Sắp đến lúc mọi gia đình đều có cơ hội sở hữu ô tô

Kinh tếThứ Ba, 05/09/2017 16:11:00 +07:00

Với việc Tập đoàn Vingroup khởi công Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST tại Hải Phòng, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định trong tương lai không xa mọi người Việt đều có khả năng mua được ô tô.

Hiện nay, các hãng xe đang kinh doanh tại Việt Nam vẫn đang tích cực giảm giá bán xe và tung ra thị trường nhiều mẫu xe giá rẻ để xóa bỏ định nghĩa “ô tô là mặt hàng xa xỉ”. 

Bên cạnh các hãng xe hơi nổi tiếng có nhà máy tại Việt Nam như Honda, Toyota, hãng ô tô Thaco với dòng xe Mazda và Kia cũng đang thúc đẩy thị trường ô tô trong nước bằng cách giảm giá định kỳ và chú trọng phát triển dòng xe giá rẻ. Nhiều chuyên gia khẳng định giá ô tô tại Việt Nam sẽ giảm mạnh và tương lai không xa, nhà nhà sẽ có ô tô.

Vinfast - cú hích giảm giá xe trong nước

Tập đoàn Vingroup vừa khởi công Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST tại khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng).

VINFAST chính thức khởi động lĩnh vực kinh doanh cốt lõi thứ 7 của tập đoàn, do Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VINFAST, thuộc Tập đoàn Vingroup là chủ đầu tư

Vinfast 10

Mục tiêu của Vingroup là từng bước đạt được tỷ lệ nội địa hóa 60%, làm chủ công nghệ và hướng tới xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực. 

Bà Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, khẳng định: "Chúng tôi muốn tạo ra một chiếc xe chất lượng và giá cả phải chăng cho người Việt Nam".

Tham vọng của tập đoàn Việt Nam tương tự như những nỗ lực của các công ty ở Trung Quốc và Malaysia, cũng đã cố gắng tạo ra các thương hiệu địa phương rẻ hơn để thu hút người tiêu dùng trong khu vực mà các thương hiệu nước ngoài, trong đó có Toyota và Volkswagen, đã thống trị trong nhiều năm.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Việt Quang cho biết, phát triển dòng xe của mình chứ không phân phối xe của hãng khác.

Mục tiêu của Vingroup là từng bước đạt được tỷ lệ nội địa hóa 60%, làm chủ công nghệ và hướng tới xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực. Để làm được như vậy, bên cạnh việc chủ động sản xuất từ nhà máy, VINFAST cũng sẽ hỗ trợ và hợp tác với các nhà sản xuất trong nước để cùng sản xuất và phát triển các linh kiện, phụ kiện.

Trước thông tin tập đoàn Vingroup đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp ô tô, người tiêu dùng trong nước kỳ vọng vào việc giá ô tô sẽ giảm sâu hơn trong thời gian tới. Khi đó, giấc mơ sở hữu một chiếc ô tô sẽ không còn là điều xa xỉ đối với nhiều người tiêu dùng Việt Nam.

cong-nghiep-viet-nam-duoi-kip-thai-lan-mo-hao 6

Nếu tỷ lệ nội địa hóa linh kiện sản xuất ô tô đạt 60%, chắc chắn giá bán ô tô sẽ được giảm đi rất nhiều.

Ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) cho biết, rất tin tưởng vào sự thành công của Vingroup khi tham gia vào thị trường sản xuất ô tô.

Vị chuyên gia này cũng tin tưởng giá ô tô sẽ giảm trong thời gian tới. "Khi thị trường đã có sự cạnh tranh, chắc chắn giá ô tô sẽ giảm", ông Long khẳng định.

"Nếu tỉ lệ nội địa hóa đạt 60%, các linh kiện để sản xuất ô tô chắc chắn sẽ hơn đi rất nhiều, không phải nhập khẩu từ nước khác, giá thành đắt, điều này sẽ tác động giá xe sẽ giảm.

Tuy nhiên để đạt được con số đó không phải là dễ. Nhưng với ý kiến cá nhân tôi tin Vingroup sẽ làm được", ông Long bày tỏ.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) cũng cho biết có nhiều yếu tố thuận lợi cho việc phát triển của Vingroup trong lĩnh vực sản xuất ô tô.

"Chiến lược kinh doanh của Vingroup rất bài bản, họ có nguồn tài chính mạnh, tiếp cận được nguồn vốn tốt. Không những vậy, Vingroup còn nhận được hỗ trợ mạnh từ địa phương và biết lựa chọn các sản phẩm phù hợp", ông Long nói thêm.

Trong khi đó, Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng việc Vingroup tham gia thị trường sản xuất ô tô sẽ tạo ra sự cạnh tranh về giá đối với các nhà sản xuất. Từ đó, việc này sẽ tạo tiền đề cho giá xe giảm.

“Đánh giá việc Vingroup gia nhập thị trường ô tô thì khó nói nhưng về cảm quan nhiều khả năng Vin sẽ thành công hơn mấy "ông cũ". Vì các lĩnh vực kinh doanh trước đó đều thành công, cho thấy lãnh đạo của Vingroup có tố chất", TS Phong nói.

"Tuy nhiên chặng đường còn dài chưa nói trước được. Tóm lại bây giờ để mà bình luận thì chưa có nhiều cơ sở”, TS Phong nói.

Trong khi đó, Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch của Vinaxuki cho biết, với nguồn tài chính vững mạnh, Vingroup có thể hoàn thành giấc mơ ô tô Việt Nam "Made in Việt Nam" vẫn còn dang dở. 

“Tôi tin họ sẽ thắng lợi thôi và nên ủng hộ Việt Nam làm những việc như thế” ông Huyên khẳng định.

Nhà nhà sắp có ô tô

Người tiêu dùng Việt Nam đang đứng trước 2 lợi thế về giảm giá xe. Một là Hiệp định Thương mại nội khối ASEAN (AFTA) đối với các dòng xe nhập khẩu và các chính sách từ các cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nội địa.

oto1 8

Người tiêu dùng Việt Nam đang đứng trước 2 lợi thế về giảm giá xe. Một là Hiệp định Thương mại nội khối ASEAN (AFTA) đối với các dòng xe nhập khẩu và các chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nội địa. 

Với Hiệp định Thương mại Nội khối ASEAN (AFTA), thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước Đông Nam Á sẽ giảm xuống 0%. Đồng nghĩa với việc giá ô tô nhập khẩu tại khối ASEAN sẽ đồng nhất, không còn chuyện giá nước này cao hơn nước khác.

Chính vì vậy, rất nhiều hãng xe đang kinh doanh tại Việt Nam quyết định nhập khẩu xe ô tô từ Thái Lan hay Indonesia thay vì lắp ráp trong nước trong nước.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, giá ô tô nhập khẩu sẽ giảm ít nhất 20% vào đâu năm 2018. 

Một tín hiệu vui khác là mới đây Bộ Tài chính kiến nghị bỏ và giảm thuế đối với linh kiện, cụm linh kiện nhập khẩu ô tô lắp ráp trong nước. 

Về chính sách bỏ và giảm thuế đối với linh kiện xe hơi, mục tiêu nhằm nâng cao năng lực các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, nó còn giúp sản phẩm sản xuất bởi doanh nghiệp (DN) Việt, tại thị trường Việt Nam có thế mạnh cạnh tranh trên sân nhà, giải quyết công ăn việc làm, phát triển đất nước.

Ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) cho biết, trong tương lai giá ô tô sẽ giảm nếu kiến nghị này của Bộ Tài chính được thông qua.

"Tôi đánh giá kiến nghị của Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu linh kiện xuống 0% là hợp lý. Phía Bộ Tài chính cũng gửi chúng tôi văn bản để đóng góp ý kiến vào kiến nghị này.

Tôi chỉ lưu ý, để kiến nghị thực sự giúp ích cho nền công nghiệp ô tô thì phải có sự đồng bộ giữa các cơ quan ban ngành như Hải Quan, Thuế, địa chính, địa phương và thực hiện lâu dài, tầm nhìn 10 - 15 năm. Không thể vừa kiến nghị xong rồi lại sửa đổi như vậy sẽ không đem lại hiệu quả", ông Long nói.

mua-o-to-2 11

Giá ô tô sẽ giảm nếu kiến nghị giảm thuế nhập khẩu linh kiện của Bộ Tài chính được thông qua. 

Trước đó, Bộ Công Thương cũng có đơn đệ trình lên Thủ tướng Chỉnh phủ về việc miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô sản xuất tại Việt Nam.

Theo lý giải của Bộ Công Thương, việc miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô “nội” là để tạo dựng thị trường tiêu thụ đủ lớn để khuyến khích sử dụng xe trong nước, trong đó nhấn mạnh đến sự phát triển minh bạch, lành mạnh thông qua các biện pháp chống gian lận thương mại, hàng rào kỹ thuật.

Ngoài ra, Bộ đưa ra giải pháp hỗ trợ rất mạnh đối với các doanh nghiệp lắp ráp xe hơi trong nước, trong đó có việc không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước của ô tô. 

Trong nội dung đề xuất, những mặt hàng linh kiện, phụ tùng sản xuất ô tô cũng được miễn trừ thuế để nội địa hoá nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước, khuyến khích các hãng ô tô đầu tư mạnh vào thị trường Việt Nam.

Ông Đào Phan Long cho biết nhiều khả năng dự thảo này sẽ được Chính phủ thông qua để đảm bảo cán cân giữa xe nhập khẩu và xe nội, cũng như bảo vệ doanh nghiệp nội giữa làn sóng xe nhập khẩu.

Theo một báo cáo khảo sát về thị trường ô tô của Công ty Tư vấn chiến lược Solidiance, thị trường ô tô Việt Nam đạt mức tăng trưởng rất ấn tượng: 38% tính từ năm 2012 - 2016. Đây là mức tăng trưởng cao nhất nếu so với các nước trong khu vực như: Malaysia, Thái Lan và Indonesia...

Cũng theo đánh giá của Solidiance, lượng ô tô được tiêu thụ nhiều nhất ở Việt Nam là ở Hà Nội và TP.HCM. Chỉ riêng 2 thành phố này đã chiếm khoảng 45% tổng lượng xe được đăng ký tại Việt Nam hàng năm.

Tính đến năm 2016, các loại xe du lịch đã đăng ký tại TP.HCM chiếm 211.000 xe và Hà Nội là 291.000 xe. Còn lại khoảng 600.000 xe được tiêu thụ rải rác tại các tỉnh thành khách.

Dù vậy, tỷ lệ sở hữu ô tô của Việt Nam chỉ ở mức 16 xe/1.000 dân. Con số này thấp hơn nhiều nếu so với tỉ lệ người dân sở hữu ô tô tại Malaysia (341 xe/1.000 dân), Thái Lan (196 xe/1.000 dân) và Indonesia (55 xe/1.000 dân)

Việt Vũ
Bình luận
vtcnews.vn