Say nắng: Không biết xử lý sẽ dễ tử vong

Sức khỏeThứ Năm, 03/05/2012 02:47:00 +07:00

(VTC News) – Để bảo vệ sức khỏe những ngày nhiệt độ cao, người dân cần có biện pháp phòng tránh và xử lý khi bị say nắng.

(VTC News) – Nắng nóng khiến lượng người nhập viện tăng cao. Để bảo vệ sức khỏe những ngày nhiệt độ cao, người dân cần có biện pháp phòng tránh và xử lý khi bị say nắng.

>> Đổ bệnh hàng loạt do nắng nóng
>> Một cụ già chết cháy đen dưới nắng nóng
>> Nắng khủng khiếp đầu hè, người Hà Nội 'vật vã'
>> Ảnh: Nóng 44 độ C, Hà Nội thành...hỏa lò


Mới đây, một học sinh ở trường Tiểu học Lê Mao (thành phố Vinh, Nghệ An) đã bị ngất xỉu vì say nắng trên đường tới trường.

Còn em Vi Thị Như - học sinh lớp 7C, trường THCS Châu Hội (bản Hội 2, xã Châu Hội, huyện miền núi cao Quỳ Châu, Nghệ An) trên đường đi học cũng bị say nắng và choáng ngất ngay bên vệ đường do ảnh hưởng của nắng nóng. Lúc này, nhiệt độ tại huyện miền núi Quỳ Châu lên đến khoảng 41 độ C.

Rất may, khi bị ngất, em Như đã được các bạn đi cùng đi phát hiện và đưa đến cấp cứu tại Trạm xá xã Châu Hội. Sau khi được các bác sỹ, y tá cấp cứu kịp thời nên em Như đã tỉnh lại. Chiều cùng ngày em Vi Thị Như đã bình phục và trở về nhà.

Ảnh minh hoạc: Trời nắng, nhiệt độ cao khiến người phải đi ngoài trời dễ bị say nắng. 

Một số nông dân ở xã Thanh Hà, Thanh Tùng huyện Thanh Chương, Nghệ An cũng bị xỉu trên cánh đồng vì đi thu hoạch lúa giữa nắng.

Không biết xử lý, có thể tử vong

 >> Toàn cảnh kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 trong nắng nóng thiêu đố

Theo BS Như Huỳnh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), trẻ em dễ bị say nắng nếu đi ra ngoài giữa trời nắng nóng hoặc chơi các môn thể thao ngoài trời do cơ thể phát triển chưa được hoàn thiện, dẫn đến việc điều tiết thân nhiệt cơ thể kém.

Người cao tuổi dễ bị say nắng là do tuyến mồ hôi dưới da bị teo lại, hoạt động của hệ tuần hoàn bị suy yếu, cơ thể tỏa nhiệt không nhanh.

Phụ nữ có thai và sản phụ là đối tượng có sức khỏe yếu. Việc mang thai và sinh nở đã làm tiêu hao của họ nhiều năng lượng. Ngay cả khi ngồi trong nhà nhưng nhiệt độ cao, không thông thoáng, nhóm người này cũng có thể bị say nắng.

Người mắc bệnh tim mạch cũng dễ bị say nắng, do thời tiết nóng nực khiến thần kinh phấn chấn, tăng gánh nặng cho tim. Mặt khác, do chức năng tim không hoàn thiện khiến hơi nóng trong người tỏa ra không kịp nên dẫn đến say nắng.

Người bị viêm nhiễm, suy dinh dưỡng có thể khiến hơi nóng trong người tăng lên nhanh chóng, vi khuẩn và virus làm cho cơ thể tiết ra những chất không có lợi cho việc tỏa nhiệt nên dễ bị say nắng. Những người bị suy dinh dưỡng thường tụt huyết áp, mạch máu bị co bóp mang tính phản xạ.

Trường hợp nhẹ, người bệnh có cảm giác khó thở, mỏi mệt như sắp ngất, mặt đỏ, da khô và nóng, các mạch máu ở cổ, thái dương đập mạnh, các động tác chậm chạp, thiếu chính xác, có thể sốt 38-39 độ C.

Ở trường hợp nặng, ngoài những triệu chứng trên, bệnh nhân bị nhức đầu nhiều, chuột rút, đau bụng, nôn mửa, có thể ngất, mê man, ngừng thở, tim đập nhanh... Có những trường hợp bệnh xuất hiện rất đột ngột, người bệnh đang làm việc ngất đi ngã tại chỗ, co giật, mê man... Đây là những trường hợp rất nặng, nếu không được cấp cứu nhanh chóng và có hiệu quả thì rất dễ tử vong.

Xử lý như thế nào khi gặp người say nắng?

>> Những hình ảnh, thông tin ấn tượng nhất về đợt nắng nóng lịch sử 2012
BS Nguyên Hoa, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) khuyến cáo, trẻ sốt cao có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ, do vậy cần xử trí nhanh như đem bé đến chỗ mát. Lau cho bé bằng nước mát hoặc nước lạnh và quạt cho bé. Cần lưu ý là uống hạ sốt như Ibuprofen hoặc acetaminophen cũng không làm trẻ hạ sốt.

Ngay lúc này không nên cho người bệnh uống nhiều nước và thuốc hạ nhiệt có thể gây thêm tổn thương cho gan.

Nếu bé hôn mê, nhúng bé vào nước lạnh có thể cứu sống bé. Nếu bé còn tỉnh, cho bé uống một ly nước lạnh, sau 15 phút lại cho uống đến khi bé cảm thấy đỡ hơn, sau đó, đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Đối với người lớn cần hạ thân nhiệt của người bệnh bằng cách đưa người bị say nắng vào chỗ có bóng mát, cởi bỏ bớt quần áo, cho uống nước lạnh có chút muối. Dùng khăn thấm nước sạch lạnh lau người đồng thời theo dõi thân nhiệt của người bệnh đến khi hạ xuống 38 độ C.

Trường hợp xử trí ban đầu không có kết quả và có biểu hiện nặng hơn cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị kịp thời.

Phòng say nắng bằng cách nào?

Để phòng tránh say nắng, những người phải làm việc nhiều trong môi trường có nhiệt độ cao như nông dân làm việc ngoài trời, công nhân hầm lò... cần phải được trang bị mũ, nón che kín đầu và gáy. Uống nhiều nước khi khát, nước nên pha thêm một chút muối.

Với trẻ em, cũng nên cho trẻ uống nhiều nước khi đi ra ngoài trời nắng nóng vì bé sẽ đổ mồ hôi nhiều và cơ thể bị mất nước. Nếu bé phải chơi thể thao ngoài trời thì lượng nước mất càng nhiều hơn. Vì vậy, hãy cho trẻ uống nước ngay cả khi bé chưa cảm thấy khát.

C
ần tránh đột ngột tiếp xúc với nắng nóng, khi làm việc, tiếp xúc trực tiếp với nắng nóng phải cần uống đầy đủ nước; có thể uống nước gạo rang có cho thêm tí muối, đường và gừng. Không nên quá gắng sức. Khi cảm thấy mệt mỏi, vào chỗ râm mát nghỉ ngơi.

M
ặc quần áo thoáng, mát, màu nhạt để dễ thấm mồ hôi và thoát nhiệt, và tránh hấp thụ nhiệt từ môi trường.
Khi làm việc dưới nắng không nên uống rượu, cà phê gây đi tiểu nhiều làm mất nước.

Trong nhân dân ta có nhiều bài thuốc kinh nghiệm chữa cảm nắng, say nắng tốt. Chúng ta có thể sử dụng một trong những bài thuốc đơn giản sau:

Bài 1: Lá hương nhu tươi 50g (khoảng 1 nắm), muối ăn 1g. Cách dùng: Rửa sạch hương nhu, cho muối vào, giã nát, cho vào 150ml nước đun sôi để nguội, nghiền kỹ, dùng vải thưa sạch lọc vắt lấy nước uống cả một lần. Trẻ em tùy tuổi mà uống ít đi.

Sau đó 2-3 giờ, nếu bệnh nhân còn mệt, còn khát nước, cho uống thêm một lần nữa.

Bài 2: Lá tre tươi 30g, lá hương nhu tươi 30g, gừng tươi 3 lát.

Cách dùng: Tất cả đem rửa sạch, cho vào ấm sắc với 300ml nước còn 200ml, cho bệnh nhân uống cả một lần. Trẻ em tùy tuổi mà giảm liều lượng.

Bài 3: Lá tre tươi 12g, hương nhu tươi 16g, rau má tươi 12g, củ sắn dây 12g.

Cách dùng: Tất cả rửa sạch, cho vào ấm, sắc với 300ml nước lấy một nửa. Người lớn uống cả một lần, ngày uống hai lần. Trẻ em tùy tuổi uống ít hơn.

Trên đây là những bài thuốc chữa cảm nắng, say nắng đơn giản, có tác dụng tốt đối với những trường hợp nhẹ. Trường hợp say nắng nặng, bệnh nhân phải được cấp cứu thật khẩn trương nhằm chống lại sự tăng nhiệt độ, mất nước và mất muối, chống lại trụy tim mạch và rối loạn thần kinh tại bệnh viện. Vì vậy, sau khi sơ cứu xong phải nhanh chóng chuyển ngay người bệnh đến một cơ sở điều trị gần nhất để theo dõi và cứu chữa kịp thời.

 Nguyễn Tâm (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn