Rớt nước mắt, Bác luyện vác nặng để vào miền Nam

Sức khỏeThứ Hai, 19/05/2014 02:20:00 +07:00

(VTC News) - Bác luyện tập vác nặng để có thể vượt Trường Sơn vào thăm đồng bào miền Nam nhưng thật đáng tiếc khi chưa thực hiện ước nguyện, Bác đã đi xa.

(VTC News) - Bác vẫn thường xuyên luyện tập đi bộ, tập mang vác nặng để có thể vượt Trường Sơn vào thăm đồng bào miền Nam nhưng thật đáng tiếc khi chưa thực hiện được ước nguyện đó thì Người đã đi xa ...


Sinh thời, Bác Hồ là người có thói quen sinh hoạt, giữ gìn sức khỏe vô cùng điều độ mà giản dị.

Bác ăn nhiều cá, rau luộc

Nhà thơ Tố Hữu viết: “Được ở gần Bác Hồ, tôi thấy cuộc sống của Bác hằng ngày, về nhiều mặt, thật là hay. Bác thường ăn cá kho, rau luôc, quả chín, sữa tươi, rất ít thịt, không bao giờ để thừa thức ăn.

 
Bác thường uống nước chè, có khách mới uống tí rượu nhẹ. Trước kia, Bác có hút thuốc lá, ngày mấy điếu, nhưng khi bác sĩ khuyên thì Bác bỏ luôn.

Đi đâu xa, Bác đều mang theo thức ăn riêng, đơn sơ, không làm phiền địa phương, gây thêm tốn kém. Bác thường nói: Thức ăn là sản phẩm của người lao động, cực nhọc lắm mới làm ra, cho nên ăn phí phạm là không nên.

Nếu ta làm một cuộc thanh tra các khách sạn, cửa hàng ăn hay các bữa tiệc chiêu đãi, thì sẽ thấy lãng phí ghê gớm. Mà người ăn là ai? Đâu phải là người lao động? Và tiền của ở đâu vậy? Đều là của Nhà nước, của nhân dân đó thôi!

Về mặc, Bác thường dùng áo mỏng mùa hè, áo len mùa đông loại rẻ tiền. Tiếp khách thì đã có bộ ka ki bình thường.

Bác đi dép quanh năm, không thích đi giày da, chỉ đi giày vải mùa lạnh. Có lần anh em phục vụ định cất đôi dép đã mòn, nhưng Bác không chịu, đành "trả lại" Bác.

Nhà ở của Bác là cái nhà sàn gỗ "lộng gió", có vườn cây, ao cá. Một thú vui của Bác là chăm sóc cây và cho cá ăn mỗi chiều.

Bác làm việc rất có giờ giấc, không tùy tiện. Sáng nào Bác cũng tập thể dục, đi bộ thong thả, hít thở không khí trong lành.

Bác Hồ hiểu rõ vai trò của việc tập luyện TDTT đối với sức khoẻ con người. Chính vì thế Bác lấy việc tập luyện như một lẽ sống giản dị: “Tập TDTT để giữ gìn tăng cường sức khoẻ, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân được nhiều hơn nữa” nên trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Bác vẫn duy trì một nếp tập luyện đều đặn thường xuyên.

Trong những năm đầu của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tình thế cách mạng hiểm nghèo, giặc đói, giặc dốt hoành hành, thù trong giặc ngoài đe doạ, dù bận trăm công nghìn việc, không mấy đêm Bác được ngon giấc ngủ, nhưng sáng sáng Bác vẫn không bỏ việc tập luyện.

Khi giặc Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vô cùng ác liệt, Bác lại càng coi trọng việc tập luyện TDTT để phục vụ công cuộc chống ngoại xâm.

Những tấm hình do các nhà nhiếp ảnh, quay phim ghi được về Bác Hồ tập võ dân tộc, Bác hướng dẫn, dạy cách đánh cận chiến của võ tay không chống trả đối phương có kiếm, thương, thậm chí có súng ở bên bờ sông Phó Đáy (Tuyên Quang) những năm kháng chiến.

Cảnh Bác Hồ chơi bóng chuyền trong rừng Khâu Lấu, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang lúc Bác 57 tuổi, thật sự cảm động. Hình ảnh Bác Hồ đi ngựa trên đường công tác, tập bơi suối giữa cái rét giá thấu xương ở rừng Việt Bắc. Ngoài ra, Bác còn ưa thích tập môn đi bộ và leo núi.

Cuộc sống hàng ngày của Bác về vật chất là thế.

Vấn đề sức khỏe, theo tôi hiểu là khỏe cả về vật chất lẫn tinh thần. Như phương ngôn đã nói: "Một tinh thần lành mạnh trong một cơ thể lành mạnh. Ngược lại tinh thần có lành mạnh thì cơ thể mới lành mạnh.

Đúng vậy, không nên tách sức khỏe vật chất và sức khỏe tinh thần. Về "sức khỏe tinh thần", có thể nói Bác là một gương mẫu tuyệt vời - Bác là hiện thân của tinh thần lạc quan, yêu nước, của niềm tin sắt đá ở lý tưởng Cách mạng, của nghị lực vô biên trước mọi khó khăn thử thách.

 "Dĩ bất biến, ứng vạn biến", phương châm ấy là của một tinh thần thép. Chính tinh thần ấy làm cho Bác vượt qua những bệnh hiểm nghèo, giữ vững được sức khỏe tốt cho đến cuối đời.

Một bên mắt bác nguy kịch

Năm 1965, quân đội Mỹ đổ bộ ồ ạt vào miền Nam nước ta. Không quân Mỹ đánh phá ác liệt cả ngày lẫn đêm ở nhiều vùng đông dân trên miền Bắc.

 
Vào thời gian này, Bác Hồ bị một cơn bệnh hiểm nghèo: một bên mắt đã ở trong tình trạng rất nguy hiểm, có nguy cơ sẽ lây sang cả mắt bên kia.

Nếu không chữa được bệnh có thể dẫn đến điều đáng lo hơn nữa! Biết được bệnh tình của mình, Bác không hề gợn một chút băn khoăn, lo lắng mà vừa chữa bệnh, vừa tự luyện mắt và tập vận động toàn thân.

Hằng ngày, Bác dành thời giờ vào tảng sáng để nhìn mặt trời vừa mới mọc. Bác thu vào mắt mình những giọt nắng ban mai, hít thở không khí, vận động cơ thể theo những bài tập luyện đều đặn, chuyên cần.

Qua một thời gian vừa kết hợp nhỏ thuốc, vừa luyện tập, đôi mắt Bác đã trở lại gần như bình thường. Và với đôi mắt hiền từ vẫn sáng như sao ấy, Bác viết lời kêu gọi lịch sử “Không có gì quý hơn độc lập tự do” vào trung tuần tháng 7/1966.

Bác hoàn thành Bản di chúc thiêng liêng- trong Di chúc, Người viết “…Tôi vừa 79 tuổi, đã là lớp người “ xưa nay hiếm”, nhưng tinh thần, đầu óc vẫn sáng suốt”…

Bác Hồ bỏ hút thuốc lá

Thuốc lá đã đồng hành cùng Bác như người bạn từ thời còn là anh Văn Ba bôn ba các nước. Thời trẻ Bác sống nhiều năm ở Pháp -  một nước xứ lạnh có đa số người dân (cả nam và nữ) hút thuốc lá nên Bác đã nghiện thuốc lá!

Còn rượu thì Bác không nghiện nhưng thỉnh thoảng cũng uống tý chút theo kiểu “Đàm tâm tửu tịnh”. Cũng vào dịp năm 1965, lúc này tuổi Bác đã cao, sức khoẻ giảm sút, tim mắt đều có vấn đề nên các thầy thuốc đề đạt với Bác không nên dùng thuốc lá và rượu. Bác nói với các thày thuốc: Mình sẽ y lệnh!

Thực tình bỏ nốt hai thứ thích thú này thì chẳng còn thú riêng gì của Bác nữa. Ba năm sau - 1968, Bác làm bài thơ “Vô đề” bằng chữ Hán (qua bản dịch của nhà thơ Khương Hữu Dụng):

Việc kiêng rượu, bỏ thuốc lá Bác không chỉ coi đó như một kỷ luật bắt buộc mà còn thể hiện quyết tâm của Bác giữ gìn sức khoẻ để có thể vào thăm và động viên đồng bào chiến sĩ miền Nam đang chiến đấu anh dũng.

Vì vậy khi bước vào tuổi “xưa nay hiếm” Bác vẫn rất khoẻ mạnh, da dẻ hồng hào. Năm 1967, Bác đề xuất với Bộ chính trị tạo điều kiện để Bác vào tiền tuyến lớn thăm đồng bào miền Nam và tự Bác vẫn thường xuyên luyện tập đi bộ, tập mang vác nặng để có thể vượt Trường Sơn.

Bác đã bỏ rất nhiều tâm sức cho việc rèn luyện hành quân. Đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác, kể: “Hồi đó mỗi ngày Bác tập hành quân từ 5 đến 10 km, có hôm tăng lên tới 20 km đường rừng, băng đèo, vượt sông. Bác cũng đeo ba lô nặng 25 kg...”.

Nhưng thật đáng tiếc khi chưa thực hiện được ước nguyện đó thì Người đã đi xa ... !

» Hình ảnh lạ ở lớp học thôi miên
» Tập thể thao: Không chỉ khỏe và còn đẹp!
» Nếu luyện tập, con người có thể nhịn thở 22 phút

Nam Anh (tổng hợp)


Bình luận
vtcnews.vn