PGS Vũ Minh Khương: Dự thảo luật đặc khu kinh tế chưa khoa học, dễ bị đầu cơ, thất thu ngân sách

Kinh tếThứ Tư, 23/05/2018 15:00:00 +07:00

PGS TS Vũ Minh Khương cho rằng, dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (gọi tắt Luật về đặc khu kinh tế) vẫn có nhiều điểm "chưa thật sự khoa học", dễ bị đầu cơ và thất thu ngân sách.

Trả lời PV VTC News, PGS TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho rằng, dự thảo Luật về đặc khu kinh tế vẫn còn nhiều điểm “chưa thật sự khoa học” và bản thân ông không đồng tình với những điểm này.

Theo PGS TS Vũ Minh Khương, nếu không sửa chữa những bất cập trong dự thảo luật thì đây sẽ là nguyên nhân khiến cho quá trình vận hành các đặc khu kinh tế gặp phải các rào cản, trong đó dễ thấy nhất là hiện tượng đầu cơ và nguy cơ thất thu ngân sách.

Thời gian thuê đất 99 năm: Nguyên nhân dẫn đến đầu cơ đất

- Theo dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt thì chúng ta sẽ có 3 đặc khu kinh tế là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Tuy nhiên, dù luật chưa kiện toàn và quy hoạch cũng chưa hoàn chỉnh thì ở các địa phương này đến giờ đã nảy sinh ra rất nhiều vấn đề bất cập, ví dụ như giá đất tăng phi mã, mua bán, tranh chấp đất đai diễn biến phức tạp...

Đầu tiên là quy định giá đất của ta thuộc về nhà nước, cũng giống như Singapore. Mỗi năm, quỹ đất bỏ ra bao nhiêu là dựa trên cung - cầu và tiền chênh lệch giá hầu hết là trở về nhà nước và trả cho những người thực sự có đóng góp để phát triển.

Nhưng bên cạnh đó, phải rất chú ý là những người sống trên vùng đất ấy cùng được hưởng những mức lợi đến từ các chính sách.

Không thể để tiền hay lợi ích rơi vào tay những người cò đất, những trung gian mua bán. Thực tế hiện nay ở ta thì những người cò đất lại hưởng lợi, trong khi những người kiến tạo nên giá trị lại không được hưởng.

dackhukinhte

Kỳ họp lần thứ 5 Quốc hội khóa XIV dự kiến sẽ tiếp tục thảo luận và thông qua Luật Đơn vị HCKT đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Đây được đánh giá là một bước tiến đột phá nhằm tạo ra sân chơi mới với cơ chế vượt trội, thu hút đầu tư, cạnh tranh với nước ngoài... (Ảnh: minh họa).

Ở Singapore, quỹ đất Chính phủ đều nắm hết, mỗi năm bỏ ra bao nhiêu thì họ đều có những tính toán chiến lược và có những hội đồng đứng sau thẩm định là giá trị lợi ích sẽ như thế nào.

Nên hiện nay ở ta cần phải có quy hoạch đất rõ ràng, chứ đừng như Thủ Thiêm “mất bản đồ” này khác. Bởi như vậy thì có làm bao nhiêu đi nữa đất nước cũng không thể đi lên được.

Hiện nay, ta có tư duy rất cởi mở, rất hội nhập, rất quyết liệt nhưng mà chiến lược không có tầm thì cũng không đi được xa.

- Vừa qua, dự thảo luật về đặc khu kinh tế đưa ra thời gian cho nhà đầu tư thuê đất tối đa là 99 năm thay vì 70 năm như hiện nay. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Tôi nghĩ là lại càng sai nữa. Tôi thấy không ổn. Bởi vì khi quy định giao đất càng lâu thì sẽ thu hút những người đầu cơ đất.

Bây giờ, đầu tư vào những lĩnh vực khoa học công nghệ cao thì dự án chỉ cần 50 năm, 70 năm là cùng. Còn những dự án như sản xuất hóa chất hay sản xuất gì đó cần lâu dài, thì đầu tư cũng chỉ nên tối đa là 70 năm, và cũng không nên vi phạm cái đó.

Còn đến đời sau có một hệ thống rất tốt rồi thì người ta lại sẽ yên tâm đầu tư.

Hiện nay, quy định thời gian thuê đất là 99 năm sẽ động chạm đến rất nhiều thứ, chưa kể là thu hút những doanh nghiệp đầu tư chưa chắc đã tốt mà còn đụng chạm đến vấn đề dân tộc nhạy cảm.

Vì người dân nhận thấy rằng có một cái gì đó gần như là hiệu quả có thể là đạt được thế này thế khác nhưng hiệu lực đối với dân tộc là thấp.

Việt Nam “ưu đãi quá nhiều”

- Hiện nay, dự thảo luật về đặc khu kinh tế cũng đưa ra rất nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư như là miễn thuế, miễn tiền thuê đất, mặt nước,... như vậy đã đủ ưu đãi để kêu gọi các các nhà đầu tư?

Tôi thấy về dự thảo là chưa thật sự khoa học. Dự thảo cần phải có tầm. Chưa khoa học ở điểm là ta coi trọng quá nhiều về ưu đãi mà không coi trọng về ưu tú. Ví dụ như là tập đoàn Intel, tôi hỏi họ là tại sao hỏi lại đầu tư và Việt Nam thì họ trả lời đó là “sustainability” (tức là một cơ chế vững bền). Hay tôi lấy ví dụ như nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chẳng hạn, ưu đãi nhiều mà hiệu quả không cao.

camera720_1526986514065

 PGS.TS Vũ Minh Khương: "Trong luật đặc khu, tôi đề nghị phải xem như là luật chung. Để khi nhà đầu tư họ thấy làm chỗ này không tốt thì họ vào chỗ khác". (Ảnh: L.T)

Trong khi đó, ở Singapore họ không làm thế. Họ ưu đãi thuế thấp rồi, và chỉ có thế thôi. Bây giờ ta ưu đãi nhiều quá, thuế không đóng đủ trong khi ngân sách nhà nước thì ngày càng cạn kiệt vì không có nguồn thu. Đấy là chuyện rất vô lý.

Ở Singapore, khi một dự án lớn đầu tư vào là tiền của doanh nghiệp đóng thuế cho nhà nước rất nhiều. Tất nhiên là họ cũng hỗ trợ cho doanh nghiệp rất hào phóng, cũng hỗ trợ cho đi hội thảo, đi hội chợ, đi triển lãm này khác như là những người có đẳng cấp.

Chứ ở ta thì cũng như người nghèo, mà lại đưa hết tiền cho họ, đến lúc đòi lại một đồng cũng rất khó khăn. Tôi nghĩ ưu đãi như thế là không được. Ở đây là phải sòng phẳng. Còn ưu đãi về cái gì thì sẽ bàn cụ thể sau.

Ưu đãi về mặt thể chế thì phải rất tối đa, rằng chúng tôi sẽ cùng làm với anh để giải quyết các khó khăn, và tiền thuế 70 – 80% nhẽ ra miễn cho anh thì tôi sẽ dùng để hỗ trợ anh như về đội ngũ công nhân. Mà thông thường ưu đãi năm đầu rồi thì đến năm thứ hai doanh nghiệp sẽ xem là mặc nhiên, đến lúc đó nhà nước muốn thu lại một đồng cũng rất khó.

Tôi cảm thấy Việt Nam đang thất thu rất nhiều. Trước kia khi còn làm ở Hải Phòng tôi biết rõ điều này. Tức là mỗi năm mình cứ để thất thu hàng triệu USD, mà nhà đầu tư thì họ nói là do nhà nước quy định thế.

- Nhà nước có cần thiết ưu đãi nhiều về thuế cho các doanh nghiệp ở các đặc khu không?

Thứ nhất, là ưu đãi về thuế ở mức độ linh hoạt về mặt nhất định nào đó thôi. Nghĩa là 3 năm đầu còn nguyên thủy thì sẽ ưu đãi thuế, để kêu gọi hãy đầu tư vào đi. Sau đó từ năm thứ tư trở đi thì ổn định rồi, không phải ưu đãi đầu tư nữa.

Lúc đó thì lấy tiền đàng hoàng và chơi một cách bình đẳng, thì đó mới là chiến lược, song hiện giờ vấn đề này chưa được chúng ta coi trọng.

Thứ hai, là trong luật đặc khu, tôi đề nghị phải xem như là luật chung. Để khi nhà đầu tư họ thấy làm chỗ này không tốt thì họ vào chỗ khác. Ngay cả làm ở Hải Phòng, ở Thanh Hóa hay Quảng Ngãi cũng đều được, tức là nên cho một bộ luật nói chung và khi áp dụng vào một địa phương cụ thể nào đó thì phải rất là linh hoạt, hơn là chúng ta để áp vào một địa phương, vì đây là bài toán động.

- Ưu đãi về thuế cho các nhà đầu tư ở đặc khu kinh tế về cụ thể sẽ nên như thế nào?

Cái đấy là do tính toán cụ thể. Nên ưu đãi cho giai đoạn đầu tiên. Nhưng không nên quá ưu đãi, phải làm sao vẫn đảm bảo được nguồn thu ngân sách, vì hiện giờ ngân sách mình vẫn chưa thu được nhiều từ tiền thuê đất đâu.

camera720_1526986480082 3

 

Hiện nay quy định thời gian thuê đất là 99 năm sẽ động chạm đến rất nhiều thứ, thu hút những doanh nghiệp đầu tư chưa chắc đã tốt mà còn đụng chạm đến vấn đề dân tộc nhạy cảm.

PGS.TS Vũ Minh Khương

Ví dụ như ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong hay Phú Quốc, giả sử nếu không có đặc khu, ngân sách chỉ tăng theo kiểu tuyến tính. Bây giờ có cơ chế đặc khu thì ngân sách sẽ tăng vượt lên. Thì toàn bộ những ngân sách vượt lên so với dự báo thì sẽ dùng cho đầu tư đặc khu. Nghĩa là tôi chỉ cần những người giỏi về đây để đầu tư. Đáng lẽ đặc khu phải nộp cho nhà nước 1.000 tỷ đồng, nhưng bây giờ thu được vượt lên 2.500 tỷ đồng thì sau khi nộp ngân sách nhà nước, 1.500 tỷ đồng hãy dùng cho đặc khu.

Đặc khu sẽ vận dụng linh hoạt để nhà đầu tư nộp thêm thuế cho đặc khu, rồi dùng thuế đó để đầu tư tiếp, tức là ngân sách nhà nước vẫn không ảnh hưởng gì nhiều.

Chứ như hiện nay mọi người đang hiểu là nếu làm đặc khu kinh tế thì lại phải lấy ngân sách nhà nước ra để đầu tư, như chuyện lấy của nhà nghèo đầu tư cho nhà giàu thì không được. Vì đặc khu là phải tạo ra những đột phá để phát triển.

Việt Nam hiện giờ ưu đãi đang rất cao. Chúng ta chỉ nghĩ đến ưu đãi cho doanh nghiệp. Thêm vào đó là lại dùng ngân sách để đầu tư cho phát triển các hạ tầng này khác. Cách làm này phải xem lại, cần phải có chiến lược dài hơi hơn.

Phải là đặc khu kinh tế thấm đượm văn hóa Việt Nam

- Thực tế cho thấy hiện nay vẫn còn rất nhiều ý kiến tranh cãi về việc có cần xây dựng đặc khu kinh tế hay không và đặc khu sẽ mang lại những giá trị thực tế gì cho nền kinh tế Việt Nam...

Tôi rất ủng hộ xây dựng đặc khu kinh tế, vì nó sẽ tạo ra tư duy đột phá hoàn toàn. Bởi vì có thể nó chưa thành công nhưng nó cũng sẽ cho những bài học thực tế có giá trị.

Đặc khu có nghĩa là mình sẽ tạo ra một cái khung thiết chế mới, để từ đó mà người ta nhìn ra trong khoảng 30 năm tới mình sẽ như thế nào, đất nước sẽ như thế nào.

Hiện chưa có điều kiện làm ở Hà Nội, TP.HCM thì tôi nghĩ ở các địa phương khác đây sẽ là những thử nghiệm. Hãy bắt đầu làm đi. Các địa phương khác không làm được thì sẽ bị phê phán. Rõ ràng, người đứng đầu sẽ bị loại bỏ nhanh chóng vì đây là nơi cả nước nhìn vào.

Chứ bây giờ đất chỗ đấy là đất có giá trị, nếu không làm đặc khu thì nhiều người lại hưởng lợi này khác. Đặc khu tức là tạo ra một thiết chế đặc biệt, để từ đó kiến tạo nên một hướng đi, hướng phát triển trong tương lai của Việt Nam.

Cơ chế bây giờ là cơ chế thời đại số, nên chỉ cần lên mạng là mọi người có thể nhìn được số liệu ra sao, đầu tư thế nào, báo cáo đầy đủ..., tức là công khai đến mức mà những người lãnh đạo yếu không dám nhận làm đặc khu. Cơ chế đặc khu thực ra khắc nghiệt hơn rất nhiều, đó là câu chuyện được ví như cưỡi lên lưng hổ và bài toán đặc khu nếu người đứng đầu không làm được thì sẽ bị xử lý.

- Kinh nghiệm của các nước khác khi xây dựng đặc khu kinh tế để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư và phát triển như thế nào?

Thứ nhất, tôi lấy kinh nghiệm như đặc khu Thẩm Quyến (Trung Quốc) là một ví dụ kinh điển mà tôi vẫn hay dùng để dẫn chức dạy cho các sinh viên quốc tế.

Đặc khu phải là một điểm hút về công nghệ, điểm hút về nhân tài, tức là phải trở thành điểm để khẳng định với thế giới rằng chúng tôi không kém ai. Đấy là đẳng cấp, là thông điệp có tính chiến lược.

Thứ hai, đặc khu là điểm hút thể chế ưu tú, thu hút cả nhân tài và nhiều thứ khác nữa chứ không chỉ đơn thuần là thu hút về đầu tư.

Thứ ba, đặc khu là nơi gắn kết sâu sắc các điểm kinh tế trong nước. Ví dụ như khi có đặc khu thì không cần phải bay đi đâu cả, chỉ cần bay đến đặc khu mà xem.

Tỉnh nào còn chưa làm được thế này thế khác thì hãy đến đặc khu mà xem cách làm, xem con người họ đối xử với nhau ra sao... Nghĩa là cơ chế rất rõ ràng. Đặc khu là mô hình mà không cần phải sang Hàn Quốc hay Singapore mà có ngay ở Việt Nam, thấm đượm văn hóa Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn