Quy định mới về xếp loại với cán bộ bị kỷ luật từ 15/9

Tin nóngThứ Sáu, 01/09/2023 11:15:00 +07:00
(VTC News) -

Có hiệu lực từ 15/9, Nghị định số 48/2023 của Chính phủ nêu rõ, cán bộ bị kỷ luật đảng hoặc hành chính trong năm đánh giá thì xếp loại mức không hoàn thành nhiệm vụ.

Nghị định số 48/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020 về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức có nhiều điểm mới.

Theo quy định vừa được sửa đổi, cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật đảng hoặc kỷ luật hành chính trong năm đánh giá sẽ bị xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.

Người dân nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Kon Tum. (Ảnh: Cổng thông tin Chính phủ).

Người dân nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Kon Tum. (Ảnh: Cổng thông tin Chính phủ).

Trường hợp vi phạm chưa có quyết định kỷ luật của cấp có thẩm quyền nhưng đã được dùng làm căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ, quyết định kỷ luật ban hành sau năm đánh giá đối với hành vi vi phạm đó (nếu có) không được tính để đánh giá, xếp loại chất lượng ở năm có quyết định kỷ luật.

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên, đã bị xử lý kỷ luật đảng và kỷ luật hành chính về cùng một vi phạm nhưng quyết định kỷ luật không có hiệu lực trong cùng năm đánh giá, theo quy định mới, chỉ tính là căn cứ xếp loại chất lượng ở năm đánh giá.

Nghị định của Chính phủ quy định, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức tại cùng cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối với từng nhóm đối tượng có nhiệm vụ tương đồng không quá tỷ lệ đảng viên được xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" theo quy định của Đảng. 

Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có thành tích xuất sắc, nổi trội, hoàn thành vượt kế hoạch các công việc được giao, hoàn thành tốt các công việc đột xuất, có đề xuất hoặc tổ chức thực hiện đổi mới, sáng tạo tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực thì cấp có thẩm quyền quyết định tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phù hợp với thực tế.

Ngoài 5 tiêu chí chung về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức (chính trị tư tưởng; đạo đức, lối sống; tác phong, lề lối làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao), Nghị định số 48/2023 còn quy định tiêu chí cụ thể xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, có 4 tiêu chí xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức gồm: tiêu chí xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; tiêu chí xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ; tiêu chí xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức ở mức hoàn thành nhiệm vụ; tiêu chí xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.

Một nguyên tắc nữa theo Nghị định số 48/2023 là việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo từng năm công tác. Đối với cán bộ, công chức, viên chức chuyển công tác thì cơ quan, tổ chức, đơn vị mới có trách nhiệm đánh giá, xếp loại chất lượng. 

Trường hợp có thời gian công tác ở cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ từ 6 tháng trở lên thì phải kết hợp với ý kiến nhận xét của cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ, trừ trường hợp không còn cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ.

Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu thời điểm đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức được tiến hành trước ngày 15/12 hàng năm, trước khi thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên và tổng kết công tác bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và một số lĩnh vực khác có thời điểm kết thúc năm công tác trước tháng 12 hàng năm thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định thời điểm đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức.

Anh Văn
Bình luận
vtcnews.vn