Chuyện người treo cờ trong chiến dịch giải phóng Trường Sa 1975

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 21/04/2015 06:25:00 +07:00

Mặt trời bắt đầu nhô lên khỏi biển, cũng là lúc Song Tử Tây hoàn toàn được giải phóng.

(VTC News) - Mặt trời bắt đầu nhô lên khỏi biển, cũng là lúc Song Tử Tây hoàn toàn được giải phóng.


Ngày 14/4/1975, lá cờ giải phóng hai màu xanh, đỏ với ngôi sao vàng đã tung bay trên đảo Song Tử Tây, mở màn cho chiến dịch giải phóng quần đảo Trường Sa. Đó cũng là thời điểm mà một người lính đặc công nước, trong trận đánh đầu tiên của đời binh nghiệp, đã chạm vào thời khắc lịch sử. 
 
Những ngày đầu tháng 4, một căn nhà nhỏ ven quốc lộ 5 (phường Quán Toan, quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng) khá nhiều người tìm đến chơi. Chủ nhân của căn nhà là một người đàn ông ăn mặc giản dị, cách nói chuyện từ tốn, nhẹ nhàng. Ông là cựu binh Lê Xuân Phát (SN1952) – người cắm ngọn cờ giải phóng đảo Song Tử Tây.

Kể chuyện đời binh nghiệp của mình, ông không nén được nỗi xúc động trào dâng về kỷ niệm những ngày tháng 4 của 40 năm trở về trước. Hồi ức lịch sử một thời sống lại trong ông như mới diễn ra ngày hôm qua.

Trước đó, ông Phát cũng không nghĩ rằng mình được vinh dự tham gia vào chiến dịch giải phóng Trường Sa.

Ông  vốn là người gốc ở xã Hoàng Sơn (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Ông nhập ngũ năm 1972. Lúc vào quân ngũ, cấp trên thấy ông nhanh nhẹn, khỏe mạnh, trung thực, lại thạo về sông nước, bơi lội như rái cá, nên đã chuyển sang đào tạo đặc công nước.
Cựu binh Lê Xuân Phát 
Ông Phát được huấn luyện gian khổ suốt 3 năm liên tiếp ở Hải Phòng. Đến đầu tháng 4/1975, ông được cấp trên điều vào Đã Nẵng, ngày 11 tiếp tục nhận nhiệm vụ lên tàu không số đi giải phóng đảo.

Khí thế chiến đấu vẫn còn nguyên vẹn trong câu chuyện của người cựu binh 63 tuổi này. “Lúc đó mình cũng không biết là đảo to hay đảo nhỏ, không biết là được vinh dự tham gia vào chiến dịch giải phóng Trường Sa, vì lúc đó mình không phải là cán bộ về quân sự, nhưng tinh thần của người chiến sĩ thì luôn luôn sẵn sàng”, ông Phát cười xòa cho biết.

3 con tàu không số được ngụy trang như tàu đánh cá của ngư dân quanh vùng. Sàn tàu nạy lên hết lấy chỗ cho hơn 20 con người ẩn mình trong đó với trang thiết bị nhẹ như súng AK, B40, B41… Trên tàu giăng đầy lưới cá tránh sự chú ý của địch. Hơn 2 ngày lênh đênh trên biển, 4h sáng ngày 14/4/1975, tàu không số bắt đầu tiếp cận đảo Song Tử Tây.

Cả nhóm chia làm 4 hướng bơi vào đảo, gồm 3 mũi bộ binh và 1 mũi hỏa lực. Ông Phát đi cùng mũi hỏa lực với chỉ huy trưởng Nguyễn Ngọc Quế. Ông còn được giao thêm một lá cờ với nhiệm vụ là nhanh chóng treo lá cờ khi tiếp cận được sở chỉ huy của đảo.

Tờ mờ sáng, thuyền cao su được thả xuống. Bơi đến bãi san hô thì mấy chục con người lặng lẽ tản ra các hướng bao vây xung quanh Song Tử Tây. 40 năm trước, đảo Song Tử Tây vẫn còn hoang sơ, cây cối rậm rạp, chim chóc làm tổ đẻ trứng rất nhiều. Chỉ mới thấy động, cả đàn đã bay lên tán loạn như ong vỡ tổ.

Lính gác trên đảo nghe tiếng chim liền nổ một vài phát súng. Xác định chúng chỉ bắn vu vơ nên anh em được lệnh chưa bắn. Một lát sau, tình hình yên lặng trở lại, các chiến sĩ nhanh chóng tiến vào đảo thiết lập đội hình chiến đấu. Bấy giờ, mọi người đều lạ lẫm với đảo, vì không có điều kiện và thời gian trinh sát trước. Đằng sau là biển cả mênh mông, trên đảo địch chiếm giữ, nhưng ai nấy đều quyết tâm giải phóng đảo dù phải hy sinh.

4h30 phút sáng, mệnh lệnh tấn công được ban bố sau phát súng của mũi hỏa lực. Chỉ trong tầm 15, 20 phút, địch nhanh chóng bị dồn về phía đài chỉ huy.
Treo cờ trên đảo Song Tử Tây (ảnh tư liệu) 
Các chiến sĩ bắc loa gọi hàng. Lúc đó tiếng súng đã giảm dần, tuy nhiên vẫn có một số kẻ ngoan cố nấp trong công sự bắn về phía cột cờ. Nhận thấy thời cơ đã đến, ông Phát tách khỏi đội hình chiến đấu, tiếp cận và nhanh chóng tháo lá cờ ngụy xuống.

Lúc đó trời bắt đầu sáng, ngoài đảo gió to, lá cờ kéo xuống còn cách mặt đất khoảng hơn 2 mét thì bị quấn chặt lấy dây ròng rọc, không thể kéo được nữa. Ông Phát bất chấp nguy hiểm leo lên cột, lấy tay giật ngọn cờ của địch xuống, treo cờ giải phóng lên và cứ thế kéo.

“Tôi không sợ hy sinh, trái lại tôi thấy vô cùng vinh dự, tự hào vì được giao nhiệm vụ kéo cờ giải phóng trên đảo. Đó là nhiệm vụ vinh quang, khó khăn nào tôi cũng hết sức vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thế nên trong đầu tôi chỉ tâm niệm một điều là phải kéo được cờ lên…” , người cựu binh kể lại.

Biết không thể chống cự được nữa, một lúc sau địch kéo nhau ra đầu hàng. Trận đánh đó, ta bắt sống được hơn 30 tên địch.

Mặt trời bắt đầu nhô lên khỏi biển, cũng là lúc Song Tử Tây hoàn toàn được giải phóng. Nhìn lá cờ tung bay phấp phới trên đảo, ông Phát cùng các chiến sĩ đã khóc. 

Nhớ lại thời khắc ấy, ông bảo rằng chưa bao giờ được nhìn thấy ánh bình minh đẹp đến thế, lại bình yên đến kỳ lạ, đó là ánh sáng của tự do, của chân lý.

Giải phóng xong, các chiến sĩ ở lại đảo gần một tháng luyện tập các phương án và các mũi bảo vệ đảo, sau đó bàn giao cho đơn vị bạn rồi rút về Đà Nẵng nhận nhiệm vụ mới.
Cựu binh Lê Xuân Phát trong chuyến thăm lại đảo Song Tử Tây năm 2012 
“40 năm rồi nhà báo nhỉ, thế mà tôi cứ nghĩ như vừa mới xảy ra”, người cựu binh trầm ngâm nhớ lại những khoảnh khắc không bao giờ quên của đời binh nghiệp. Ông Phát cho biết, ông tiếp tục phục vụ trong quân ngũ cho đến năm 1988, sau đó lập gia đình và chuyển về Hải Phòng sinh sống cho đến tận hôm nay.

Năm 2012 ông Phát mới có điều kiện thăm lại đảo Song Tử Tây. Ông không khỏi ngỡ ngàng khi ngày xưa trên đảo chỉ toàn cây sâm đất, thì nay cây cối tươi tốt, nhà cửa san sát dưới các tán cây xanh hệt như một khu du lịch sinh thái giữa biển khơi. Đây chính là thành quả của quân và dân trên đảo từ ngày giải phóng đến nay. 

Cột cờ năm xưa cũng chỉ còn là một chứng tích lịch sử. Nay là một cột cờ mới, to đẹp, hay là bia chủ quyền với biển đảo tổ quốc ở Trường Sa được dựng lên uy nghi với dòng chữ “Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – đảo Song Tử Tây” sừng sững trên đảo.
Nhớ lại cảnh cũ, người xưa, ông Phát bâng khuâng lắm. Điều khiến ông vui nhất trong lần được đi thăm lại chiến trường cũ chính là việc được gặp và trò chuyện với các chiến sĩ trẻ đang trấn giữ trên đảo. Họ bảo rằng luôn ghi nhớ công lao của những người đi trước. Quân và dân trên đảo nguyện một lòng chắc tay súng bảo vệ thành quả mà các thế hệ đi trước phải trả bằng biết bao xương máu, hy sinh…

“Họ hơn chúng tôi về sự hiểu biết và không kém cha ông về bản lĩnh người lính. Chúng tôi rất tin tưởng ở lớp trẻ trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”, người cựu binh tâm sự.

Minh Khang – Hải Minh
Bình luận
vtcnews.vn