Tăng cường liên kết để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của HTX

Thị trườngThứ Ba, 28/11/2023 06:33:47 +07:00
(VTC News) -

Mặc dù sản phẩm làm ra dồi dào nhưng không ít HTX vẫn đứng trước mối lo do thiếu đầu ra.

Tại Hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm các HTX năm 2023 do Liên minh HTX tỉnh Hà Nam tổ chức ngày 19/11, các chuyên gia cho rằng, để cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, giá cả thị trường, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế vẫn còn nhiều việc mà các HTX cần phải làm.

Đặc biệt, kênh tiêu thụ, phân phối hàng hóa cho không ít HTX hiện nay vẫn là các chợ truyền thống, các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ. Tuy chợ truyền thống vẫn là một trong những kênh tiêu thụ lớn nhưng vấn đề đặt ra là phương thức quản lý, kiểm soát chất lượng các mặt hàng nông sản vào trong chợ truyền thống, các cửa hàng nhỏ lẻ vẫn chưa được quan tâm nên nông sản của HTX dù được sản xuất an toàn nhưng chưa chắc khi đến tay người dân đã đảm bảo chất lượng.

Nhiều nông sản của HTX gặp khó khăn do thiếu đầu ra.

Nhiều nông sản của HTX gặp khó khăn do thiếu đầu ra.

Theo các chuyên gia, việc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại đang mang lại tín hiệu tích cực về đầu ra cho các HTX. Đi liền với đó, nhiều HTX cũng đã đưa được sản phẩm vào các cửa hàng thực phẩm sạch nhưng số lượng còn hạn chế. Các quầy kệ của các cửa hàng thực phẩm sạch hiện vẫn chủ yếu bán các sản phẩm có xuất xứ nước ngoài. Những điều này đã thu hẹp đầu ra của các nông sản hàng hóa của HTX và làm giảm sức cạnh tranh của HTX trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Nguyễn Úy (Kim Bảng), cho rằng thực tế chuỗi giá trị hàng hóa nông sản hiện vẫn còn hạn chế do tính bền vững chưa cao, lỏng lẻo. Liên kết tiêu thụ của người dân, HTX vẫn chủ yếu diễn ra theo hình thức thuận mua vừa bán nên không đảm bảo lợi ích cho người dân, thành viên.

Còn ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Tổng Giám đốc công ty Hoa Tín (Hà Nam), cho biết năng lực sản xuất, chế biến của HTX, doanh nghiệp trên địa bàn còn hạn chế, đặc biệt là năng lực nghiên cứu, dự báo thị trường chưa cao nên giảm năng lực cạnh tranh và bó hẹp đầu ra của các HTX trên thị trường.

Đi liền với đó là dù đã có những mặt hàng được chế biến đóng gói hoàn chỉnh nhưng vẫn còn phần lớn hàng hóa chủ yếu là thực phẩm tươi sống, ở dạng thô nên lượng hàng vận chuyển đi tiêu thu không lớn. Đôi khi do khoảng cách, thời gian vận chuyển lớn làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm được giao.

Liên kết, tạo cầu nối cho HTX

Để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản an toàn cho hệ thống kênh phân phối hiện đại, bảo đảm đầu ra thuận lợi, bà Đỗ Thị Phương, Giám đốc HTX dược thảo Minh Đức (Lý Nhân), cho rằng trong giai đoạn phục hồi kinh tế việc tiêu thụ bằng các hình thức đa dạng là giải pháp căn cơ, đảm bảo lưu thông hàng hóa, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tạo chuỗi giá trị hàng hóa vùng miền.

Áp dụng cách này, HTX từ mô hình sản xuất với quy mô nhà xưởng 200m2 đã mở rộng lên 500m2, năm 2021, HTX có sản phẩm OCOP 3 sao, nguồn khách hàng ngày càng ổn định và mở rộng. Ước tính doanh thu năm 2023 đạt 3 tỷ đồng.

Liên kết sản xuất giúp các HTX ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Liên kết sản xuất giúp các HTX ổn định đầu ra cho sản phẩm.

"Muốn phát triển, cần phải có sự liên kết, trao đổi thông tin để đổi mới và phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng. Đặc biệt, trong giai đoạn phục hồi kinh tế như hiện nay, việc đa dạng hình thức tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh liên kết với các địa phương là giải pháp căn cơ, đảm bảo cho các HTX lưu thông hàng hóa, thúc đẩy tạo chuỗi giá trị hàng hóa vùng miền bền vững", bà Đỗ Thị Phương nói.

Theo ông Lê Quang Vọng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Nam, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng đang mang lại những tín hiệu tích cực cho khu vực kinh tế tập thể, HTX.

Qua hình thức này đã góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà và tỉnh bạn, trở thành cầu nối để các doanh nghiệp giữa các tỉnh thành tiếp xúc, trao đổi thông tin, nắm bắt nhu cầu tiêu thụ, hỗ trợ địa phương đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối, mở rộng thị trường ra các tỉnh thành lân cận như Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình…

Hiện, không ít nông sản của các HTX tại Hà Nam chủ yếu tiêu thụ tại Hà Nội vì Hà Nội vẫn là “điểm đến” của các loại hàng hóa, đặc biệt là nông đặc sản của nhiều tỉnh thành thông qua hoạt động kết nối tiêu thụ hàng hóa, quảng bá sản phẩm.

HTX Sen Vàng (huyện Bình Lục) trước đây gặp không ít khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm song trùng hạ thảo, rượu đông trùng hạ thảo…nhưng khi làm thành viên của Liên minh HTX Hà Nam, HTX có nhiều thuận lợi khi được tham gia các hội chợ, hội nghị…

Vì vậy mà theo ông Trần Hữu Linh, Giám đốc HTX, lượng hàng hóa tiêu thụ của HTX tăng đột biến, nhất là những lần tham gia hội chợ của Liên minh HTX Hà Nam kết hợp với Liên minh HTX Việt Nam tổ chức, đầu ra cho sản phẩm rất thuận lợi.

Là đơn vị đang liên kết với các HTX, ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Tổng Giám đốc công ty Hoa Tín cho biết, nông nghiệp hiện vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế nên các cơ quan quản lý cần có cơ chế chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho những HTX có nhu cầu thuê mặt mặt bằng, tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp để HTX mở rộng sản xuất kinh doanh. Đi liền với đó là cần tiếp tục hỗ trợ HTX chuyển đổi số, đầu tư máy móc để bảo đảm chuỗi giá trị, thu hút đơn vị liên kết tiêu thụ.

PHƯƠNG NAM
Bình luận
vtcnews.vn