Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu 4 lưu ý trong ứng phó bão số 1

Tin nóngThứ Hai, 17/07/2023 09:31:04 +07:00
(VTC News) -

Một trong những lưu ý ứng phó bão số 1 mà Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh là phối hợp tốt trong cung cấp thông tin, trong ứng xử với từng việc cụ thể.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu không được chủ quan trong ứng phó với bão số 1.

Sáng 17/7, phát biểu kết luận tại cuộc họp trực tuyến với 27 địa phương từ Quảng Ninh đến Nghệ An về công tác ứng phó với cơn bão số 1, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ, công điện số 646 của Thủ tướng (ban hành ngày 16/7) là kim chỉ nam cho mọi hành động, trong điều kiện không kịp xin ý kiến thì các Bộ ngành, địa phương lấy công điện để áp dụng. 

"Bên cạnh đó, có 4 điều cần lưu ý. Một là không chủ quan lơ là. Hai là chủ động linh hoạt. Ba là phối hợp tốt trong cung cấp thông tin và trong ứng xử với từng việc cụ thể. Cuối cùng là chuẩn bị chu đáo nhất có thể", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông Trần Lưu Quang đánh giá cao sự chuẩn bị tích cực của các bộ, ngành và địa phương trong những ngày qua để chủ động phòng, chống cơn bão đầu tiên của năm 2023. 

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp về công tác ứng phó bão số 1.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp về công tác ứng phó bão số 1.

"Điều chắc chắn nhất bây giờ là không có gì chắc chắn cả. Dự báo vẫn là dự báo, mọi việc diễn tiến có thể không như gì chúng ta mong muốn. Cơn bão số 1 là sự khởi động cho mùa mưa bão năm nay, mọi việc còn ở phía trước, chúng ta hết sức lưu ý", lãnh đạo Chính phủ nói.

Một lần nữa lưu ý việc lãnh đạo các bộ ngành, địa phương có nhiều kinh nghiệm trong công tác ứng phó với bão lũ sẽ dễ dẫn đến mất cảnh giác, chủ quan, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu: "Mục tiêu của chúng ta là không để có sự cố về người và giảm thiểu đến mức tối đa thiệt hại về tài sản".

Cũng tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, lúc 7h ngày 17/7, vị trí tâm bão số 1 ở vào khoảng 20,1 độ vĩ bắc; 113,1 độ kinh đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 310 km. Sức gió mạnh nhất gần tâm bão mạnh cấp 12 (118 - 133 km/giờ), giật cấp 15.

Ông Mai Văn Khiêm cho biết, hướng di chuyển của bão số 1 chủ yếu dựa vào cao cận nhiệt đới dẫn đường. Theo dự báo, từ sáng đến chiều 17/7, bão hướng về bán đảo Lôi Châu, sau đó hướng về khu vực bắc vịnh Bắc bộ.

Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.

Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.

"Chúng tôi nhận định cường độ của cơn bão mạnh nhất từ khoảng cấp 11 - 12. Sau khi vượt qua bán đảo Lôi Châu, do ma sát với địa hình nên cường độ có thể giảm 1 - 2 cấp và hướng thẳng đến khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, dự đoán này có tỷ lệ khoảng 80%", Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nói và nhận định đây là cơn bão mạnh, hoàn lưu bão đi qua rất rộng, ảnh hưởng bao trùm cả miền Bắc và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.

Theo ông Mai Văn Khiêm, kịch bản có khả năng thấp hơn là sau khi vượt qua bán đảo Lôi Châu, bão sẽ đi lệch lên phía bắc, men theo đất liền ven biển Trung Quốc. Với phương án này, mưa, gió sẽ ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam ít hơn, mưa khoảng 200 - 300 mm.

"Với tốc độ như hiện nay, bão số 1 sẽ gây gió mạnh. Ở bắc Biển Đông sẽ có gió mạnh cấp 12, giật cấp 15, biển động dữ dội. Chiều 17/7, đảo Bạch Long Vĩ, đảo Cô Tô sẽ có gió mạnh cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8 - 9", ông Mai Văn Khiêm nói.

Về tác động trên đất liền, bão số 1 sẽ ảnh hưởng trọng tâm đến Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình với gió cấp 9 - 10, sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 10. Thời gian nguy hiểm nhất của gió mạnh trên đất liền là từ trưa và chiều 18/7.

Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia lưu ý, do hoàn lưu của bão rất rộng nên từ hôm nay (17/7), trong đất liền nằm ở rìa phía tây của bão số 1 có thể có gió giật mạnh. Trong ngày mai, khi bão đi vào vịnh Bắc bộ thì dông lốc có thể xuất hiện ở xa hơn như ở khu vực Tây Bắc, các tỉnh Sơn La, Lạng Sơn.

Hoàn lưu của bão số 1 sẽ gây mưa lớn ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa với tổng lượng mưa từ 200 - 400 mm, có nơi trên 500 mm, gây lũ quét và sạt lở đất.

"Theo khoanh vùng của chúng tôi, Quảng Ninh có khoảng 166 vị trí có thể gây lũ quét và sạt lở đất, Lạng Sơn 114 vị trí, Cao Bằng 54 vị trí, Bắc Kạn có 307 vị trí, Hà Giang có 88 vị trí, Tuyên Quang có 92 vị trí, Lào Cai có 207 vị trí và Yên Bái có 335 vị trí", ông Mai Văn Khiêm nói thêm.

Anh Văn - Đắc Huy
Bình luận
vtcnews.vn