Suy giảm thị lực, bỏng giác mạc vì tự chữa đau mắt đỏ

Bệnh và thuốcThứ Tư, 14/07/2010 01:07:00 +07:00

(VTC News) - BV Mắt TƯ vẫn tiếp nhận trường hợp người bệnh bị bỏng giác mạc do xông lá trầu không, bạc hà... để chữa bệnh đau mắt đỏ.

(VTC News) - BV Mắt TƯ vẫn tiếp nhận trường hợp người bệnh bị bỏng giác mạc do xông lá trầu không, bạc hà... để chữa bệnh đau mắt đỏ.

Đeo kính không có tác dụng ngăn bệnh

BS Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt TƯ cho biết, mấy ngày gần đây, ồ ạt các bệnh nhân đau mắt đỏ tại Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang... tới khám và điều trị. Trung Bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 1000 – 1200 bệnh nhân thì 10% trong số đó là do đau mắt đỏ. Đối tượng mắc bệnh rất đa dạng, cả từ trẻ em người già, nhân viên văn phòng, công nhân, học sinh, sinh viên. Nguyên nhân chủ yếu bị bệnh là do đi bơi, đi tắm biển... Nhiều gia đình đưa cả vợ chồng, con cái tới khám.

Nhiều bệnh nhân ở xa khăn gói đến BV Mắt TW chữa bệnh đau mắt đỏ. Ảnh Thúy Nga 

Bốn người trong gia đình chị Thúy (Tây Hồ, Hà Nội) xếp hàng ngồi đợi ở phòng khám. Chị cho biết, cả nhà mới đi du lịch, tắm biển ở trong Nam về. Đầu tiên chỉ có đứa bé bị, sau đó lây ra cả nhà. Chị đã mua thuốc để nhỏ, thậm chí xông lá trầu không nhưng bệnh không đỡ mà ngày càng nặng: hai mắt đỏ ngầu chói nhức, dử che lấp cả hai mi, sáng dậy cả nhà cứ như người mù, phải xông lấy bông thấm nước nhiều lần mới mở được mắt ra.

Theo BS Cương, dịch đau mắt đỏ thường bắt đầu từ cuối tháng 6 và tháng 7 khi mùa mua tới. Năm nay do nắng nóng, mưa ít nên dịch đau mắt đỏ ngoài miền Bắc xuất hiện muộn hơn so với những năm trước, nhưng không có nghĩa là không có nguy cơ bùng phát dịch lớn.

BS Cương cho biết, khi bị đau mắt đỏ người dân thường chỉ nghĩ tới phòng bệnh cho mình là đeo kính râm mà không biết rằng, đó không phải là cách ngăn bệnh đau mắt đỏ. Kính râm chỉ có tác dụng che nắng và phòng bụi. Bởi nguyên nhân gây đau mắt đỏ có thể do vi khuẩn, virus, phổ biến là loại virus Andenol. Bệnh lây lan qua đường tiếp xúc và hô hấp vì vậy chỉ cần có tiếp xúc với người đau mắt hoặc vô tình người bị đau mắt dụi mắt rồi không rửa tay bằng xà phòng mà tiếp tục tiếp xúc với người khác, cầm nắm, sờ mó vào các vật dùng trong nhà, trong cơ quan là đã có thể lây bệnh cho người khác.

Xông lá trầu không và tự điều trị bệnh đau mắt đỏ là rất nguy hiểm

Triệu chứng ban đầu của bệnh là ngây ngấy sốt, đau họng hoặc sưng hạch ở sau tai. Sau đó người bệnh có hiện tượng đỏ mắt 1 bên, tiết dử, chảy nước mắt, rồi lan sang mắt còn lại. Thông thường, thời gian ủ bệnh là từ 5-7 ngày và bệnh nhân sẽ khỏi sau 15 ngày phát bệnh. Vì vậy, theo BS Cương, người dân thường chủ quan đối với bệnh đau mắt đỏ nên thường mua thuốc về và tự điều trị. Tuy nhiên, trên hực tế, các bác sĩ đã gặp không ít bệnh nhân, bệnh kéo dài tới hàng tháng mà không khỏi, có không ít người mua thuốc Clodexa hay Nemydexa về tự tra mà không biết thuốc này có chứa chất gây giảm miễn dịch mắt, có nhiều tác dụng phụ gây ảnh hưởng thị lực, thậm chí dẫn tới mù lòa. Bởi nếu người bệnh không phải bị đau mắt đỏ thông thường mà bị đỏ mắt do viêm loét, do vi khuẩn sẽ khiến bệnh càng trở nên trầm trọng.

Thống kê cho thấy, có tới 20% bệnh nhân đau mắt đỏ bị các biến chứng như loét, xước giác mạc. Nếu biến chứng này không được điều trị kịp thời sẽ để lại sẹo giác mạc khiến người bệnh bị giảm thị lực.

Các BS cũng khuyến cáo, mặc dù đã tuyên truyền nhiều nhưng BV Mắt TƯ vẫn tiếp nhận trường hợp người bệnh bị bỏng giác mạc do xông lá trầu không, bạc hà... để chữa bệnh đau mắt đỏ. Trong lá trầu không, bạc hà... có tinh dầu nóng, khi vừa xông xong người bệnh sẽ có cảm giác dễ chịu, đỡ cộm nên dễ lầm tưởng có tác dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, sau đó mắt sẽ càng phù nề, bệnh càng trở nặng. Vì vậy, BS Cương khuyên, cách tốt nhất là nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý sau khi đi bơi, đi ngoài đường về, sáng ngủ dậy và tối trước khi đi ngủ. 

BS Cương khuyên, để phòng ngừa bệnh, cần có ý thức giữ vệ sinh cá nhân tốt (dùng riêng khăn mặt, vật dụng cá nhân); khi mắc bệnh cần được nghỉ ngơi, hạn chế giao tiếp để tránh lây lan cho người khác. Tốt nhất, hãy tới bác sĩ nhãn khoa để khám và được điều trị, dùng thuốc đúng cách.

Người bị đau mắt đỏ cần tránh dùng thực phẩm kích thích có vị nóng như hành tỏi, ớt, thịt chó, các chất tanh như tôm, cua cá và uống rượu bia vì có thể gây kích ứng cho mắt.






Hiền Nga

Bình luận
vtcnews.vn