Sốc sau tiêm phòng: Tránh cho con thế nào?

Sức khỏeThứ Bảy, 24/11/2012 04:20:00 +07:00

(VTC News) – Các bậc cha mẹ nên nán lại 30 phút sau tiêm để phòng trẻ bị sốc, theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ trước và sau tiêm, kiểm soát loại thuốc.

(VTC News) – Các bậc cha mẹ nên nán lại 30 phút sau tiêm để phòng trẻ bị sốc, theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ trước và sau tiêm, kiểm soát loại thuốc, quá trình tiêm chủng nhằm đảm bảo trẻ an toàn.




Sau tiêm, trẻ dễ phản ứng thuốc thế nào?

Theo quy định, trẻ sau tiêm vắc xin cần nán lại cơ sở y tế 30 phút. Nhưng thực tế, nhiều trẻ sau khi tiêm xong được gia đình cho về nhà luôn. Lý do là ở chỗ tiêm chật chội, nóng.

 
Chị Thúy Nhạn, nhà ở Sơn Tây thường đưa con đi tiêm ở Trung tâm tiêm chủng Quốc tế - 4 Sơn Tây, Hà Nội chia sẻ: Đưa con đi khám, đợi chờ đã rất mệt mỏi nên sau khi tiêm xong chỉ muốn cho con về ngay. Ở đó vừa nóng nực, quá đông, mà trẻ tiêm xong thường hay khóc nên phải đưa về nhà ngay cho mát. Không chỉ chị Nhạn, nhiều bà mẹ khác cũng làm tương tự.

Theo GS- TS Thu Vân, chuyên gia về vắc xin tại Việt Nam thì sau khi tiêm, các bà mẹ nên ở lại 30 phút để theo dõi sức khỏe của trẻ.

Thường trong thời gian này, nếu cơ thể trẻ phản ứng sốc sẽ bộc lộ ngay. Vì vậy, các y, bác sĩ tại nơi tiêm vắc xin sẽ có biện pháp kịp thời tiêm chống sốc.

Bản thân trong quy định về sử dụng vắc xin trong dự phòng và điều trị nêu rõ: Tại nơi tiêm chủng phải có hộp thuốc chống sốc. Có phác đồ chống sốc treo tại nơi thực hiện tiêm chủng vắc xin, sinh phẩm y tế.

GS Vân tư vấn: Bố mẹ cần theo dõi diễn biến sức khỏe của con rất chặt chẽ và khai báo với cán bộ tiêm phòng. Sau tiêm 48 tiếng, nếu trẻ bất thường cần khám ngay, không được chủ quan.

Khi tiêm, cần chú ý loại thuốc y tá lấy ra để tiêm là thuốc gì, hạn sử dụng, thậm chí nên lấy lại vỏ thuốc tiêm. Bố mẹ nên yêu cầu người tiêm lấy thuốc vào xi lanh trước mặt.

Theo thống kê của các chuyên gia nhi khoa thì cứ 1 trong 4 trẻ tiêm vắc xin sẽ có những biểu hiện phản ứng phụ với thuốc. Những biểu hiện thường gặp có thể là sốt, sưng tấy, sưng phồng, …trên da.

Sau tiêm phòng cho trẻ, các bà mẹ nên chú ý đến các phản ứng tại chỗ thường gặp gồm:

Đau nơi tiêm: Cảm giác đau thường kéo dài từ một vài giờ đến hơn 1 ngày, thường làm cho trẻ quấy khóc. Nổi cục nơi tiêm: Cục này thường nhỏ bằng hạt đậu, có khi viêm tấy đỏ và có thể tồn tại tới 2-3 tuần mới khỏi.

Mẩn ngứa xung quanh vết tiêm, có thể kéo dài từ 3 ngày tới cả tuần. 10% số trẻ đi tiêm có phản ứng này.

Phản ứng toàn thân chủ yếu là sốt, xuất hiện ở 80% số trẻ được tiêm chủng. Trẻ thường sốt sau khi tiêm từ 1 giờ đến 1 ngày (tiêm phòng bệnh thương hàn, ho gà) hoặc 10-15 ngày (tiêm phòng bệnh sởi hoặc quai bị).

Đa số trường hợp sốt nhẹ (có khi sốt cao hơn 39 độ C) kèm theo vật vã, quấy khóc, bỏ ăn. Những trẻ lớn đã biết nói sõi có thể kêu nhức đầu.

Hầu hết trẻ tự khỏi sốt sau 1-2 ngày. Chỉ những trường hợp sốt cao mới cần dùng đến thuốc hạ nhiệt, nhưng phải theo đơn của bác sĩ nhi khoa. Sốt do tiêm phòng chưa gây tai biến nguy hiểm nào cho trẻ.

Một số trẻ được tiêm phòng có các phản ứng ngoài da, biểu hiện bằng các nốt ban, mề đay, mẩn ngứa toàn thân, nhất là ở những trẻ có cơ địa nhạy cảm và tiền sử dị ứng. Các phản ứng này có thể kéo dài 3-6 ngày. Hiện tượng phát ban cũng xảy ra ở 2-10% số trẻ tiêm phòng bệnh sởi hoặc rubela, có thể kèm theo sốt nhẹ, đôi khi ho.

Phản ứng ngoài da thường tự khỏi. Những trường hợp nổi mề đay quá nhiều, gây ngứa ngáy khó chịu có thể dùng một số thuốc kháng dị ứng như siro phenergan, siro promethazine...

Tuy nhiên, cũng có một số biến chứng nguy hiểm như co giật: Các cơn co giật thường xuất hiện trong khoảng từ 30 phút đến 3 ngày sau khi tiêm phòng ho gà, thường kèm theo sốt cao. Các kết quả điều tra cho thấy, hiện tượng này chiếm khoảng 0,6% số trẻ tiêm phòng ho gà và chỉ xảy ra ở những trẻ có tiền sử động kinh.

Tuy các cơn co giật ít gây nguy hiểm nhưng cũng nên cân nhắc trước khi tiêm phòng ho gà cho trẻ có tiền sử động kinh, vì một số trường hợp có thể bị bệnh não.

Rên la hoặc la hét dữ dội: Biểu hiện này có ở 3% số trẻ tiêm phòng, nhất là trẻ ở lứa tuổi 3-6 tháng, thường xuất hiện sau khi tiêm 6-10 giờ. Đây chỉ là ảnh hưởng nhất thời của thuốc tới thần kinh của trẻ mà không gây biến chứng gì, phần lớn sẽ tự chấm dứt. Tuy nhiên, nếu trẻ gào khóc, rên la kéo dài, cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa để kê đơn thuốc an thần.

Nổi hạch ở nách: Thường gặp sau khi tiêm phòng lao 3-5 tuần, có 2 loại là viêm hạch đơn thuần và viêm hạch hóa mủ (chiếm 4% số trẻ tiêm phòng lao). Loại hạch hóa mủ tương đối nguy hiểm vì gây sưng tấy, có mủ, dễ nhiễm trùng; nhiều trường hợp phải làm tiểu phẫu để nạo mủ.

Trong một số ít trường hợp, chứng viêm hạch xảy ra sau khi tiêm phòng sởi hoặc rubella.

Cũng có trường hợp, trẻ bị sốc phản vệ sau tiêm. Tuy nhiên, TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, sốc phản vệ là một tai biến kinh hoàng.

Tuy nhiên, TS Dương khuyến cáo cha mẹ không nên vì lo sợ sốc phản vệ mà không cho trẻ đi tiêm phòng vắc xin. Bởi tiêm vắc xin là biện pháp chủ động phòng chống bệnh hiệu quả nhất.

Khi nào không nên tiêm văc xin?

 

Khi tiêm, cần chú ý loại thuốc y tá lấy ra để tiêm là thuốc gì, hạn sử dụng, thậm chí nên lấy lại vỏ thuốc tiêm. Bố mẹ nên yêu cầu người tiêm lấy thuốc vào xi lanh trước mặt.

GS - TS Thu Vân
 

Viêm não Nhật Bản: Sau khi tiêm, ngay tại chỗ tiêm có thể bị đỏ, sưng tấy. Đôi khi trẻ bị ớn lạnh, đau đầu, sốt sau khi tiêm.


Không được tiêm khi trẻ đang sốt cao, mắc bệnh tim, thận, gan, đái tháo đường, đang mắc bệnh ung thư máu và nhất là trẻ đã từng bị dị ứng với vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản.

Viêm gan B: Sau khi tiêm vaccin viêm gan B, một số ít các trường hợp có thể bị sốt nhẹ, đau chỗ tiêm, nôn ói, chóng mặt, mệt mỏi, đau cơ.

Trong trường hợp với trẻ sinh ra nhẹ cân (dưới 1,5kg) có thể chờ cho đến khi trẻ được 2kg hoặc từ 2 tháng tuổi mới bắt đầu tiêm, khi trẻ đang sốt cũng không nên tiêm.

Tiêm vắc xin phòng bệnh lao: Việc ngừa lao cho trẻ sơ sinh được thực hiện bằng cách tiêm vắc xin BCG khi trẻ được một tháng tuổi. Thuốc được tiêm trong da. Sau khi tiêm, có thể nổi mẩn đỏ, sưng tấy nhẹ, hoặc loét tại chỗ tiêm. Do vậy, không nên tiêm cho trẻ bị viêm da có mủ, đang bị sốt trên 37,5đC, bị tiêu chảy, viêm phổi, vàng da,... và nhất là trẻ bị nhiễm HIV.

Bạch hầu, uốn ván, ho gà: Việc tiêm vắc xin phòng bệnh này được thực hiện cùng một lúc khi trẻ đã được 2 tháng tuổi. Thuốc chủng ngừa được pha trộn chung và được tiêm vào bắp thịt của trẻ. Tại chỗ tiêm trẻ có thể bị nổi mẩn đỏ, sưng đau nhẹ, gây sốt.

Trong trường hợp trẻ đang mắc bệnh nhiễm khuẩn, sốt cao, rối loạn thần kinh (co giật, viêm não và các bệnh về não)... không nên tiêm.

Bại liệt: Trẻ sẽ được phòng bệnh bại liệt bằng thuốc dạng uống (vắc xin Sabin). Sau khi uống thuốc phòng bệnh, trẻ có thể bị nhức đầu, đau cơ hoặc tiêu chảy.

Tuyệt đối không được cho uống vắc xin phòng bại liệt khi trẻ đang bị sốt, bị nôn, tiêu chảy, đang điều trị thuốc corticoid, mắc bệnh ác tính (u lympho, bạch cầu cấp...) hoặc bị nhiễm HIV.

Sởi: Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi khi trẻ hơn 9 tháng tuổi. Thuốc được tiêm dưới da. Sau khi tiêm, có thể có phản ứng tại chỗ tiêm: sưng đỏ, nổi mụn nước. Trẻ cũng có thể bị sốt, ho, sổ mũi và nhức đầu.

Khi trẻ đang sốt cao, bị suy giảm miễn dịch nhiễm HIV cần hoãn tiêm vắc xin phòng bệnh sởi.

Ngoài những vắc xin phòng các bệnh trên còn có nhiều loại khác như: thủy đậu, quai bị, cúm, viêm màng não... Tuy nhiên, để tiêm vắc xin phòng bệnh được an toàn và hiệu quả, tốt nhất trước khi tiêm nên tham khảo ý kiến bác sĩ.



Nguyễn Tâm


Bình luận
vtcnews.vn