Suối du lịch nổi tiếng ở Đà Nẵng đang ‘chết khát’

Tin tức 24h quaThứ Sáu, 29/03/2024 11:33:55 +07:00
(VTC News) -

Suối Lương đang chết dần chết mòn, hay nói cách khác là bị "bức tử" chỉ vì sự lơ đãng của chính quyền và sự bất chấp của một số hộ kinh doanh nhỏ.

Khoảng 15km suối Lương-được gọi là suối du lịch sinh thái thuộc rừng Nam Hải Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng đang cạn kiệt nước, hiện tượng chưa từng xảy ra từ trước đến nay.

Suối du lịch nổi tiếng đang… chết!

Những ngày qua, suốt chiều dài suối Lương thuộc rừng Nam Hải Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng gần như cạn trơ đáy, nhan nhản đá sỏi trồi lên.

Tuyến thượng nguồn của suối Lương (từ phía Nam hầm Hải Vân) ngược lên khoảng 10km, dòng suối bị chia cắt, phân vụn ra thành nhiều nhánh nhỏ bởi những khối đá tảng lớn do hậu quả từ trận lũ năm 2022. Đất đá sạt lở khiến dòng chảy bị xé vụn, nước nguồn không đổ về phía hạ lưu như trước nên dù chưa bước vào mùa khô nhưng dòng suối đã cạn kiệt.

Tiếp tục xuôi xuống phía hạ lưu, đoạn từ khu vực cửa hầm Hải Vân xuống cầu Suối Lương với chiều dài khoảng 2km, nơi tập trung hàng chục điểm du lịch sinh thái, dòng suối chỉ ngổn ngang đá tảng, bờ kè bê tông do người dân xây dựng trái phép từ hàng chục năm trước.

Suối Lương cạn trơ đáy dù chưa vào mùa khô.

Suối Lương cạn trơ đáy dù chưa vào mùa khô.

Tại những điểm trước đây người dân đắp đập chặn dòng, mực nước chỉ còn khoảng 30-50cm chảy yếu ớt qua những khe đá.

Theo anh D., người sống tại khu vực này, chưa bao giờ suối Lương lại cạn kiệt như hiện nay, toàn tuyến suối trơ ra đá tảng, nhiều đoạn dòng chảy chỉ còn rộng khoảng 1-2m với mực nước chỉ 20-40cm.

Những năm trước, dù các hộ đắp đập chặn dòng làm du lịch nhưng lượng nước nguồn lớn nên phía hạ lưu vẫn đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, dù chưa bước vào mùa khô nhưng mực nước giảm sâu, gần như cạn kiệt”, anh D. nói và cho biết thêm, ngoài nguyên nhân khách quan do biến đổi khí hậu thì còn nguyên nhân chủ quan là do tác động của con người khiến suối cạn kiệt.

Phía thượng nguồn, do quá trình trồng cây keo lá tràm lâu năm khiến đất rừng bị hủy hoại, cắt đứt mạch nước ngầm tự nhiên. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến lũ quét, sạt lở bồi lấp dòng chảy xảy ra năm 2022. Cạnh đó, suốt nhiều năm qua việc người dân tự ý đắp đập chặn dòng đã tác động tiêu cực, làm thay đổi dòng chảy, khô hạn như hiện nay”, anh D. phân tích.

Còn theo ông Phạm Văn Tí, người hiện giao nhận khoán 4ha rừng trồng cạnh bờ suối Lương cho biết, do nguồn nước cạn kiệt nên ông phải đầu tư đường ống dẫn nước từ xa để đảm bảo nguồn tưới cho cây trồng.

Trước đây lòng suối rộng 4-5m, sâu 1-1,5m nhưng bây giờ bị thu hẹp lại rất nhiều, có đoạn rộng chỉ còn chưa đầy 1m. Suối là nguồn nước chính nuôi cây rừng, trồng lúa và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân quanh vùng. Bây giờ dòng suối thường xuyên khô cạn, hệ sinh thái xưa cũng không còn là thực tế rất đang lo ngại”, ông Tí cho biết.

Suối Lương hiện chỉ là những vũng nước nhỏ do cạn kiệt mạch nước ngầm từ thượng nguồn.

Suối Lương hiện chỉ là những vũng nước nhỏ do cạn kiệt mạch nước ngầm từ thượng nguồn.

Cứu suối Lương thế nào?

Suối Lương có tổng chiều dài khoảng hơn 15km, bắt nguồn từ đèo Hải Vân, chảy xuống khu vực trung tâm phường Hòa Hiệp Bắc rồi đổ ra biển.

Hằng năm, suối Lương cung cấp hàng triệu m3 nước cho người dân ở hạ lưu phục vụ sinh hoạt, sản xuất, góp phần điều tiết khí hậu của Tiểu khu 4A rừng Nam Hải Vân, đảm bảo môi trường sống cho động vật, thực vật.

Suối Lương cạn trơ đáy.

Suối Lương cạn trơ đáy.

Trước tình hình nguy cấp của suối Lương, UBND phường có báo cáo đề xuất quận Liên Chiểu và sở, ngành TP Đà Nẵng giải pháp “cứu”.

Theo đó, UBND phường đề xuất tạm dừng trồng cây keo lá tràm tại thượng nguồn suối Lương vì làm suy giảm chất lượng đất, gây nguy cơ sạt lạt, thực bì của cây tăng nguy cơ cháy rừng, làm mất đi mạch nước ngầm.

Hiện nay độ cao tĩnh không giữa cầu số 1 (Hầm Hải Vân) với bề mặt suối bị thu hẹp do lượng đá lớn che lấp nên đề nghị thu gom, giải phóng không gian để đảm bảo cho việc thoát nước vào mùa mưu lũ.

UBND phường cũng đề xuất lập phương án khảo sát và có kế hoạch khơi nguồn tại dòng, xin chủ trương lập phương án nạo vét các điểm tích nước tự nhiện, lập phương án xây dựng các đập tràn và gia cố hai bên bờ suối để giảm thiểu tình trạng sạt lở.

Với các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch, cần phải lập phương án khai thác dịch vụ, du lịch tại khu du lịch Suối Lương đúng định hướng phát triển theo nghị quyết của Quận ủy.

Theo lãnh đạo quận Liên Chiểu, hiện quận đang lập kế hoạch, thủ tục báo cáo thành phố xin vốn đầu tư để lập quy hoạch khu vực suối Lương. Khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, quận sẽ thuê đơn vị tư vấn quy hoạch chi tiết toàn bộ dòng suối từ thượng nguồn xuống hạ lưu.

Hạ lưu suối Lương cạn kiệt, không đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân.

Hạ lưu suối Lương cạn kiệt, không đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân.

Trong quy hoạch sẽ có giải pháp cụ thể về kết cấu hạ tầng, phương án khơi thông dòng chảy, tạo kè đá giữ bờ suối, tạo điểm tích nước trên dòng suối, phù hợp với môi trường tự nhiên khu vực và đảm bảo an ninh nguồn nước sẽ có trong quy hoạch.

Cũng theo lãnh đạo quận Liên Chiểu, trong quyết định của Thủ tướng về phê duyệt quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050 thì khu vực suối Lương được định hướng phát triển các khu du lịch cộng đồng, sinh thái.

Vì vậy, đối với các điểm đang kinh doanh du lịch sinh thái tự phát trên dòng suối Lương sẽ chấn chỉnh, hoạt động theo đúng quy định pháp luật.

Bình luận
vtcnews.vn