Phụ nữ vẫn bị đối xử tệ dù là lao động chính trong dịch COVID-19

Chuyện bốn phươngThứ Hai, 27/04/2020 09:57:29 +07:00

Dịch COVID-19 biến phụ nữ thành lao động chính, nhưng họ không được đối xử và nhận mức lương tương xứng, nhất là các nhân viên chăm sóc sức khỏe.

Zing trích dịch bài đăng của New York Times, đề cập đến việc phụ nữ trở thành lực lượng lao động chủ yếu trong mùa dịch nhưng không nhận được mức thù lao và sự tôn trọng tương xứng, đặc biệt là ngành chăm sóc sức khỏe y tế.

Hàng ngày, Constance Warren đứng sau quầy bán đồ đông lạnh tại một cửa hàng tạp hóa ở New Orleans (Mỹ).

Những khách hàng ghé mua thực phẩm thường than phiền với cô về việc phải cách ly xã hội. Sau khi nhận được gói gà tây hun khói từ Warren, họ cảm ơn cô và rời đi nhanh chóng.

Warren cảm thấy may mắn khi vẫn giữ được việc làm, thậm chí là nghề nghiệp thiết yếu trong thời điểm này. Tuy nhiên, cô tự hỏi rằng liệu mọi người có nhớ đến vai trò của những nhân viên như cô sau khi dịch Covid-19 chấm dứt hay không.

“Đừng quên rằng hôm nay chúng tôi làm việc vì cả cộng đồng. Các bạn sẽ không biết lần tiếp theo cần chúng tôi là khi nào đâu”, cô nói.

Phụ nữ vẫn bị đối xử tệ dù là lao động chính trong dịch COVID-19 - 1

Cô Constance Warren, một nhân viên cửa hàng tạp hóa, vẫn đi làm dù khu vực cô sống có hơn 250 người nhiễm bệnh. (Ảnh: New York Times)

 

Phụ nữ là lực lượng lao động chính trong mùa dịch

Có thể nói, phần lớn chiến binh ở tuyến đầu chống dịch hiện nay là những người phụ nữ. Trong thời bình, đàn ông là lực lượng lao động chủ yếu. Tuy nhiên, đại dịch khiến cho cục diện thay đổi hoàn toàn.

Vào tháng 3, Bộ An ninh Nội địa Mỹ ban hành bản ghi nhớ “Những ngành nghề cơ bản và thiết yếu trong phòng chống dịch Covid-19”. Danh sách này liệt kê những công việc cần được tiếp tục tiến hành dù toàn quốc phong tỏa và chỉ 28% trong số đó do nam giới thực hiện.

Theo phân tích của New York Times dựa trên dữ liệu dân số của chính phủ liên bang Mỹ, cứ 1 trong 3 công việc do phụ nữ nắm giữ là một ngành nghề quan trọng.

Phụ nữ vẫn bị đối xử tệ dù là lao động chính trong dịch COVID-19 - 2

Phụ nữ nắm giữ hầu hết công việc thiết yếu mùa dịch, đặc biệt trong ngành y tế. (Ảnh: CNBC)

 

Có 19 triệu nhân viên y tế trên toàn nước Mỹ, gấp 3 lần tổng số nhân công ngành nông nghiệp, pháp luật và giao hàng. Phần lớn trong số đó là phụ nữ, cũng như đa số các nhà trị liệu hô hấp, dược sĩ và kỹ thuật viên. Hơn ⅔ nhân viên thanh toán tại cửa hàng tạp hóa và quầy đồ ăn nhanh cũng là phụ nữ.

Thậm chí, những phụ nữ da màu còn làm việc tại những lĩnh vực quan trọng hơn cả. Những công việc của họ thường bị đánh giá thấp và trả lương không xứng đáng, trong khi đó lại là ngành nghề cần thiết để giữ cho đất nước vận hành bình thường dù có hay không có đại dịch.

Nghề quan trọng nhất nhưng mức lương không tương xứng

Mignon Duffy, giáo sư chuyên nghiên cứu về phụ nữ và người lao động tại Đại học Massachusetts Lowell, cho biết: “Lực lượng chăm sóc sức khỏe là một phần của cơ sở hạ tầng toàn xã hội chúng ta. Ngành nghề này như chất keo gắn kết mọi thứ lại với nhau”.

Tuy nhiên, làm việc trong lĩnh vực thiết yếu không đồng nghĩa với việc được bù đắp xứng đáng. Trong số 5,8 triệu nhân viên chăm sóc sức khỏe có mức lương thấp hơn 30.000 USD/năm, 50% là phụ nữ da màu và 83% là người mang giới tính nữ.

Phụ nữ vẫn bị đối xử tệ dù là lao động chính trong dịch COVID-19 - 3

Phụ nữ, đặc biệt là người da màu, nhận mức lương thấp hơn tối thiểu dù làm việc trong ngành thiết yếu nhất. (Ảnh: Interviewcast)

 

Dù tiền công chưa bằng mức lương tối thiểu, những nữ lao động vẫn dành nhiều thời gian để tắm rửa, bón ăn, chăm sóc cho những người yếu thế và mang bệnh.

Pam Ramsey (56 tuổi), một điều dưỡng viên tại nhà ở vùng nông thôn Pennsylvania, thậm chí còn không có bảo hiểm y tế.

Ban đầu Ramsey không lựa chọn theo đuổi ngành y. Năm 20 tuổi, bà nhận bằng tốt nghiệp từ một trường đào tạo về cơ khí tự động và cũng là 1 trong 3 phụ nữ duy nhất của lớp. Tuy nhiên, nghĩa vụ chăm sóc người cha bị tai nạn trong mỏ than đặt nặng trên đôi vai của Ramsey.

Từ khi ấy, bà không chỉ chăm nom cho bố mà còn nhiều người khác. Có người trả tiền, có người không trả tiền cho bà.

Hiện nay, vấn đề thiếu hụt khẩu trang và thiết bị bảo hộ cần thiết để chống dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề tới các y bác sĩ. Đặc biệt, ở những vùng hẻo lánh nơi Ramsey sinh sống, các vật dụng đó càng không tồn tại.

Bà cố gắng trang bị cho mình những thứ có thể tìm được ở cửa hàng đồng giá để tiếp tục làm việc. Thay vì chất tẩy rửa, bà luôn đem theo cồn và oxy già theo mình mỗi khi đi làm.

Mặc dù là một nhân viên chăm sóc y tế lâu năm, Ramsey không có bất kỳ giấy tờ nào để chứng minh. Gần đây, bà bị chặn lại bởi một cảnh sát khi tới hiệu thuốc.

Phụ nữ vẫn bị đối xử tệ dù là lao động chính trong dịch COVID-19 - 4

Nhiều y tá Mỹ xuống đường biểu tình vì không có đủ khẩu trnag và đồ bảo hộ để làm việc. (Ảnh: Vox)

 

Chỉ vì tôi không có giấy phép hành nghề, không có giấy chứng nhận nên mọi người không nhìn nhận tôi là một điều dưỡng viên lành nghề, mặc dù kỹ năng của tôi chẳng thua ai”, bà nói.

Bên cạnh đó, những người mẹ đơn thân làm việc tại ngành nghề thiết yếu trong thời gian cách ly xã hội cũng gặp nhiều bất trắc. Do trường học đóng cửa, mọi học sinh, sinh viên đều học trực tuyến tại nhà. Nhiều trẻ em cần có người lớn ở nhà cùng.

Keshia Williams (44 tuổi), một trợ lý điều dưỡng ở viện dưỡng lão bang Pennsylvania, chia sẻ rằng các nữ nhân viên phải thay phiên trông con cái hộ nhau giữa các ca. Lịch làm việc của họ cũng ngày càng dày lên sau khi một số nhân viên bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và phải nghỉ việc.

Vấn đề thiếu hụt khẩu trang và thiết bị bảo hộ cũng trở nên nghiêm trọng ở đây. Williams chỉ được dùng một chiếc khẩu trang N95 trong 7 ngày để bảo toàn số lượng ít ỏi trong kho. Đây là quy định gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự an toàn của cô, nhất là khi cô phải trực tiếp kiểm tra sức khỏe của từng người già mỗi buổi sáng.

Phụ nữ vẫn bị đối xử tệ dù là lao động chính trong dịch COVID-19 - 5

Sự thiếu hụt khẩu trang và đồ bảo hộ y tế gây khó dễ cho những nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch. (Ảnh: Bright Spot)

 

Andrea Lindley (34 tuổi), y tá phòng cấp cứu tại một bệnh viện ở bang Philadelphia, khẳng định sẽ không quay lưng với đồng nghiệp và bệnh nhân dù cô đang đánh liều mạng sống để chăm sóc cho những người nhiễm virus.

Nghề chăm sóc sức khỏe khó hơn nhiều người tưởng tượng. Thống kê cho thấy tỷ lệ các nhân viên y tế gặp thương tật, thậm chí là tử vong, cao hơn so với công nhân xây dựng hoặc nhà máy. Mẹ của Lindley, cũng là một y tá, cho biết: “Chúng tôi làm việc vất vả nhưng tiền công chẳng xứng bao nhiêu”.

Crystal Patterson (30 tuổi), một điều dưỡng viên tại nhà, vẫn lựa chọn tiếp tục công việc của mình bên cạnh việc chăm sóc gia đình. Cô còn một khách hàng đã ngoài 90 tuổi cần được chăm nom.

Cô tự nhủ với bản thân, giống như những người phụ nữ khác đang nắm giữ công việc thiết yếu trong xã hội: “Nếu không làm thì ai sẽ làm?

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn