Quặn lòng phận liễu chết thảm nơi đất khách (kỳ 1)

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 29/04/2012 05:48:00 +07:00

(VTC News) - Những người đồng hương đã góp tiền thiêu Th. rồi cử người mang tro và đứa bé về quê cho ông bà nuôi dưỡng.

(VTC News) - Chán cảnh biển mặn, đồng chua, muốn đổi đời nhanh chóng nên từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, hàng loạt phụ nữ nông thôn ở vùng ven biển huyện Thái Thụy (Thái Bình) đã kéo nhau sang Trung Quốc lấy chồng.




Thế nhưng, đổi đời thế nào chẳng mấy ai biết, chỉ biết rằng, họ đã mất tăm mất tích từ hàng chục năm nay. Những người có điều kiện về thăm quê rất ít, một số trốn về được thì kể lại cuộc đời như tấn thảm kịch đầy tủi nhục và nước mắt.

Thậm chí, nhiều chị em đã bỏ mạng ở xứ người trong khi những người thân trong gia đình không được tiễn biệt, chẳng đưa được xác về. Đằng sau giấc mộng hão huyền là nỗi đau của cả người ra đi và người ở lại.

Lớp học nấu ăn để lấy chồng ngoại. 

Khi đi xinh đẹp, khi về… bình tro

Thắp nén hương cho người em gái xấu số, chị L. khóc nấc lên từng tiếng: “Nó là đứa ngoan ngoãn, xinh đẹp nhất nhà vậy mà chẳng hiểu vì sao ông trời nỡ bắt nó đa đoan đến thế, ra đi thì trẻ trung xinh đẹp, trở về chỉ còn là bình tro”.

Chị L. khóc lóc xót thương cho người em xấu số, chết thảm ở quê người. 

Vũ Thị Th., quê ở Thái Đô (Thái Thụy) có một cuộc đời cay đắng khủng khiếp khi phải lưu lạc nơi đất khách quê người để làm thân phận trâu ngựa.

12 năm trước, cô mới 19 tuổi, đó là những thời khắc đẹp đẽ nhất trong cuộc đời của người thiếu nữ. Ngôi làng nhỏ nghèo khó, mặn chát gió biển, nắng gió oi nồng mà lạ kỳ người con gái ấy tóc vẫn đen óng ả, mượt mà dưới bờ vai tròn trịa. Cô khiến bao trái tim trai làng mê đắm.

Thật rủi cho Th., cô lại sinh ra và rực rỡ vào đúng cái lúc mà bọn buôn người đang lùng sục khắp các làng quê ngõ xóm. Và tất nhiên cô không thể thoát khỏi cạm bẫy của chúng khi mà cô có giá nhiều vạn tệ nếu được đưa sang Trung Quốc.

Thắm bị một người cùng làng bán sang Trung Quốc với chiêu bài dụ dỗ “đi buôn ở biên giới”. Từ khi bị bán sang Trung Quốc, Th. bặt tin luôn. Một ngày, một người phụ nữ lạ mặt ôm một bình tro và một đứa trẻ 3 tuổi về cho bố mẹ Th. và bảo rằng Th. đã chết và được người ta thiêu thành tro, còn đứa bé đó chính là con đẻ của Th.

Cháu B. và bà ngoại. 

Vợ chồng ông H. thương con mà khóc khô cả hai mắt. Lúc người phụ nữ lạ ôm bình tro về, gia đình mới biết Th. bị người ta bán cho một tên giàu có song vũ phu. Mỗi khi say rượu hắn lại thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với Th.

Một lần uống rượu say, hắn bắt Th. phục vụ, Th. từ chối, thế là hắn cầm gậy phang thẳng vào lưng vợ. Th. bị rạn xương sống rồi nằm liệt luôn. Nằm viện được hai tuần thì chết vì sốc thuốc.

Hắn bỏ mặc xác Th. và đứa con đẻ của mình ở bệnh viện cho những người bạn Việt Nam chăm sóc. Những người đồng hương đã góp tiền thiêu Th. rồi cử người mang tro và đứa bé về quê cho ông bà nuôi dưỡng.

Cháu Vũ Thanh B. năm nay đã 7 tuổi, lớn lên trong vòng tay yêu thương của gia đình. Ngày đó còn bé quá, cháu chưa lưu lại được gì về một ký ức kinh hoàng xảy ra nơi đất khách với người mẹ.

Mất xác xứ người

Dù phải thành tro xứ người, song dù sao Th. còn được an nghỉ nơi quê nhà, được khói hương vào những ngày giỗ, chứ như chị Nguyễn Thị H., cũng ở Thái Đô thì chết còn thảm khốc hơn nhiều. Đã gần một năm nay rồi, gia đình mong ngóng từng ngày mà vẫn chưa mang được xác H. về.

Qua lời kể của những người phụ nữ trốn về, ông bà T. mới biết số phận con mình cay nghiệt đến tận cùng.

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó nên học hết lớp 9, H. đã phải nghỉ học để giúp cha mẹ làm muối. 17 tuổi đã phải đi lấy chồng rồi sinh con.

Thế nhưng, qua một cuộc cãi cọ với chồng, tính trẻ con trỗi dậy, H. ngúng nguẩy bỏ chồng, bỏ con đi theo mấy người bạn ra Quảng Ninh làm ăn.

Mong ước lớn nhất của bà T. là đưa được xác con gái về quê. 

Thực ra, H. bỏ đi cũng là vì muốn có được lưng vốn để mở hiệu may ở quê nhà, những mong thoát khỏi kiếp bán mặt cho biển, bán lưng cho trời và hơn nữa là để người chồng phải tròn mắt nể phục.

Thế nhưng, cũng như hàng trăm phụ nữ khác nơi quê nhà, H. đã bị bọn ma cô lừa sang Trung Quốc bán cho một gia đình dâm loạn.

Gia đình họ nghèo khó, không thể lấy vợ cho từng người, họ đã góp tiền mua H. về để “sử dụng” cô như một “nô lệ tình dục”, là của chung cho cả nhà.

Mỗi ngày, chị phải “phục vụ” vài lần cho cả bố và các anh, em trai của “chồng”. Cũng chính vì cái trò “dùng chung” này mà gia đình họ nảy sinh mâu thuẫn. “Chồng” H. đã chém chết bố và một đứa em.

Cho rằng nguồn cơn bất hạnh cho gia đình họ chính là từ H., nên họ bán cô cho ổ mại dâm.

H. cũng tính tự tử cho chết quách, nhưng chị em đồng hương động viên, khuyên can nên cô cố sống để tìm cơ hội trốn về quê, vì dù sao ở đó còn có người chồng, cha mẹ và đứa con đang mong ngóng từng ngày.

Sau khi đã chuẩn bị kỹ càng, H. cắt rừng không kể ngày đêm chạy về phía biên giới. Thế nhưng, vừa định xuống thuyền chèo sang phía bên kia Tổ quốc thì bọn ma cô đã đuổi đến nơi.

Theo những người đồng hương chứng kiến kể lại thì H. đã bị chúng bóp cổ, đánh đập cho đến chết rồi vứt xác xuống sông. Xác H. nổi trôi lềnh phềnh mấy ngày người ta mới vớt được lên.

Công an Trung Quốc đã điều tra lá thư trên người mới xác định được quê quán của H. và thông báo cho phía Việt Nam biết.

Di ảnh chị H. 

Thế nhưng, đã mấy năm nay, vợ chồng ông T. mỏi mắt ngóng trông, khóc cạn nước mắt mà vẫn chưa thấy tin tức gì thêm về đứa con gái xấu số.

Ông T. nghẹn ngào: “Tôi đã viết đơn gửi đi khắp nơi mà chẳng đâu biết tin tức gì về con gái cả. Tôi chỉ mong biết được xác con ở đâu, tôi sẽ bán cả nhà để sang đó đưa cháu về. Một mình cháu ở xứ người lạnh lẽo lắm”.

Bà T. ôm đứa cháu ngoại trong lòng: “Ới con ơi! Sao con lại khổ đến vậy! Con sống khôn chết thiêng thì nói với mẹ một câu để mẹ biết mẹ đưa con về”.

Cháu M., con của chị H., cũng sà vào lòng bà mà khóc. Năm nay đã 10 tuổi nhưng cháu không có ký ức gì về người mẹ, bởi vì mẹ cháu bỏ đi từ khi cháu mới lọt lòng. Cháu chỉ còn biết đến mẹ qua tấm hình trên bàn thờ và mấy tấm hình chụp bên Trung Quốc khi bạn của mẹ cháu gửi về. Cháu còn bố nhưng cũng như không, bởi bố cháu đã bỏ cháu cho ông bà ngoại nuôi để đi lấy vợ khác.

Cầm nén nhang khấn vái linh hồn chị H. mà lòng cuồn cuộn nỗi đau khi hình dung ra cảnh hàng trăm phận liễu bị chà đạp như trâu, như ngựa ở xứ người.

Không biết trong số chừng 300 đến 400 chị em ở vài xã ven biển Thái Thụy còn lưu lạc ở xứ người, có bao người phải chịu những cảnh đau lòng như chị chị Th., chị H.? Và có biết bao nhiêu người thân ở quê hàng ngày, hàng đêm mong ngóng đến vô vọng tin tức của những đứa con gái yếu đuối phải tha hương, vật vờ nơi đất khách?

Còn tiếp…


Diễm Bình

Bình luận
vtcnews.vn