Siêu dự án 1,5 tỷ USD: 7 năm xây một bức tường

Kinh tếThứ Sáu, 09/05/2014 11:26:00 +07:00

Dự án khu đô thị sinh thái lấn biển Cần Giờ với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD được khởi công cuối năm 2007, nhưng đến nay, công trình vẫn nằm “đắp chiếu”.

Dự án khu đô thị sinh thái lấn biển Cần Giờ với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD được khởi công cuối năm 2007, nhưng đến nay, công trình vẫn nằm “đắp chiếu”.

7 năm xây một bức tường

Theo thông tin từ công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ (chủ đầu tư Dự án Saigon SunBay), dự án có diện tích hơn 600 ha. Trong đó 400 ha dành cho xây dựng và 200 ha làm bãi biển. Tổng vốn đầu tư là 1,5 tỷ USD. Riêng vốn san lấp mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng dự kiến khoảng 350 triệu USD.

dự án
Sau 7 năm thi công, dự án Saigon SunBay vẫn chỉ là một bức tường và một kè đá. 
Đây là công trình tự tạo quỹ đất bằng lấn biển sử dụng công nghệ thi công lấn biển hiện đại, dùng cát biển để san lấp mặt bằng. Theo đó, sẽ có hàng loạt công trình kiến trúc được xây dựng trên nền cát lấn ra biển.


Siêu dự án này đã khởi công được gần 7 năm. Tiến độ thi công hầu như không có gì đáng nói, nhưng lại gây khá nhiều “ồn ào” trong chuyện va chạm, mâu thuẫn giữa người dân vùng dự án và chủ đầu tư, đơn vị thi công.

Khoảng tháng 6/2013, đơn vị thi công khi đó là Liên danh Đại Phú Gia- Anjeong đã xây dựng một bức tường dài khoảng 600 m để bảo vệ khu vực thi công, ngăn cách giữa các khu hàng quán của các hộ kinh doanh du lịch với bãi biển. Đỉnh điểm của những mâu thuẫn này là việc nhiều hộ dân kinh doanh dịch vụ ở bãi biển 30/4 (xã Long Hòa, vùng quy hoạch dự án) đã làm đơn kiện chủ đầu tư, đơn vị thi công ra Tòa án nhân dân huyện Cần Giờ…

Bình luận về câu chuyện này, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, đó là biểu hiện của sự xung đột lợi ích. "Bãi biển 30/4 ở Cần Giờ là địa điểm thích hợp cho mô hình đi du lịch trong ngày. Người dân ở thành phố đi xe gắn máy đến bãi biển hưởng không khí, thưởng thức hải sản… rồi về ngay trong ngày, thậm chí không cần tắm biển. Với mô hình này, người dân địa phương có thể bán thủy - hải sản, làm dịch vụ du lịch”, TS. Hiển nói. Ông phân tích, khi nhà thầu xây bức tường, dĩ nhiên là họ có lý để bảo vệ thi công, tránh mất mát vật liệu, nhưng lại cản tầm nhìn ra biển, ảnh hưởng đến hoạt động du lịch.

Trong chuyến đi thực tế mới đây, theo ghi nhận, việc thi công dự án Saigon SunBay đã có những chuyển biến. Ngoài bức tường nói trên, trên biển báo giới thiệu dự án đã thay đổi tên đơn vị thi công. Nhà thầu mới là Liên doanh Lũng Lô - Sao Mai đã thi công được một tuyến kè đá bao quanh một diện tích vùng nước và bãi biển rộng chừng 100 ha.

Tuy nhiên, theo ghi nhận, nhà thầu mới cũng đã dừng việc thi công. Mấy chiếc máy xúc, máy ủi nằm trên bãi biển. Cách đó không xa là khu tập kết. Các ống thép dùng để hút cát đã bắt đầu hoen gỉ...Ông Đặng Nguyễn Tường Huy, đại diện công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ xác nhận, việc thi công tại dự án Saigon SunBay đã tạm dừng vài tháng nay.

Mâu thuẫn trong lòng dự án

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm triển khai dự án được chủ đầu tư lý giải là chưa thu xếp được vốn. Từ thực tế chưa huy động được vốn, chủ đầu tư đã đề xuất phương án làm một tiểu dự án (quy mô khoảng 100 ha), thay vì kế hoạch ban đầu.

Phân tích thêm, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, có thể có những vướng mắc về việc nghiên cứu chưa thấu đáo của chủ đầu tư. Giai đoạn 2007-2008, đã có rất nhiều dự án “chìm xuồng” với nguyên nhân là các chủ đầu tư căn cứ vào kịch bản tăng trưởng kinh tế của thành phố. Với dự báo kinh tế TP.HCM tiếp tục tăng trong những năm tới, nên các chủ đầu tư ồ ạt xây dựng các dự án lớn, nhanh chóng triển khai, mời gọi các đối tác để hợp tác…

Mới đây, khi được hỏi về tình hình thu xếp nguồn vốn, đại diện công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ đã từ chối trả lời. Đơn vị này chỉ nêu chung chung là đã báo cáo UBND TP.HCM, các sở, ngành về tiến độ huy động vốn cho dự án và đang thực hiện theo báo cáo này, đồng thời chuẩn bị cho các giai đoạn tiếp theo. Còn về tiến độ thi công dự án, đại diện chủ đầu tư chỉ cho biết là sẽ có biện pháp để đẩy nhanh trong thời gian tới…

Tuy nhiên, có một sự thay đổi đáng kể là việc chủ đầu tư đã quyết định “chọn mặt, gửi vàng” đối với nhà thầu thi công mới. Như đã đề cập, từ tháng 9/2013, Liên danh Lũng Lô - Sao Mai đã được chọn. Theo giới thiệu của chủ đầu tư, đây là các nhà thầu trong nước có bề dày kinh nghiệm với lĩnh vực thi công các công trình thủy công, xây dựng, san lấp và luôn có chất lượng, tiến độ được các đối tác tư vấn đánh giá cao…

Khi được hỏi về những khó khăn khiến tiến độ dự án chậm chạp và biện pháp tháo gỡ, đại diện chủ đầu tư cho biết đã báo cáo các cơ quan chức năng và đang từng bước giải quyết những khó khăn này.

TS. Đinh Thế Hiển không tin rằng, dự án này sẽ triển khai theo đúng tiến độ đã đề ra. Theo ông Hiển, cần yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng, nếu không kiên quyết thu hồi dự án; hoặc thu hẹp quy mô dự án, trả lại diện tích cho phát triển du lịch công cộng, tạo điều kiện cho đông đảo người dân địa phương được tham gia chuỗi hoạt động du lịch…

Mặc dù đây là dự án có quy mô lớn, nhưng tại các kỳ họp của UBND TP HCM, việc triển khai dự án ít được đề cập và cũng không thấy có các văn bản nhắc nhở tiến độ hay các vấn đề có liên quan đến dự án này…

Theo báo đầu tư
Bình luận
vtcnews.vn