ảnh: DSVN

Theo quyđịnh tại Điều 202, người phạm tội có thể bị áp dụng hung hình phạt caonhất là 15 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảmnhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5năm.

 
Lái xe tải đã gây ra thiệt hại về tài sản là trên 1,5 tỷ đồng do đó có thể bị truy tố theo khoản 3 Điều 202 Bộ luật hình sự với mức phạt tù từ 7 năm đến 15 năm (khung hình phạt cao nhất của tội danh).
Luật sư Trương Quốc Hoè
 
Trongtrường hợp này, theo thống kê ban đầu của ngành đường sắt mà một số báođã đưa tin thì thiệt hại gây ra cho ngành đường sắt lên tới hơn 20 tỷđồng. Vì vậy, căn cứ theo hướng dẫn tại điểm 4 Mục I Nghị quyết 02/HĐTPngày 17/04/2003 của Hội đồng thẩm phán hướng dẫn áp dụng một số quy địnhcủa Bộ luật hình sự thì lái xe tải đã gây ra thiệt hại về tài sản làtrên 1,5 tỷ đồng do đó có thể bị truy tố theo khoản 3 Điều 202 Bộ luậthình sự với mức phạt tù từ 7 năm đến 15 năm (khung hình phạt cao nhấtcủa tội danh). 

Vì tài sản bị thiệt hại bao gồm cả tài sản của nhà nước và đồng thời lái xe tải phạm tội thuộc trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nên người lái xe tải có thể phải chịu thêm các tình tiết tăng nặng quy định tại điểm i, điểm k khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự đó là phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và xâm phạm tài sản của Nhà nước.

Vì lái xe tải là lái xe cho công ty nên trong trường hợp công ty là chủ sở hữu của xe thì công ty cũng phải liên đới chịu trách nhiệm trong việc bồi thường cho người bị thiệt hại.

Ngoài ra, không thể xử lý tài xế xe tải về tội Giết người vì trong trường hợp này tài xế xe tải chỉ vi phạm các quy định về an toàn giao thông dẫn đến hậu quả chết người chứ không phải hành vi cố ý giết người theo quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự.

- Trong trường hợp này, lái tàu, ngành đường sắt có lỗi, trách nhiệm gì hay không thưa ông?

Vì vụ việc vẫn đang trong quá trình giải quyết khắc phục thiệt hại nên chưa xác định được có hay không sự vi phạm quy định của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong ngành đường sắt. 

Video:Vụ tàu hỏa đâm đứt lìa ô tô


Trong trường hợp sau khi điều tra, xác minh nguyên nhân vụ tai nạn cho thấy tàu đi quá tốc độ cho phép hoặc nhân viên điều độ chạy tàu, trực ban chạy tàu ga, nhân viên gác ghi, nhân viên gác đường ngang… không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật dẫn đến vụ tai nạn và xử lý tai nạn không đúng quy định của pháp luật thì cũng phải chịu trách nhiệm tùy theo mức độ vi phạm.

Qua vụ tai nạn này có thể thấy hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông của lái xe tải trong một phút cẩu thả đã dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho bản thân người lái xe và cả ngành đường sắt, gây thiệt hại vô cùng to lớn cho xã hội.

Vì vậy, những người lái xe nói riêng và toàn bộ những người tham gia giao thông nói chung khi tham gia giao thông đặc biệt là khi băng qua đường sắt cần bảo đảm thực hiện đúng các quy định để tránh “nhanh một phút, chậm cả đời”.

Xin cảm ơn ông!

Điều 202: Tội Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ

1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Minh Quyết (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn