Vì sao không nên tự ý uống bia để giải độc rượu?

Sức khỏeThứ Sáu, 11/01/2019 13:05:00 +07:00

Theo các bác sĩ có thể dùng bia để giải độc rượu song việc này phải thực hiện tại bệnh viện, có chỉ định của bác sĩ, theo dõi chặt chẽ.

Sự việc các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị truyền 5 lít bia cứu sống một bệnh nhân bị ngộ độc rượu methanol nặng khiến nhiều người ngỡ ngàng. Song thực chất đây là một phương pháp điều trị đã được Bộ Y tế cho phép.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết bản chất ở đây là dùng ethanol (thành phần có trong bia, rượu) như một cách giải độc đặc hiệu trong trường hợp ngộ độc methanol. Tuy nhiên người dân không nên hiểu sai là dùng bia để giải độc rượu hay tự ý uống bia khi bị ngộ độc rượu, bởi điều này hết sức nguy hiểm.

“Chỉ bác sĩ mới phân biệt được người bệnh bị ngộ độc do cồn công nghiệp methanol hay rượu thực phẩm ethanol thông thường. Việc truyền bia hay rượu phải có sự chỉ định của bác sĩ, liều lượng cụ thể, người bệnh được theo dõi chặt chẽ”, bác sĩ Nguyên nhấn mạnh. 

Theo bác sĩ cần phối hợp rất nhiều phương pháp điều trị để cấp cứu một bệnh nhân bị ngộ độc methanol nặng. Trong đó, truyền bia, rượu chỉ là một cách; ngoài ra còn kết hợp lọc máu, các phương pháp điều trị khác. Chẳng hạn truyền dịch, thuốc vận mạch nếu người bệnh bị tụt huyết áp, nếu hạ đường huyết thì phải truyền glucose, tiêm bắp vitmain B1…

Việc lựa chọn phương pháp giải độc còn phải căn cứ vào nồng độ methanol gây ngộ độc trong cơ thể bệnh nhân. Tại Trung tâm không dùng phương pháp này vì có thuốc ethanol khác để giải độc.

benhnhan

 Bệnh nhân bị ngộ độc rượu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: VNE)

Chung quan điểm này, bác sĩ Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết một bệnh nhân bị ngộ độc rượu có thể do ngộ độc methanol (cồn công nghiệp) hoặc ethanol (rượu thực phẩm). Hai loại rượu này có hóa giải lẫn nhau nên khi cho người bệnh uống ethanol (truyền bia vào dạ dày) thì sẽ ngăn chặn quá trình chuyển hóa methanol trong cơ thể. Vì thế, với trường hợp ngộ độc methanol có thể truyền bia, rượu để giải độc rượu.

“Nếu ngộ độc ethanol mà vẫn tiếp tục uống ethanol (bia, rượu) thì người bệnh càng trầm trọng hơn. Trường hợp ngộ độc rượu mà các bác sĩ Quảng Trị vừa cứu sống là bị ngộ độc methanol”, bác sĩ Chính phân tích.

Ngoài ra, việc truyền bia để cứu sống bệnh nhân ngộ độc là truyền bia vào dạ dày, không phải tĩnh mạch.

Gan sẽ ưu tiên chuyển hóa ethanol, ngưng chuyển hóa methanol, điều đó giúp có đủ thời gian để lọc máu, loại bỏ methanol ra khỏi cơ thể. Hơn nữa, methanol ở lâu trong cơ thể không được chuyển hóa sẽ bị đào thải dần qua đường nước tiểu, làm giảm độc tố trong cơ thể.   

Methanol thường được gọi là cồn công nghiệp, có nhiều công dụng khác nhau như làm sơn, dung môi... Song chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như ethanol. Phần lớn methanol được chuyển hoá qua gan.

Methanol chuyển hóa thành axít formic, sau đó thành formate, gây nhiễm toan chuyển hóa, độc với các tạng, đặc biệt là thần kinh và thị giác. Ngộ độc methanol thường nặng, dễ tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Phương Nam
Bình luận
vtcnews.vn