Sự thật đằng sau Sứ mệnh Mặt trăng của NASA vừa bị trì hoãn

Khám pháThứ Tư, 10/01/2024 13:43:57 +07:00
(VTC News) -

Chương trình Artemis của NASA nhằm mục đích đưa các phi hành gia trở lại Mặt trăng trong thập kỷ này đang phải đối mặt với một số sự chậm trễ kéo dài.

Với các chương trình sứ mệnh Artemis, NASA sẽ khám phá Mặt trăng nhiều hơn bao giờ hết, học cách sống và làm việc xa Trái Đất, cũng như chuẩn bị cho chuyến thám hiểm Hành tinh Đỏ của con người trong tương lai.

Tuy nhiên, mới đây NASA đã thông báo rằng, chương trình sứ mệnh Artemis II tiếp theo của họ (dự kiến ​​sẽ đưa bốn phi hành gia thực hiện chuyến bay quanh Mặt trăng trong một con tàu thế hệ tiếp theo), sẽ khởi động vào tháng 9 năm 2025, thay vì vào cuối năm nay.

Những nỗ lực của NASA nhằm đưa các phi hành gia trở lại Mặt trăng lại bị trì hoãn một lần nữa. (Ảnh: Spaceexplored)

Những nỗ lực của NASA nhằm đưa các phi hành gia trở lại Mặt trăng lại bị trì hoãn một lần nữa. (Ảnh: Spaceexplored)

Sự chậm trễ của chương trình Artemis II cũng đẩy lùi sứ mệnh tiếp theo, đó là chương trình Artemis III với nhiệm vụ cho các phi hành gia hạ cánh gần cực nam của Mặt trăng, nó cũng sẽ bị trì hoãn đến tháng 9 năm 2026. NASA cho biết, hai chương trình sứ mệnh này đang bị lùi lại để có đủ thời gian thử nghiệm các công nghệ mới trên tàu vũ trụ Orion, vốn đóng vai trò trọng tâm cho các sứ mệnh Mặt trăng của phi hành đoàn.

Quản trị viên NASA Bill Nelson cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi đang quay trở lại Mặt trăng theo cách chưa từng có trước đây, và sự an toàn của các phi hành gia là ưu tiên hàng đầu của NASA, khi chúng tôi chuẩn bị cho các sứ mệnh Artemis trong tương lai. Chúng tôi sẽ không bay cho đến khi nó sẵn sàng. An toàn là trên hết”.

Theo NASA, thời gian trì hoãn này sẽ giúp các đội có cơ hội hoàn thành việc điều tra và khắc phục kỹ lưỡng vấn đề về pin, các vấn đề về bộ phận liên quan đến hệ thống kiểm soát nhiệt độ và thông gió của tàu Orion, giải quyết mối lo ngại về các công nghệ thiết bị điện tử hỗ trợ sự sống cho phi hành gia sống sót bên trong Orion, tiếp tục phân tích sự hao mòn của tấm chắn nhiệt trong tàu, cũng như sửa chữa tháp phóng.

Amit Kshatriya, phó quản trị viên phụ trách phát triển hệ thống thám hiểm tại trụ sở NASA, cho biết trong một tuyên bố: “Artemis là một chiến dịch thám hiểm dài hạn, nhằm tiến hành nghiên cứu khoa học trên Mặt trăng cùng với các phi hành gia, và chuẩn bị cho các sứ mệnh của con người trong tương lai hướng tới sao Hỏa. Điều đó có nghĩa là chúng tôi phải làm đúng khi phát triển và vận hành các hệ thống nền tảng của mình để có thể thực hiện các sứ mệnh này một cách an toàn nhất có thể”.

Các chuyên gia nhận định, thất bại mới nhất tiếp nối sau nhiều năm trì hoãn và bội chi ngân sách cho chương trình Artemis. NASA đã chi hơn 42 tỷ USD trong hơn một thập kỷ để phát triển siêu tên lửa mới thuộc Hệ thống phóng không gian và tàu vũ trụ Orion để đưa các phi hành gia trở lại Mặt trăng.

Năm ngoái, tổng thanh tra của NASA đã công bố một báo cáo nêu rõ những thách thức xung quanh mức chi phí khổng lồ, cũng như lịch trình đầy tham vọng của chương trình Artemis. Báo cáo ước tính rằng, mỗi lần phóng chương trình Artemis sẽ tiêu tốn 4,2 tỷ USD, khiến các sứ mệnh Mặt trăng này khó duy trì ổn định cùng với các mục tiêu khám phá không gian khác của NASA.

HUỲNH DŨNG(Nguồn: NBC News/ NASA)
Bình luận
vtcnews.vn