Gần triệu khối đá bị ‘đánh cắp’ như thế nào?

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 02/11/2013 07:10:00 +07:00

(VTC News) - Chỉ cần đục đẽo, xay 1 triệu mét khối đá này, chở ra bến tàu đỗ ở ngay sông Phi Liệt, thì đã thu ngót 100 tỷ đồng.

(VTC News) - Chỉ cần đục đẽo, xay 1 triệu mét khối đá này, chở ra bến tàu đỗ ở ngay sông Phi Liệt, thì đã thu ngót 100 tỷ đồng.


Cả làng chịu… “động đất”

Sau khi ông Bùi Xuân Việt dẫn tôi đi một vòng “thám hiểm” các hố sâu như hố bom nguyên tử với sự bức xúc cao độ, thì ông cùng bà Đinh Thị Ngọc dẫn tôi vào khu dân cư số 1, thị trấn Phú Thứ (Kinh Môn, Hải Dương), cách mỏ đá Tân Sơn vài trăm mét.

Bà Đinh Thị Ngọc bức xúc: “Bao năm nay chúng tôi khốn khổ với cảnh đá rơi vào đầu bất cứ lúc nào. Cứ đến trưa, chiều tối, giờ bắn mìn là không ai dám ra đường nữa. Thi thoảng lại có đá bay vào nhà. Trước đây, dân làng nghèo, dựng nhà tạm, thì nứt toác cả. Vết nứt to đến nỗi chuột nhông nhông chạy qua.

 Hải Dương
 
 Hải Dương
Dù nhà bà Ngọc mới làm, tường dày 30cm, nhưng đã có rất nhiều vết nứt. Trong ảnh là vết nứt kéo dài từ trần nhà, xé rách cả gạch ốp tường 

Người dân sống ở nơi mà mỗi ngày “động đất” hai lượt, nên đều phải cố gắng vay mượn, xây ngôi nhà kiên cố chống đỡ với đá bay, rung chấn”.

Nói rồi, bà đạp xe tồng tộc dẫn tôi về nhà bà. Đứng ở cổng nhà bà, bà chỉ ngôi nhà 2 tầng xa xa phía trước, với vết nứt toác rõ mồn một, tưởng như có thể luồn bàn tay vào. Bà Ngọc dắt tôi vào trong bà, chỉ bức tường dày như… lô cốt, rồi bảo: “Đấy, chú xem, tôi đã phải xây tường dày đến 30cm để chống đỡ, mà cũng không lại được. Tường nhà chỗ nào cũng nứt nẻ trông như đàn kiến bò”.

Bà Ngọc chỉ xà nhà trước hiên và bảo rằng, trụ đỡ xà nhà trước hiên nứt to quá, sợ mái sập, nên chồng bà vừa phải thuê thợ đổ thêm một cái cột nữa, ốp vào để đỡ xà nhà. Rồi bà dẫn tôi vào phòng khách, phòng ngủ. Bà chỉ những vết nứt chi chít như mạng nhện trên tường. Vết nứt xé cả nền gạch hoa, gạch ốp tường. Đến ngôi nhà xây dựng kiên cố như thế còn nứt, thì quả thực đáng sợ.

 Hải Dương
Vợ chồng bà Ngọc mới phải ốp thêm cột vào tường để đỡ xà nhà trước hiên vì vết nứt lớn 

Theo lời ông Bùi Xuân Việt, nếu các doanh nghiệp khai thác đá bắn mìn trên núi, thì chỉ rung chấn nhẹ, nhưng vì người ta đã khai thác xuống lòng đất, bắn mìn bóc tách đá, nên gây rung chấn rất mạnh, như thể động đất. Cứ đến giờ bắn mìn, nhà cửa rung bần bật, cửa kính xô nhau phát ra tiếng rít.

Ông Việt cũng đã thống kê trong làng và theo ghi nhận của ông, có tới 80% nhà cửa của dân cư bị nứt, vỡ, ảnh hưởng nghiêm trọng vì khai thác đá trong lòng đất ở mỏ Tân Sơn.

Nửa triệu khối đá bị đánh cắp?

Được biết, quả núi Đỏ được UBND tỉnh Hải Dương cho Công ty cổ phần khai thác, chế biến khoáng sản Hải Dương thuê từ năm 2002, với thời hạn 30 năm. Diện tích đất là 14,7 ha. Công ty được phép khai thác quả núi, với tên gọi mỏ đá vôi Tân Sơn, đến cốt +5 mét.

Đến năm 2008, công ty này đã khai thác hết quả núi, đến cốt +5 mét và theo quy định phải dừng lại. Tuy nhiên, công ty đã lập Đề án thăm dò trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định. Công ty đã được UBND tỉnh Hải Dương cấp giấy phép thăm dò tại mỏ đá vôi Tân Sơn từ cốt cao hiện trạng +5 mét đến mức -40 mét.

 Hải Dương
Trụ sở Công ty cổ phần khai thác và chế biến khoáng sản Hải Dương 

UBND tỉnh Hải Dương đã phê duyệt trữ lượng thăm dò bằng một quyết định vào ngày 07/7/2010 với nội dung: “Về việc phê duyệt trữ lượng khoáng sản trong báo cáo thăm dò đá vôi từ hiện trạng đến cốt -40 mét tại mỏ Tân Sơn – thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn”.

Như vậy, Công ty cổ phần khai thác, chế biến khoáng sản Hải Dương mới chỉ được phê duyệt thăm dò trữ lượng để báo cáo UBND tỉnh, chứ không được phép tiếp tục khai thác.

Một người dân ở khu dân cư số 1 nói đùa mà sâu cay: “Việc thăm dò trữ lượng lẽ ra chỉ cần đến mũi khoan, khoan những cái lỗ to cỡ cái phích là được, nhưng công ty này chịu khó “khoan” đến nỗi tạo ra những cái hố rộng đến cả héc-ta, đem đi dễ đến ngót triệu mét khối đá, bỏ túi mấy chục tỷ đồng. Thăm dò trữ lượng thôi mà làm nứt nẻ hết cả nhà dân”.

 Hải Dương
 
 Hải Dương
Những hố sâu do khai thác đá trái phép 

Hiện chưa có con số cụ thể về diện tích mấy cái hố bị khai thác trái phép trong mỏ đá Tân Sơn, nhưng một người dân đã đo và tính toán ra con số khoảng 6 héc ta. Có ý kiến khẳng định các hố khai thác rộng tới 7 héc ta. Độ sâu trung bình của những cái hố này là -10m.

Chỉ cần tính toán sơ qua, thấy rằng, mỏ đá Tân Sơn đã bị đánh cắp khoảng 6 héc ta bề mặt và 15m chiều cao (gồm +5 mét và -10 mét). Cộng với diện tích ngoài khu vực khai thác thành hố sâu, tức là khai thác trái phép ở cốt +5m, thì đã có đến ngót 1 triệu mét khối đá bị khai thác trái phép.

Theo những người hiểu biết về khai thác, chế biến đá, chỉ cần đục đẽo, xay 1 triệu mét khối đá này, chở ra bến tàu đỗ ở ngay sông Phi Liệt, cách mỏ đá chừng 500 mét, thì đã thu ngót 100 tỷ đồng.

Tất nhiên, chưa thể khẳng định con số đó là chính xác, nhưng việc người ta đào cả gốc rễ quả núi đi bán suốt mấy năm trời không ai biết, thì quả là chuyện khó tin, khó tin hơn cả chuyện “con voi chui qua lỗ kim”.

Chính quyền có làm ngơ?

Trong cuộc trao đổi với ông Vũ Thanh Điệp, Chủ tịch UBND thị trấn Tân Sơn, tôi hỏi: “Việc mỏ đá Tân Sơn bị khai thác âm xuống lòng đất chính quyền có biết?”. Ông Điệp bảo: “Mỏ đá của họ, họ khai thác và có giấy phép”. Khi tôi hỏi lại: “Ông khẳng định họ có giấy phép khai thác hợp pháp?”, thì ông Điệp lại nói: “Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Hải Dương đã có ý kiến đề xuất với UBND tỉnh cho họ khai thác âm. Chúng tôi có trách nhiệm theo dõi, nhưng giấy tờ chưa xong. Họ đã có hồ sơ từ năm 2008, nhưng mới trình đề xuất, và chưa được duyệt”.

 Hải Dương
Một người dân chỉ hồ rộng cả héc ta do khai thác đá trái phép tạo thành 

Không nắm được nhiều thông tin, ông Điệp giao ông Tô Văn Hanh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thứ trao đổi với phóng viên. Ông Hanh cho biết: “Họ (Công ty cổ phần khai thác chế biến khoáng sản Hải Dương) đã có văn bản đề nghị tỉnh cho phép khai thác thăm dò, nhưng họ vừa thăm dò vừa khai thác. Như thế là sai phạm.

UBND tỉnh đã yêu cầu họ dừng toàn bộ hoạt động cách đây 1 tháng và họ đã dừng rồi. Năm 2010 đã lập biên bản về sai phạm của họ, đến năm 2012 UBND huyện lại lập biên bản lần nữa và phạt vi phạm hành chính.

Doanh nghiệp đã đề xuất xin được khai thác tiếp, UBND thị trấn và huyện cũng đề xuất cho họ được khai thác xuống độ sâu -15 mét, nhưng chưa được phê duyệt”.

Khi phóng viên hỏi về chuyện nhà cửa dân cư bị hư hại, ông Hanh cho biết, khu vực này thuộc vòng cung Đông Triều, là khu vực động đất (?!). Ngoài ra, nơi đây có địa chất phức tạp, nền đất yếu, do sông ngòi bồi đắp, lại có nhiều doanh nghiệp khai thác đá, nên khó có thể quy trách nhiệm cho ai.

Như vậy, ngót triệu mét khối đá, là tài sản của nhân dân, của Nhà nước đã bị bốc hơi một cách dễ dàng. Số tài sản hàng chục tỷ đồng rơi vào túi người khác, còn hậu quả là hàng trăm ngôi nhà nứt nẻ, tình trạng ô nhiễm môi trường suốt nhiều năm nay thì dân chịu.

Có hay không việc chính quyền giám sát không chặt chẽ, thậm chí có dấu hiệu bao che, để doanh nghiệp khai thác trái phép? Thật khó có thể tin chuyện "quả núi chui lọt lỗ kim". VTC News sẽ tiếp tục làm rõ vấn đề này.


Phạm Sông Diêm

Bình luận
vtcnews.vn