Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc: Đơn vị chủ lực có gì?

Thế giớiThứ Tư, 17/04/2013 03:42:00 +07:00

(VTC News) - Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc năm 2013 nêu rõ đơn vị pháo binh số 2 là là đơn vị nòng cốt của lực lượng răn đe hạt nhân nước này.

(VTC News) - Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc năm 2013 nêu rõ đơn vị pháo binh số 2 là là đơn vị nòng cốt của lực lượng răn đe hạt nhân nước này.

Trung Quốc vừa công bố sách Trắng về “Sự vận dụng đa dạng hóa các lực lượng vũ trang Trung Quốc”, trong đó giới thiệu chi tiết khái niệm an ninh mới cũng như việc vận dụng các lực lượng vũ trang trong thời bình của nước này. Đây là sách Trắng Quốc phòng thứ 8 của chính phủ Trung Quốc kể từ năm 1998.

Chủ nhiệm phòng nghiên cứu lịch sử quân giải phóng Trung Quốc thuộc Viện khoa học quân sự nước này cho biết, quân đội Trung quốc đạt 6 triệu quân sau năm 1949. Tuy nhiên sau 10 lần tinh giản, Trung Quốc có lượng quân lớn nhất thế giới là 2,3 triệu.

Theo sách Trắng quốc phòng  Trung Quốc năm 2013, lực lượng vũ trang của nước này bao gồm Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), lực lượng cảnh sát vũ trang nhân dân và các lực lượng dân quân.

Tên lửa đạn đạo Đông Phong của Trung Quốc 

Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc bao gồm lục quân, hải quân, không quân và Lực lượng pháo binh số 2 - đây là đơn vị nòng cốt của "lực lượng răn đe hạt nhân Trung Quốc".

Lục quân Trung Quốc có 18 quân đoàn với tổng cộng 850.000 quân. Các quân đoàn này được triển khai tại 7 quân khu (MAC) là: Bắc Kinh, Thẩm Dương, Lan Châu, Tế Nam, Nam Kinh, Quảng Châu và Thành Đô.

Hải quân Trung Quốc bao gồm Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Nam Hải, với tổng cộng 235.000 quân. Lực lượng không quân Trung Quốc có tổng cộng 398.000 binh sĩ.

Báo chí Trung Quốc nói đơn vị pháo binh số 2 là lực lượng sở hữu những tên lửa đạn đạo mạnh mẽ hàng đầu thế giới. 
Đơn vị này chủ yếu bao gồm các lực lượng tên lửa hạt nhân và tên lửa thông thường cũng như các đơn vị hỗ trợ.

Lực lượng này "phần lớn chịu trách nhiệm ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Trung Quốc từ các nước khác, cũng như thực hiện các cuộc phản công bằng vũ khí hạt nhân và các cuộc tấn công chính xác bằng tên lửa thông thường", Sách Trắng nêu rõ.

Đơn vị pháo binh số 2 hay còn gọi là lực lượng tên lửa đạn đạo chiến lược Trung Quốc được thành lập vào ngày 1/7/1966.

Đơn vị pháo binh số 2 hiện nay biên chế các lữ đoàn trang bị tên lửa tầm ngắn, tầm trung, tầm xa, tên lửa đạn đạo liên lục địa. 100% các loại tên lửa đạn đạo trong biên chế đơn vị pháo binh số 2 được cho là đều do Trung Quốc tự phát triển, sản xuất.

Các loại tên lửa đạn đạo do Trung Quốc sản xuất đều có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, độ chính xác ngày càng được cải thiện.

Đơn vị pháo binh số 2 của PLA được truyền thông Trung Quốc nói là đã đạt được những tiến bộ nhanh chóng trong suốt 19 năm qua. 
Hiện, lực lượng này có hơn 1.500 tên lửa đạn đạo tầm ngắn, trung, xa đủ kiểu loại (tên lửa đạn đạo tầm ngắn DF-11/15/16; tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21; tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-31, DF-5).

Trong thời khủng hoảng, nhiệm vụ quan trọng của đơn vị pháo binh số 2 là cung cấp khả năng răn đe quân sự bao gồm việc phô trương sức mạnh và phô diễn các cuộc tấn công chiến lược vào những mục tiêu đối phương.

Trong thời chiến, các đơn vị tên lửa thông thường đảm nhiệm nhiệm vụ hỗ trợ hỏa lực đối với các chiến dịch của quân đội Trung Quốc.


Tất cả kế hoạch chiến lược, xây dựng và tác chiến của đơn vị pháo binh số 2 đều nhắm mục tiêu răn đe hạt nhân, răn đe ngăn chặn tấn công hạt nhân và phản công hạt nhân.

Ngoài những tên lửa có trong trang bị hiện nay, trong tương lai gần đơn vị pháo binh số 2 tiếp tục được tăng cường tên lửa đạn đạo thế hệ mới như DF-25/26, DF-41. Những loại tên lửa này cải thiện đáng kể tầm bắn, độ chính xác.
Hạm đội Đông Hải Trung Quốc 

“Nước sông không phạm nước giếng”

Sách Trắng nêu rõ, “Vận dụng đa dạng hóa lực lượng vũ trang Trung Quốc” kiên trì nguyên tắc “nước sông không phạm nước giếng”, kiên trì áp dụng loạt biện pháp cần thiết để duy trì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Khi đó, một phóng viên đặt câu hỏi “Nói như vậy nghĩa là chính sách của Trung Quốc với bên ngoài sẽ cứng rắn hơn, quân đội Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp chủ quyền quốc gia?”.

Ông Ngô Hỉ Hoa, phó chủ nhiệm văn phóng khẩn cấp Tổng tham mưu quân đội Trung Quốc nói “Quân đội Trung Quốc cải thiện khả năng chiến đấu là để duy trì an ninh chủ quyền quốc gia Trung Quốc, là hoàn toàn chính đáng và hợp lý”.

Ông Ngô khẳng định “Trung Quốc kiên trì con đường phát triển hòa bình, luôn theo đuổi chính sách phòng thủ, quyết không xưng bá, tranh bá hay phô trương sức mạnh quân đôi”.

Phó chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu chính sách quốc phòng thuộc viện khoa học quân sự Trung Quốc, ông Ôn Băng nói, đơn vị pháo binh số 2 của nước này đang đẩy nhanh mô hình chuyển đổi thông tin hóa, tăng cường năng lực phản ứng nhanh, phòng ngừa nhanh, tấn công chính xác, phản công hạt nhân,.v.v.

Tên lửa Trường Kiếm CJ-10 của Trung Quốc 

Những năm gần đây, đơn vị pháo binh số 2 Trung Quốc có những cải thiện mới, nó được trang bị nhiều loại vũ khí tên lửa mới. Hiện đơn vị pháo binh số 2 được trang bị tên lửa đạn đạo Đông Phong và tên lửa hành trình Trường Kiếm.

“Đơn vị pháo binh số 2 là lực lượng chiến lược nòng cốt của Trung Quốc, nó sẽ không ngừng được cải thiện và phát huy vai trò quan trọng trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, duy trì hòa bình khu vực và thế giới”, ông Ôn nói.

Trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an) nhận định: “Việc công bố Sách trắng quốc phòng là điều bình thường của mỗi quốc gia. Điều không bình thường chính là hành động khẳng định chủ quyền của Trung Quốc nhưng lại xâm phạm chủ quyền của nước khác. Chẳng hạn như việc tàu Trung Quốc bắn tàu của ngư dân ta trước đây, hay hộ chiếu in đường lưỡi bò trước đây của Trung Quốc”.

Một điểm khác nữa: Sách Trắng đề cập tình hình Đài Loan và tranh chấp ở Senkaku/Điếu Ngư nhưng không nhắc đến tranh chấp ở biển Đông hay căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên. Về điều này, thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng đây có thể là một sách lược của Trung Quốc.

“Trung Quốc có tranh chấp biển đảo với Nhật Bản, với ASEAN mà đặc biệt là Việt Nam và Philippines. Tùy từng nơi, từng lúc, tùy từng điều kiện mà họ sẽ có chính sách tập trung vào mỗi vấn đề vào mỗi thời điểm nhất định. Ít khi Trung Quốc tung ra toàn lực trên mọi mặt trận”.

Cũng trong ngày hôm qua, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân khẳng định những thông tin gần đây nói rằng Trung Quốc đang triển khai lượng lớn quân đội ở khu vực biên giới Trung Quốc – Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên dâng cao chưa từng có là không có thật.

Ông Dương nói, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang rất phức tạp. Duy trì hòa bình ổn định trên bán đảo mang lại hạnh phúc cho người dân các nước, ngược lại, căng thẳng hay xung đột trên bán đảo là tai họa của các nước.

Ông Dương khẳng định chính sách và lập trường của Trung Quốc đối trong vấn đề Triều Tiên hết sức rõ ràng: Thứ nhất, kiên trì duy trì hòa bình, ổn định ở bán đảo Triều Tiên; thứ hai kiên trì thúc đẩy phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và thứ ba là giải quyết vấn đề thông qua đối thoại.

Đỗ Hường (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn