Tái chế rác thải thực phẩm hàng ngày: Cách bảo vệ môi trường đơn giản

Gia đìnhThứ Năm, 14/10/2021 18:16:00 +07:00
(VTC News) -

Tái chế rác thải là chủ đề được nhiều người quan tâm khi gửi câu hỏi về vấn đề môi trường đến hòm thư Giảm thiểu ô nhiễm - Bảo vệ môi trường và hành động của bạn.

Để góp phần nâng cao nhận thức về ô nhiễm môi trường, từ đó thay đổi hành vi, bảo vệ môi trường, cùng với đó là giải đáp thắc mắc của người dân về các vấn đề liên quan đến chủ đề này, Kênh Sức khỏe và An toàn thực phẩm (Đài Tiếng nói Việt Nam) đã lập ra Hộp thư Giảm thiểu ô nhiễm - Bảo vệ môi trường và hành động của bạn.

Để được giải đáp các thắc mắc, thính giả nghe đài có thể gọi điện thoại đặt câu hỏi qua số hotline 0243.773.8989 hoặc gửi những thắc mắc về Hộp thư qua địa chỉ gmail: [email protected].

Ngoài ra, thính giả cũng có thể gửi tin nhắn về fanpage theo địa chỉ tìm kiếm VOV FM 89. Hộp thư sẽ nhận tất cả các ý kiến góp ý, phản ánh, và giải đáp những thắc mắc về các vấn đề môi trường.

Vì sao giun trùn quế là công cụ tái chế thức ăn thừa?

Ngay khi đăng tải chủ đề “Tái chế rác thải cũng là bảo vệ môi trường” trên trang Fanpage VOV FM89, chương trình đã nhận được câu hỏi của 1 bạn học sinh lớp 8 có tên facebook là Dũng Phan. Câu hỏi có nội dung như sau: “Thưa chương trình, cháu rất yêu thích môn sinh học, cháu có 1 thắc mắc muốn hỏi vì sự giải đáp của bố mẹ cháu chưa thỏa đáng. Con giun trùn quế tại sao lại được mệnh danh là công cụ tái chế thức ăn thừa?

Tái chế rác thải thực phẩm hàng ngày: Cách bảo vệ môi trường đơn giản - 1

Giun trùn quế - công cụ tái chế rác thải hữu ích với nhà nông.

Với câu hỏi này, anh Mai Xuân Phúc - Kỹ sư nông nghiệp, Cố vấn kỹ thuật Triển khai canh tác hữu cơ của Công ty Cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Eco Việt Nam có câu trả lời như sau:

"Con trùn quế là con vật không thể thiếu trong canh tác hữu cơ, cùng với vi sinh vật sau khi phân giải, con trùn quế sẽ ăn thực phẩm thừa và sinh ra phân trùn quế. Trùn quế đào xới cho đất lúc nào cũng tơi xốp, thoáng khí. Thứ 2, phân trùn quế là phân các bón tốt nhất hiện nay. Nó tiết ra một chất tự nhiên để đất lúc nào cũng sạch mầm bệnh, đảm bảo cho sự sinh trưởng của rau rất tốt từ rễ đến lá".

Trên thực tế, giun quế được coi như một “người bạn” của người nông dân. Nuôi giun quế đơn giản, ít tốn kém bởi đây là loại ký sinh trùng đặc biệt, có đời sống thực địa với khả năng sinh sôi nhanh. Thức ăn chủ yếu của giun quế là phân động vật và các rác thải hữu cơ như rau củ, quả và các loại rác hữu cơ hoại mục.

Sau khi tiêu hóa thức ăn, giun quế sẽ thải ra phân có chứa các thành phần axit amin, giàu đạm, là nguồn thức ăn bổ dưỡng cho gia súc, gia cầm. Không những vậy, phân giun quế còn chứa nhiều hỗn hợp vi sinh có hoạt tính cao, dễ hòa tan trong nước, chứa hơn 50% đất mùn, do đó, phân giun quế còn giúp cây trồng phát triển đạt năng suất cao, tăng khả năng cải tạo đất đai.

Bên cạnh giun trùn quế, cũng có nhiều cách tái chế thức ăn thừa khác để tạo thành phân hữu cơ chăm bón cho cây trồng. Tất cả các loại chất thải hữu cơ dễ phân hủy như thức ăn thừa, lá cây, rau củ quả, xác động vật… đều có thể sử dụng ủ làm phân bón trong nông nghiệp.

Quy trình xử lý chất thải thành phân bón rất đơn giản. Trước hết, bỏ các loại thực phẩm thừa, rác có thể phân hủy vào thùng có nắp kín và tưới nước ủ lại. Sau khoảng 60 ngày, rác thải sẽ được các loại vi sinh vật phân hủy, biến thành phân hữu cơ. Phân hữu cơ không ô nhiễm môi trường, đặc biệt thích hợp bón cho cây ăn trái và hoa màu vì có chứa nhiều chất hữu cơ tự nhiên bổ sung cho đất.

Hướng dẫn cách tái chế vỏ hoa quả tiết kiệm, nhiều lợi ích

Cũng liên quan đến vấn đề thực phẩm, chị Phan Thị Ngọc ở huyện Kim Bảng, Hà Nam muốn nhờ chương trình tư vấn, câu hỏi như sau:

"Thưa anh (chị), nhà tôi bán quán sinh tố, lượng vỏ hoa quả thải ra rất nhiều, tôi muốn chương trình tư vấn về các tái chế nguồn rác thải này".

Chương trình đã liên hệ với chủ nhân Kênh Youtube nổi tiếng Food Blogger Chia sẻ ẩm thực, anh Nguyễn Văn Đức tư vấn cho chị Ngọc:

"Một số loại vỏ như vỏ cam, vỏ quýt, vỏ bưởi có thể dùng để đốt tinh dầu rất thơm. Ngoài đốt tinh dầu, có thể cho các loại vỏ vào 1 nồi nước to để đun, có tác dụng xông phòng hoặc đuổi muỗi. Các bạn cũng có thể tận dụng làm enzim để giặt giũ lau chùi", anh Đức chia sẻ.

Tái chế rác thải thực phẩm hàng ngày: Cách bảo vệ môi trường đơn giản - 2

Vỏ hoa quả có thể tái chế để sử dụng sau này.

Ngoài 2 câu hỏi trên, nhiều câu hỏi khác liên quan đến vấn đề tái chế rác thải thực phẩm được các thính giả gửi đến chương trình. Có thể thấy, việc tái chế rác thải hữu cơ được nhiều người dân quan tâm. Có nhiều cách để tái chế rác thải hữu cơ như ủ rác làm phân bón hay chôn lấp.

Trong khi đó, phương pháp ủ rác làm phân bón được khuyến khích hơn nhờ những ưu điểm mà nó mang lại. Ủ rác làm phân bón giúp giảm lượng rác thải ra môi trường, tiết kiệm chi phí cho nhà nông, đồng thời phân bón làm từ rác hữu cơ cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cây trồng. Trong khi đó, chôn lấp thường sử dụng trong việc xử lý các loại rác thải nguy hại, chất phóng xạ. 

Rác thải hữu cơ nếu như không được xử lý đúng cách sẽ gây nhiều nguy hại ra môi trường. Do tính dễ dàng phân hủy nên rác thải hữu cơ có thể gây ra mất vệ sinh và mỹ quan đường phố, tạo mầm mống để các vi sinh vật, vi khuẩn sinh sôi, nảy nở, gây bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước, đất và tác động trực tiếp đến sức khỏe của người dân.

Trong khi đó, nếu được xử lý đúng cách thì sẽ mang lại nhiều lợi ích cho gia đình, giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất nông nghiệp đồng thời bảo vệ môi trường, sức khỏe cho mọi người.

Hiện nay, tình trạng rác thải sinh hoạt tại các khu dân cư còn đang rất phức tạp. Việc xử lý rác thải vẫn thủ công, thiếu chuyên nghiệp. Đặc biệt một số nơi chưa có công ty xử lý rác thải dẫn đến gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng sức khỏe con người. Do đó, mỗi người dân cần có ý thức bảo vệ môi trường thông qua việc xử lý rác thải đúng cách, tái chế rác thải nếu có thể, tránh lãng phí và gây ô nhiễm môi trường.

Bảo Anh
Bình luận
vtcnews.vn