Sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập TP Bến Cát và TP Gò Công

Tin nóngThứ Sáu, 01/03/2024 17:10:03 +07:00
(VTC News) -

Ủy ban Pháp luật nhất trí trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định việc thành lập TP Bến Cát (tỉnh Bình Dương) và TP Gò Công (tỉnh Tiền Giang).

Ngày 1/3, với 100% số thành viên tham gia biểu quyết tán thành, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhất trí trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định việc thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát, thành lập TP Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương và thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công, thành lập TP Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang.

100% thành viên Ủy ban Pháp luật tham gia biểu quyết tán thành. (Ảnh: quochoi.vn)

100% thành viên Ủy ban Pháp luật tham gia biểu quyết tán thành. (Ảnh: quochoi.vn)

Trước đó, trình bày tóm tắt các tờ trình của Chính phủ về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa nêu rõ, tỉnh Bình Dương đề nghị thành lập 2 phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 2 xã An Điền và An Tây.

Đồng thời, tỉnh đề nghị thành lập TP Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị xã Bến Cát.

Ông Nguyễn Trọng Thừa cho biết, sau khi thành lập 2 phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trực thuộc nhưng giảm 1 thị xã, 2 xã và tăng 1 thành phố, 2 phường. Tỷ lệ đô thị hóa là 84,95%.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa. (Ảnh: quochoi.vn)

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa. (Ảnh: quochoi.vn)

Đối với tỉnh Tiền Giang, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho hay, tỉnh này đề nghị thành lập 4 phường Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 4 xã Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa; sắp xếp 4 phường thành 2 phường.

Đồng thời thành lập TP Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị xã Gò Công.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa nêu rõ, 4 xã Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa đã đạt tiêu chuẩn về hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị để thành lập phường theo quy định. Thị xã Gò Công cũng đã được công nhận công nhận là đô thị loại III.

Theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, sau khi thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập TP Gò Công, tỉnh Tiền Giang không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, nhưng tăng 1 thành phố và giảm 1 thị xã; giảm 2 đơn vị hành chính cấp xã (tăng 2 phường, giảm 4 xã). Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Tiền Giang là 18,40%; tỷ lệ đô thị hóa của TP Gò Công là 60,76%.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa nhấn mạnh, từ vị trí, tiềm năng, lợi thế, sự phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa của các địa phương thì việc thành lập 2 phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát, thành lập TP Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương; thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập TP Gò Công là cần thiết.

Kết luận nội dung làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật thống nhất cao với tờ trình và đề án của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. (Ảnh: quochoi.vn)

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. (Ảnh: quochoi.vn)

Ông Hoàng Thanh Tùng cho rằng, các đơn vị đều đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện thành lập phường, thành phố theo quy định, hồ sơ, thủ tục cũng đã bảo đảm các nội dung theo quy định, Ủy ban Pháp luật tán thành cao với việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ và các tỉnh quan tâm, tăng cường đầu tư giải quyết vấn đề đặt ra sau khi thành lập đơn vị hành chính đô thị. Cùng với đó, các tỉnh cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của địa phương để trình cấp có thẩm quyền, bảo đảm tiến độ, chất lượng, đúng theo yêu cầu, quy định.

Anh Văn
Bình luận
vtcnews.vn