Tăng thuế VAT lên 12%: Bộ Tài chính nói để 'phù hợp thông lệ quốc tế'

Kinh tếThứ Năm, 31/08/2017 07:18:00 +07:00

Bộ Tài chính cho rằng, cần phải tăng thuế VAT lên cho phù hợp “thông lệ quốc tế”.

Như tin đã đưa, Bộ Tài chính đã giới thiệu Dự án Luật sửa 5 luật thuế, gồm chính sách thuế Giá trị gia tăng (GTGT hay VAT), thuế Thu nhập đặc biệt (TTĐB), thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế Tài nguyên (TN).

Trong đó, thuế VAT sẽ tăng lên 12%, điều này khiến dư luận và nhiều chuyên gia lo ngại về việc nó sẽ ảnh hưởng đến sức mua, năng lực sản xuất của doanh nghiệp…; đặc biệt, là đè nặng lên túi tiền người dân, nhất là đối với dân nghèo bởi VAT tác động trực tiếp vào túi tiền của họ.

pham dinh thi 1

Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cho rằng, chính sách thuế đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.

Trả lời về vấn đề này, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, do sự biến động nhanh của kinh tế - chính trị thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, chính sách thuế nước ta cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo phù hợp với thực tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Do vậy, yêu cầu tất yếu đặt ra đối với hệ thống chính sách thuế của nước ta cần sửa đổi, bổ sung các luật thuế để phù hợp với bối cảnh hiện nay. Qua đó, góp phần cơ cấu lại nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Việc xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Chiến lược Cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ) đã đưa ra mục tiêu cải cách tổng quát từng sắc thuế.

Về thuế GTGT: Sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế GTGT; giảm bớt nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5%; bổ sung quy định để xác định đúng cơ chế thu đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ mới phát sinh theo sự phát triển của kinh tế thị trường; nghiên cứu đến năm 2020 áp dụng cơ bản một mức thuế suất (không kể mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu); hoàn thiện phương pháp tính thuế, tiến tới cơ bản thực hiện phương pháp khấu trừ thuế; quy định về ngưỡng doanh thu để áp dụng hình thức kê khai thuế GTGT phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và thông lệ quốc tế.

Video: Đề xuất tăng thuế VAT, tăng thu hay tận thu?

Trước đó, giải thích lý do muốn tăng VAT từ 10% lên 12%, Bộ Tài chính cho rằng: Số lượng quốc gia áp dụng thuế GTGT/thuế hàng hóa và dịch vụ ngày càng tăng, từ khoảng 140 nước năm 2004 lên 160 nước năm 2014, 166 nước năm 2016.

Cùng với việc tăng số lượng các nước sử dụng thuế GTGT để điều tiết tiêu dùng cũng như tăng số thu ngân sách, thì xu thế tăng thuế suất GTGT diễn ra phổ biến.

Từ năm 2009-2016, các nước đều tăng thuế suất phổ thông. Cụ thể thuế suất trung bình tại các nước EU năm 2000 là 19%, đến năm 2014 mức thuế suất trung bình xấp xỉ 21,5%. Các nước OECD cũng có xu hướng tăng thuế suất thuế GTGT từ mức trung bình 18% năm 2000 lên khoảng 19% năm 2014 và hơn 19% vào năm 2016.

Theo Ngân hàng Thế giới, qua thống kê mức thuế suất của 112 nước, có 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25% (trong đó 56 nước có mức thuế suất từ 17% đến 25%), còn lại 24 nước phổ biến ở mức hơn 10%.

Từ đó, Bộ Tài chính cho rằng cần phải tăng loại thuế này lên cho phù hợp “thông lệ quốc tế”.

Đức Thuận
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn