Sửa Luật Di sản văn hóa: Cấm bán di vật, cổ vật ra nước ngoài

Tin nóngThứ Tư, 17/04/2024 10:14:00 +07:00
(VTC News) -

Tại dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Chính phủ đề xuất cấm kinh doanh xuất khẩu di vật, cổ vật nhằm tránh mất mát di sản văn hóa ra nước ngoài.

Sáng 17/4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Thừa ủy quyền của Chính phủ báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự thảo luật gồm 9 chương 102 điều, tăng 2 chương 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành.

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, một trong những nội dung dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định là cấm kinh doanh xuất khẩu di vật, cổ vật nhằm tránh mất mát di sản văn hoá ra nước ngoài.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. (Ảnh: quochoi.vn)

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. (Ảnh: quochoi.vn)

Cụ thể, tại khoản 1, Điều 40 về nguyên tắc quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia nêu rõ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu toàn dân phải được quản lý trong các bảo tàng công lập, di tích và các cơ quan, tổ chức nhà nước có chức năng, nhiệm vụ thích hợp; không được kinh doanh và chuyển nhượng thông qua mua bán, trao đổi, tặng, cho.

Trường hợp di vật, cổ vật thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng được kinh doanh mua bán theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và được chuyển nhượng thông qua mua bán trao đổi, tặng cho, thừa kế ở trong nước theo quy định của pháp luật.

"Bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng chỉ được chuyển nhượng thông qua mua bán, trao đổi, tặng cho, thừa kế ở trong nước theo quy định của pháp luật và không được kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư", theo dự thảo luật.

Tại Điều 41 của dự thảo luật cũng quy định Nhà nước thống nhất quản lý hoạt động chuyển nhượng di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân, chuyển nhượng di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Đồng thời, việc chuyển nhượng di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thực hiện theo quy định của Bộ Luật Dân sự và các pháp luật khác liên quan.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết việc sửa đổi luật nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. 

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh. (Ảnh: quochoi.vn)

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh. (Ảnh: quochoi.vn)

Về quản lý bảo vật quốc gia, dự thảo Luật quy định "Bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng chỉ được chuyển nhượng thông qua mua bán, trao đổi, tặng cho, thừa kế trong nước và không được kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư", Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, quy định chặt chẽ, đặc biệt làm rõ nội hàm "chuyển nhượng", "mua bán", "kinh doanh" để tránh có nhiều cách hiểu khác nhau.

Ông Nguyễn Đắc Vinh thông tin, có ý kiến cho rằng, quy định không được kinh doanh đối với bảo vật quốc gia là giới hạn quyền sở hữu tài sản của công dân theo Bộ luật Dân sự (quyền sở hữu bao gồm: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt).

Đồng thời, theo đại diện cơ quan thẩm tra, quy định này cũng chưa bảo đảm tính thống nhất trong nội dung dự thảo luật (điểm c khoản 1 Điều 40 giới hạn quyền sở hữu đối với tài sản nhưng khoản 3 Điều 41 lại quy định việc chuyển nhượng di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự).

"Đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định để bảo đảm thống nhất với Bộ luật Dân sự", Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nói.

Bình luận
vtcnews.vn