Tân Bộ trưởng GD&ĐT: Tránh sai sót, đảm bảo an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT

Tin tức - Sự kiệnThứ Sáu, 09/04/2021 17:15:00 +07:00
(VTC News) -

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết ông sẽ trực tiếp làm việc với các cục, vụ chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Phát biểu tại cuộc họp về công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 ngày 9/4, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết ông sẽ trực tiếp làm việc với các cục, vụ, kiểm tra kỹ, rà soát tất cả các khâu để tránh sai sót, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi sắp tới, bảo đảm an toàn từ chuẩn bị đề, chấm thi đến xác nhận kết quả, công bố điểm, đăng ký xét tuyển.

Kế hoạch tổ chức kỳ thi năm nay cần có phương án tổng thể, kịch bản, lực lượng thường trực hỗ trợ, cơ sở vật chất… để có thể ứng phó toàn diện, đầy đủ, hiệu quả trong tình hình dịch bệnh cũng như tình huống thiên tai, bão lũ. Không chỉ giới hạn trong quy chế, Bộ GD&ĐT cũng sẽ xem xét, nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa, toàn diện cho thí sinh”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.

Tân Bộ trưởng GD&ĐT: Tránh sai sót, đảm bảo an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT - 1

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ sẽ xem xét, nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa, toàn diện cho thí sinh. (Ảnh: VGP)

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết Bộ ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT; hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021; kế hoạch tổ chức Kỳ thi; xây dựng ma trận đề thi, đề thi tham khảo và bổ sung hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi; rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống phần mềm phục vụ quản lý, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm 2021.

“Các bài học trong việc tổ chức kỳ thi những năm trước đều được xem xét, rút kinh nghiệm đưa vào quy chế, hướng dẫn tổ chức kỳ thi năm nay, đặc biệt là phương án ứng phó trong tình huống có dịch bệnh như trong năm 2020. Vừa qua, Bộ GD&ĐT công bố đề tham khảo, được giáo viên, chuyên gia đánh giá là vừa đảm bảo tốt nghiệp, vừa đảm bảo độ phân hoá phù hợp, làm phong phú ngân hàng đề”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho hay.

Kỳ thi năm 2021 tiếp tục được rà soát, cải tiến, rút gọn những khâu trong tổ chức kỳ thi từ tổ chức ra đề, tập huấn công tác coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra đến xử lý các vi phạm, tình huống phát sinh… làm sao vẫn đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, an toàn, trung thực khách quan nhưng không gây căng thẳng, áp lực không cần thiết cho thí sinh và xã hội.

Tân Bộ trưởng GD&ĐT: Tránh sai sót, đảm bảo an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT - 2

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại cuộc họp về công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. (Ảnh: VGP)

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn rất được quan tâm. Việc phân cấp địa phương tổ chức kỳ thi, chịu trách nhiệm trực tiếp là chủ trương đúng đắn. Bộ GD&ĐT cần hướng dẫn thật tốt, chi tiết các khâu, đặc biệt, bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra chính thức phải có kế hoạch đột xuất, để phát hiện những trục trặc, vấn đề và xử lý kịp thời, nhanh chóng.

Về lâu dài, kỳ thi phải làm sao tác động ngược trở lại để giúp nâng cao chất lượng, giúp hệ thống giáo dục phát triển lành mạnh, đồng thời bảo đảm quyền lợi được học lên bậc cao hơn của thí sinh sau khi tốt nghiệp THPT

Tân Bộ trưởng GD&ĐT: Tránh sai sót, đảm bảo an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT - 3

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu kết luận cuộc họp. (Ảnh: VGP)

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh qua 6 năm thực hiện, chúng ta hoàn thành lộ trình đổi mới thi tốt nghiệp THPT. Kết quả rõ nhất của kỳ thi là tác động đến việc học toàn diện, có tính đến phân luồng học sinh. Cơ hội cho học sinh được lựa chọn các trường đại học theo năng lực và nguyện vọng bản thân tốt hơn trước rất nhiều.

Kỳ thi tốt nghiệp THT là việc quan trọng, không chỉ của ngành giáo dục mà của toàn xã hội, bởi liên quan đến gần 1 triệu học sinh, trong đó, trên 600.000 em có nguyện vọng vào đại học. 

Theo Phó Thủ tướng, năm nào, Chính phủ, Thủ tướng, Bộ GD&ĐT, các bộ, ban, ngành, địa phương cũng đều tập trung để làm sao có một kỳ thi nghiêm túc, an toàn, khách quan nhưng không quá căng thẳng, nặng nề trên mức cần thiết. Bộ GD&ĐT cần kế thừa những điểm đã làm tốt, tiếp tục hoàn thiện hơn nữa những điểm còn hạn chế, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho thí sinh.

Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp