Hà Nội: Chuyện cảm động về hai người đàn bà chung chồng

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 07/12/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Hai người đàn bà chung một ông chồng. Ông chồng chết, họ như chị em ruột, cùng chăm sóc những đứa con chung, con riêng của chồng.

(VTC News) - Có một câu chuyện, đẹp như cổ tích, diễn ra giữa thủ đô Hà Nội: Hai người đàn bà chung một ông chồng. Ông chồng chết, họ như chị em ruột, cùng chăm sóc những đứa con chung, con riêng của chồng.

Tôi đến xã Liệp Tuyết (Quốc Oai, Hà Nội) vào một buổi chiều mưa tầm tã. Con đường từ đê sông Đáy xuống, cắt qua cánh đồng đến xóm Thông Đạt thật lầy lội.

Trên hiên ngôi nhà ngói cũ thấp lè tè, hai con người tật nguyền bò lổm ngổm. Người đàn bà nhỏ thó, lưng còng rạp làm công tác vệ sinh cho con. Bà ngước lên bảo: “Chú thông cảm. Hai đứa con của tôi đều trên dưới 30 tuổi rồi, nhưng tiểu tiện vẫn tự do như đứa trẻ. Chú chờ tôi giải quyết xong rồi hãy vào nhà”.

 Bà Bích và bà Duệ chăm sóc hai đứa con tật nguyền.

Nhìn người đàn bà lưng còng rạp chăm hai người con thật tội tình. Bà cất tiếng gọi, một cô gái nhỏ nhắn từ bếp chui ra. Bà sai con đi gọi bà hai về tiếp khách.

Lát sau, bà hai đội nón mê, khoác chiếc áo mưa rách tả tơi tìm về. Bà hai bảo: “Hôm nay nhà chùa có lễ, tôi ra giúp nhà chùa hương khói. Đời này tôi sám hối ở chùa, mong đời sau con cháu đỡ tủi chú ạ”. Nhìn hai người đàn bà hiền hậu, chăm sóc hai người con tật nguyền lăn lóc, thật cảm động.

Bà Trương Thị Bích và bà Dương Thị Duệ đều sinh năm 1946, năm nay 64 tuổi. Cả hai người trông cùng già hơn tuổi, nhưng bà Bích còn già hơn bà Duệ rất nhiều. Bà Bích mắc đủ thứ bệnh, trong đó, nặng nhất là vôi hóa xương hông, gai đôi cột sống. Hai căn bệnh này mỗi ngày thêm kéo rạp bà xuống mặt đất. Dù bằng tuổi nhau, nhưng bà Bích là vợ trước của ông Thư, là vợ cả, nên bà là chị. Bà Duệ một điều xưng chị, bà Bích một điều gọi em.

Bà Bích và bà Duệ. 

Bà Bích sinh ra trong một gia đình vô cùng nghèo khó, đầy bất hạnh. Bố bà có hai đời vợ. Ông có 9 người con, bà là thứ 5, con của bà hai. Quê bà ở xã Hòa Thạch, cách Liệp Tuyết 7km.

Bà lấy chồng do sự sắp đặt của bố mẹ hai bên. Đúng hôm về nhà chồng, bà mới biết mặt ngang, mũi dọc của chồng. Chồng bà là ông Nguyễn Văn Thư, sinh năm 1944, hơn bà 2 tuổi.

Ông Thư là lái xe của đường dây 559. Ông đi bộ đội từ năm 1962, đi khắp 3 nước Đông Dương, chỗ nào cũng có mặt. Ông làm việc, chiến đấu nhiều nhất ở vùng Nam Lào, chiến trường Quảng Trị, Quảng Bình, nơi khốc liệt nhất thời bây giờ. Ông Thư tranh thủ cưới vợ trong ngày nghỉ phép. Cưới vợ xong, 7 ngày sau, ông đi biệt tăm. Cứ vài tháng, ông mới tranh thủ về được 1-2 ngày, như kiểu biệt kích.

Bệnh tật, vất vả, khiến người đàn bà 64 tuổi như cụ 80. 

Chồng đi biền biệt, gặp nhau như Ngưu Lang Chức Nữ, nên lấy nhau năm 1966, mà đến tận năm 1972 mới sinh con đầu lòng. Cô con gái cả đặt tên là Nguyễn Thị Bài.

Bài sinh ra đã ốm yếu hơn những đứa trẻ bình thường khác. Ông bà nuôi mãi chẳng chịu lớn, cứ uột đi. Đến 3 tuổi mà chưa biết đi lại, cố lắm thì ngồi lên được, nhưng cứ run run, không vững, rồi lại ngã kềnh.

Chị Bài mắc căn bệnh kỳ quặc, xương phát triển không đều, tay chân co quắp, xương sống vặn sang một bên, nên không đứng lên được. Việc ngồi của chị Bài cũng khó nhọc, di chuyển như con cua, bò lê bò càng. Chị Bài bị mất trí hoàn toàn, không nhận biết được gì. Chị sống khổ sống sở, sống cuộc đời đày đọa đến năm 2003 thì về trời.

Di ảnh ông Nguyễn Văn Thư - chồng của hai người đàn bà. 

Người con thứ hai cũng là con gái, ông bà đặt tên là Nguyễn Thị Tiếp, sinh năm 1974. Lúc mới sinh ra, Tiếp bé như con chuột, èo uột lắm. Trông bé Tiếp, ai cũng biết rằng bé bệnh tật y như người chị. Tiếp mắc đủ thứ bệnh, nặng nhất là tiêu hóa. Bé Tiếp về với tổ tiên khi vừa tròn một tuổi.

Mặc dù biết rằng có điều gì bất ổn, song vợ chồng ông Thư, bà Bích vẫn cố gắng “làm liều”. Ngày đó, có ai biết mặt ngang mũi dọc cái thứ chất độc da cam – dioxin thế nào đâu. Trăm voi biết đâu chả được bát nước xáo, nghĩ thế, ông bà sinh hạ liên tiếp hai người con nữa.

Kết quả của hai lần sinh nở, là hai người con. Hai người con ấy hiện vẫn sống đến bây giờ, là Nguyễn Văn Thu, sinh năm 1976, và Nguyễn Thị Tịnh, sinh năm 1981. Buồn ở chỗ, cả hai người con, từ lúc sinh ra, đã giống hai người chị đã qua đời. Thu và Tịnh đều điên khùng, ngớ ngẩn, bệnh tật. Thu và Tịnh chỉ khá hơn chị Tiếp là ngồi được, tuy không thẳng lưng lắm. Hai anh em cũng di chuyển theo kiểu cua càng.

Họ chung sống hạnh phúc, chia sẻ khổ đau trong mái nhà nghèo. 

Đàn con đứa nào cũng bệnh tật trầm trọng. Ông Thư cũng bệnh tật đầy người. Ngày ở chiến trường, ông bị mảnh bom găm trong người, rồi từng nhiều lần bị sốt rét ác tính giữa rừng, để lại di chứng nặng đến tận hôm nay. Ông đau ốm liên miên, không làm được việc gì đỡ đần vợ. Vậy là, mọi việc nặng nhọc đổ lên vai bà Bích. Từ việc đồng áng, đến việc chăm sóc chồng con bệnh tật. Vất vả nặng nhọc, ăn uống kham khổ, đói rét, bà mắc đủ thứ bệnh trong người.

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương


Bình luận
vtcnews.vn