Sim 11 số bị “hắt hủi”

Kinh tếThứ Ba, 02/08/2011 02:51:00 +07:00

(VTC News) - Loại sim 11 số hiện đang bị người tiêu dùng kỳ thị và “hắt hủi” dù về chức năng của sim 11 số không khác gì sim 10 số.

(VTC News) - Về mặt kỹ thuật và thực tế giao dịch, chức năng của sim 11 số không khác gì sim 10 số. Nhưng, trên thực tế, loại sim này đang bị người tiêu dùng kỳ thị và “hắt hủi”.


Rẻ nên bị “hắt hủi”?

Việc sử dụng điện thoại di động ngày phổ biến nên việc sở hữu một số điện thoại đối với mỗi người bây giờ như là một điều hiển nhiên trong cuộc sống. Người người sử dụng di động, nhà nhà dùng di động, mỗi người trang bị cho mình tới 2, thậm chí tới 3 số di động. Trang bị điện thoại cho con để quản lý, trang bị cho bố mẹ già một chiếc di động để liên lạc khi cần.

Vì sim 11 thường là sim rác nên bị người dùng "hắt hủi". 
Nếu chỉ đi lướt qua các gian hàng đại lý sim thẻ trong thời gian gần đây, có thể thấy những biển quảng cáo treo với những lời mời mọc đầy sức hấp dẫn như “sim khuyến mại 15 nghìn đồng– tài khoản 80 nghìn đồng, 40 nghìn đồng – tài khoản 200 nghìn đồng; hay sim rác tài khoản lớn; sim sinh viên, học sinh giá rẻ…”. Sim khuyến mại tràn ngập từ nhà ra phố, sim sinh viên, học sinh tặng tài khoản được bán từ đại lý cấp một đến quán cóc vỉa hè, từ thành thị đến nông thôn.

Theo anh Đoàn Văn Tuấn, chủ cửa hàng sim thẻ tại 73 Trường Trinh thì từ khi sim 11 số được đưa vào sử dụng vào năm 2009, cho đến nay, giá những chiếc sim này luôn ở mức thấp hơn so với sim 10 số. Việc kích hoạt sim bây giờ cũng rất đơn giản, khách đến chỉ việc mua và lắp vào sử dụng. Rất nhiều khách hàng đôi khi còn nói thẳng rằng họ dùng sim 11 số thay thẻ cào, gọi hết tiền rồi bỏ chứ không giữ lại làm liên lạc thường xuyên

Cũng theo anh Tuấn, sim số đẹp khi được bán ra với sim 11 số cũng khá rẻ, một bộ sim kit 10 số có đuôi 8888 hay 6666 có giá cả chục triệu đồng, nếu là ngũ “66666, 88888” thì giá có thể cao hơn nữa. Nhưng với sim 11 số, tứ quý dù đẹp cũng chỉ có giá vài trăm ngàn đến tiền triệu, nếu là ngũ thì giá cũng chỉ cao hơn được một chút, không đáng là bao so với sim 10 số cả.

"Có người ví nó như phận con ở, số khác gọi là sim rác. Nói chung, những thuê bao 11 số được xếp vào hàng cấp 2 khi không còn dải 10 số, họ mới sử dụng", chủ cửa hàng này nói.

Theo giới kinh doanh sim thẻ thì từ khi ba nhà mạng lớn là Vinaphone, MobileFone, Viettel  chấm dứt “phong trào” tặng 100% thẻ nạp xuống còn 50%, thì  lượng sim “rác” cũng được bán ra nhiều hơn. Theo thống kê của một số đại lý thì 30-50% lượng sim cửa hàng bán ra thị trường chủ yếu là loại sim 11 số (thường được gọi là sim khuyến mại dùng hết tiền rồi bỏ).

Không nhấc máy khi thấy cuộc gọi từ sim 11 số

Cũng là sim của một nhà mạng danh tiếng, cũng số gồng số gánh, tứ quý, phát lộc… nhưng là sim 11 số, hãy thử xem số điện thoại đó được tôn trọng thế nào?

Một phóng viên của tờ báo điện tử khi thực hiện bài viết phỏng vấn ca sỹ N. liên tục thấy số máy ca sỹ báo bận không trả lời. Khi chạy đến nơi gặp trực tiếp ca sỹ thì nhận được câu trả lời "Chị chỉ trả lời điện thoại 10 số, chưa bao giờ trả lời điện thoại 11 số cả”.

Anh Minh Châu tại OCT1 – ĐN1 Khu đô thị mới Bắc Linh Đàm, dùng số 0129XX24566 thì lại cho biết: mình mua sim theo dịch vụ chọn số tại đại lý của Vinaphone, mình thấy nó cũng khá đẹp và dễ nhớ so với những đầu 10 số khác, nhưng nhiều khi cũng khá bất tiện khi gọi điện cho đối tác mới, đôi khi gọi cả 10 cuộc mà họ cũng không nhắc máy.

Mỗi khi thấy họ không nhấc máy mình lại phải tế nhị gửi một tin nhắn đến trước để cho họ biết mình là đối tác hẹn họ ngày hôm nay, sau đó mới dám gọi lại, và y như rằng lại được nghe câu “ thấy sim 11 số không muốn nghe”. Bây giờ mình chuyển sang sim 10 số rồi, nó không đẹp lắm nhưng cứ bấm máy cho khách hàng mới là được “A lô” ngay.

Nhiều khi sử dụng sim 11 số người dùng cảm thấy mình như bị hắt hủi, có khá nhiều trường hợp người dùng sim 11 số đôi khi bị cảm thấy coi thường, đôi khi cho bạn bè, đối tác hay một ai đó xin số điện thoại để liên lạc lại luôn nhận được câu hỏi; sim 11 số à, hay lại dùng sim 11 số khuyến mại, 11 sim rác…

Anh Hà Tiến Cường, cán bộ truyền thông tại một công ty lớn ngay ngày đầu tiên ký hợp đồng thì được cán bộ quản lý thông báo cần đổi số điện thoại vì số đang dùng là 11 số khó nhớ, không tiện liên lạc trong công việc. Nhìn lại số điện thoại đã gắn bó lâu nay 012345XX468, anh Cường đành bấm bụng mua thêm một sim 10 số cho vừa lòng cấp trên và tiện cho công việc.

Việt Nam hiện có 7 mạng di động đang khai thác tới 28 đầu số, gồm VinaPhone (091, 094, 0123, 0125, 0127, 0129), MobiFone (090, 093, 0120, 0122, 0124, 0126, 0128), Viettel (098, 097, 0165, 0162, 0163, 0164, 0166, 0167, 0168, 0169), S-Fone với đầu số 095, EVN Telecom là 096 , Vietnamobile: 092 , 0188 và Beeline với 0199, 099. Các dải số này được nhà mạng thuê từ Bộ Thông tin và Truyền thông với chi phí khoảng 1.000 đồng cho mỗi thuê bao trong một năm.

Cho đến bây giờ, khi đa “va đập” với thị trường, có lẽ các nhà mạng cần thẳng thắn rút kinh nghiệm để tìm ra giải pháp khai thác và phát triển hiệu quả.

Qua tìm hiểu của PV VTC News hiện vẫn có một nhóm đối tượng vẫn “vô tư” sử dụng sim 11 số mà không quan tâm nhiều đến chuyện số đẹp, số xấu là sinh viên, người thu nhập thấp, khách hàng khu vực nông thôn. Vấn đề quan trọng ở đây là làm gì để xóa bỏ tâm lý kỳ thị, phân biệt “đẳng cấp” giữa sim 10 số và sim 11 số?

Biện pháp là, chỉ cần các nhà mạng siết chặt quản lý, làm đúng quy định bắt buộc khi mua sim trả trước phải kê khai chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, nếu quá thời hạn nhất định mà khách hàng không nạp them tiền vào tài khoản sẽ bị thu hồi sim thì việc sử dụng sim 11 số sẽ nghiêm túc hơn.

Thực hiện việc này một thời gian, thị trường sẽ cho kết quả khách quan và ngay lập tức, sẽ ngăn chặn được “cơn bão” bùng nổ sim 11 số, tránh được sự lãng phí kho số như thời gian qua.
Tra cứu kết quả tuyển sinh Đại học – Cao đẳng 2011 nhanh nhất tại: http://diemthi.vtc. 

Vĩnh Tuấn

Bình luận
vtcnews.vn