Sau Mỹ, thêm hai nước đưa tàu chiến vào Biển Đông thách thức Trung Quốc

Thế giớiThứ Hai, 04/06/2018 10:26:00 +07:00

Tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á (Shangri-La) 2018 ngày 3/6 bộ trưởng Quốc phòng Pháp và Anh tuyên bố sẽ đưa tàu chiến vào Biển Đông để thách thức hành vi tăng cường hiện diện quân sự của Bắc Kinh.

Đại diện của hai thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra tuyên bố tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, tiếp bước kế hoạch mới nhất của Mỹ được cho là nhằm thúc đẩy tự do và an ninh hàng hải, chống lại hành vi quân sự hóa của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông. 

southchinasea

 Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự trên Biển Đông. (Ảnh: AP)

Theo đó một nhóm chuyên trách hàng hải Pháp cùng với các trực thăng và tàu Anh sẽ đến Singapore tuần tới rồi tiến vào những khu vực nhất định ở Biển Đông, người đứng đầu lực lượng vũ trang Pháp Florence Parly nói tại diễn đàn.

Bà Florence Parly không ngoại trừ khả năng các tàu chiến sẽ đi vào khu vực Biển Đông và có khả năng đụng độ với quân đội của Trung Quốc. 

“Đã có những lúc chúng tôi cân nhắc về việc rời khỏi vùng biển này, nhưng sau cùng chúng tôi quyết định phải hành động, vì lợi ích của tất cả các nước trong vùng biển quốc tế, đây thực sự là vùng biển quốc tế", bà Parly nói. 

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp cho rằng bằng cách tập trận thường xuyên với các đồng minh và các nước trong khu vực, Pháp đang đóng góp vào việc khôi phục một trình tự dựa trên luật pháp quốc tế. “Tôi tin rằng chúng tôi nên mở rộng nỗ lực này hơn nữa” – bà nói, cho biết châu Âu đang huy động mạnh mẽ để hỗ trợ lực lượng này bao gồm các nhà quan sát và chuyên gia từ Đức. 

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cũng nói trước hội nghị rằng 3 tàu chiến sẽ được cử đến khu vực Biển Đông trong năm nay để chống lại ảnh hưởng tiêu cực và khôi phục trật tự trong quá trình lâu dài. “Chúng tôi phải nói rõ rằng các quốc gia cần chơi theo luật, nếu không sẽ có hậu quả.” – Williamson nói.

Theo SCMP, Bắc Kinh trong những tháng gần đây mở rộng quân sự hóa trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 2/6 cảnh báo hành vi quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ đối mặt với những hậu quả lớn hơn nhiều. Lầu Năm Góc đang xem xét một cách tiếp cận cứng rắn hơn tại khu vực như tăng cường tuần tra, thêm tàu và giám sát các cơ sở vật chất Trung Quốc như thiết bị nhiễu điện tử và các radar quân sự cải tiến.

Các quan chức Mỹ cũng được cho là đang thúc đẩy đối tác và đồng minh quốc tế tăng cường triển khai hải quân trong những tuyến thương mại trọng điểm, trong khi Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Trả lời kế hoạch của Anh và Pháp, đại diện Bắc Kinh tuyên bố rằng Biển Đông mở cửa cho tất cả các hoạt động tự do hàng hải nhưng bất cứ hành vi nào tiến đến gần khu vực bán kính 12 hải lý trong lãnh hải của nước này sẽ được cho là khiêu khích.

Hôm 24/5 vừa qua Lầu Năm Góc tuyên bố hủy lời mời quân đội Trung Quốc tham dự sự kiện tập trận hải quân quốc tế RIMPAC tại Hawaii, nhằm phản đối hành vi quân sự hóa liên tục của Trung Quốc ở Biển Đông.

Video: Mỹ lên án Trung Quốc cất - hạ cánh máy bay tại Hoàng Sa

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn