Phụ huynh dính chiêu lừa 'con đang cấp cứu': Chuyên gia tâm lý lý giải thế nào?

Tin tức - Sự kiệnThứ Năm, 09/03/2023 09:49:29 +07:00
(VTC News) -

Chuyên gia tâm lý lý giải tình huống vì sao nhiều phụ huynh dính chiêu lừa "con đang cấp cứu" rồi chuyển cho kẻ gian hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.

Liên tiếp những ngày qua, TP.HCM ghi nhận nhiều trường hợp người dân bị các đối tượng xấu lừa tiền với kịch bản gọi điện thoại thông báo "con đang cấp cứu", cần chuyển tiền ngay để được phẫu thuật. Nhiều phụ huynh đã “dính bẫy” kẻ lừa đảo, chuyển số tiền hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng.

Trả lời VTC News, thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân (người sáng lập Trung tâm Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục An Nhiên TP.HCM) cho biết, bản năng bảo vệ, chăm sóc của cha mẹ luôn thường trực hướng đến việc có thể bảo vệ tốt nhất cho con, đặc biệt là khi con không ở cạnh.

Điều này góp phần rất lớn khiến tâm lý phụ huynh bất an, lo lắng, thậm chí tự suy diễn quá mức khi chưa thu nhận đủ thông tin hoặc người báo tin trình bày không rõ ràng, sử dụng ngôn ngữ tiêu cực, kích động cảm xúc.

Phụ huynh dính chiêu lừa 'con đang cấp cứu': Chuyên gia tâm lý lý giải thế nào? - 1

Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân (người sáng lập Trung tâm Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục An Nhiên TP.HCM). (Ảnh: NVCC)

Theo Ths Huân, việc nhận được tin con đi cấp cứu, chấn thương sọ não là một yếu tố tạo nên cao trào hình thành cảm xúc hoảng loạn, sợ hãi trong thời gian ngắn.

Dù nhà trường, cơ quan chức năng đã đưa ra những cảnh báo nhưng vẫn có phụ huynh tiếp tục sập bẫy. Ths Huân cho rằng điều này thể hiện tâm lý tiếp nhận thông tin cũng như xử lý thông tin của phụ huynh còn nhiều hạn chế.

''Phụ huynh hãy bình tĩnh và tìm cách liên lạc với người trực tiếp dạy học, chăm sóc hay ở gần khoảng cách với trẻ để đối chiếu thông tin.

Hãy để ý các dấu hiệu đáng ngờ của thông tin như cách xưng hô quá cách biệt thường ngày, thời gian báo tin vào giờ nghỉ trưa, giữa đêm hay giờ tan tầm. Việc thuộc nằm lòng như trường học của con, lớp học của con, giáo viên chủ nhiệm, thầy cô, hiệu trưởng nhưng lại không thể cung cấp thông tin họ tên rõ ràng, nơi làm việc cụ thể mặc dù tự xưng là công an cũng là một yếu tố quan trọng để phụ huynh cảnh giác”, Ths Huân nhấn mạnh.

Câu hỏi đặt ra là, làm sao những kẻ lừa đảo lại có được thông tin cá nhân của phụ huynh và học sinh.

Trả lời VTC News, ông Trần Duy Hưng (chuyên gia công nghệ cao, nguyên Trưởng Ban Công nghệ thông tin - Quân khu 7), cho biết, khi có được dữ liệu khách hàng, tội phạm công nghệ cao trong vụ việc trên trước tiên sẽ nghiên cứu kỹ tập khách hàng cần nhắm tới, mở rộng tìm hiểu nhân thân về nghề nghiệp, tài sản và tâm lý khách hàng. Tiếp theo, tội phạm này cần nắm lịch học của học sinh để chọn thời điểm giăng bẫy tốt nhất có thể.

Ông Hưng cho rằng việc lộ lọt thông tin có thể từ chính bộ phận quản lý thông tin phụ huynh học sinh của trường. Hoặc bộ phận này không có quy định chặt chẽ về việc quản lý thông tin khách hàng, các phần mềm/website chứa dữ liệu bảo mật kém.

"Tôi thấy có rất nhiều hội nhóm công khai trên mạng xã hội rao bán data khách hàng, nhưng cơ quan chức năng chưa có biện pháp xử lý triệt để", ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, cơ quan chức năng liên quan cần ban hành quy định chặt chẽ về việc quản lý thông tin khách hàng, tránh việc lộ lọt thông tin, vì có thể để lại nhiều hậu quả khôn lường. 

Lâm Ngọc
Bình luận
vtcnews.vn