Tại sao đường cao tốc không làm thẳng tắp?

Đầu TưThứ Năm, 14/09/2023 13:48:04 +07:00
(VTC News) -

Đường thẳng là đường ngắn nhất, vậy tại sao người ta lại làm cao tốc cong chứ không làm thẳng để tiết kiệm?

Đường cao tốc là gì?

Theo quy định tại khoản 12, Điều 3, Luật Giao thông đường bộ 2008:

Đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định.

Tất cả các đường cao tốc trên thế giới đều dẫn đường cho tài xế bằng hệ thống biển báo, vạch kẻ đường phản quang và được thiết kế để sau khoảng 4 km đường thẳng, sẽ có một đoạn uốn cong một góc nhỏ.

Đường cao tốc làm cong để đảm bảo an toàn khi lái xe.

Đường cao tốc làm cong để đảm bảo an toàn khi lái xe.

Tại sao đường cao tốc không làm thẳng tắp?

Tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5729:2012 về Đường ô tô cao tốc - Yêu cầu và thiết kế có quy định như sau:

"7.2 Yêu cầu với đoạn tuyến thẳng trên bình đồ đường cao tốc:

- Không nên thiết kế các đoạn tuyến thẳng trên đường cao tốc dài quá 4 km;

- Nên thay các đoạn thẳng quá dài bằng các đường vòng có góc chuyển hướng nhỏ với bán kính lớn (5.000 m đến 1.5000 m) để chống đơn điệu và lóa mắt do pha đèn về ban đêm".

Như vậy, căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì pháp luật yêu cầu các tuyến đường cao tốc không nên thiết kế các đoạn tuyến thẳng dài quá 4 km mà thay vào đó là các đường vòng có góc.

Theo các chuyên gia, nếu xe chạy trên một đường thẳng với tốc độ lớn trong thời gian dài sẽ làm cho thị giác của người lái mệt mỏi, sức chú ý bị phân tán, thậm chí là gây buồn ngủ, không an toàn. Do đó, nếu chạy trên cung đường biến đổi từ thẳng đến cong sẽ kích thích được sự tập trung của chủ phương tiện hơn.

Tài xế chạy xe trên cao tốc cảm thấy đường thẳng tắp nhưng thực tế sau khoảng dưới 4 km đường thẳng, đường sẽ có 1 có góc chuyển hướng nhỏ với bán kính lớn (5.000-15.000 m).

Mục đích của thiết kế này là buộc các tài xế phải đánh lái, nhằm thu hút sự tập trung của họ. Điều này giúp các tài xế tránh buồn ngủ do vận hành đều đều.

Ngoài ra, thiết kế này còn giúp giảm bớt ánh đèn ngược chiều làm lóa mắt tài xế.

PHẠM DUY(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp