Peru phẫn nộ vì 468 quan chức bí mật tiêm vaccine trước nhân viên y tế

Thời sự quốc tếThứ Năm, 18/02/2021 07:12:54 +07:00
(VTC News) -

468 quan chức cấp cao và các quan chức VIP có "quan hệ tốt" khác đã bí mật tiêm phòng trước các nhân viên y tế tuyến đầu, gây ra làn sóng phẫn nộ tại Peru.

Khi Tổng thống lâm thời Peru Francisco Sagasti công bố thỏa thuận vaccine COVID-19 đầu tiên vào tháng trước, người dân tưởng như có thêm hy vọng. Họ đã mệt mỏi sau gần một năm khủng hoảng y tế và kinh tế, kết hợp với tình hình chính trị bất ổn.

Tháng này, các bác sĩ và y tá làm việc tại phòng chăm sóc đặc biệt bắt đầu nhận được những mũi tiêm đầu tiên - 300.000 liều từ công ty Trung Quốc Sinopharm - trong sự lạc quan thận trọng. Sagasti hy vọng sẽ có một phần ba trong số 32 triệu người Peru được tiêm phòng trước thời điểm ông từ chức vào ngày 28/7.

Nhưng chính phủ đã thừa nhận hàng trăm quan chức cấp cao và các quan chức VIP được bí mật tiêm phòng trước các nhân viên y tế tuyến đầu, gây ra làn sóng phẫn nộ không thể kiểm soát ở nước này.

Peru phẫn nộ vì 468 quan chức bí mật tiêm vaccine trước nhân viên y tế - 1

Bộ trưởng Ngoại giao Peru Elizabeth Astete và Tổng thống lâm thời Francisco Sagasti. (Ảnh: Reuters)

Vụ bê bối mà giới truyền thông Peru gọi là "Vaccinegate" nổ ra vào tuần trước với thông tin người tiền nhiệm của Sagasti, Martín Vizcarra, tiêm hai mũi vaccine vào tháng 10, ngay trước khi ông bị Quốc hội miễn nhiệm vì cáo buộc tham nhũng.

Vizcarra, 57 tuổi, ban đầu nhấn mạnh, rằng ông đã “dũng cảm” tham gia thử nghiệm Sinopharm với 12.000 tình nguyện viên. Ông thậm chí tuyên bố rằng sau đó đã có xét nghiệm âm tính với kháng thể nên có thể kết luận ông đã nhận được giả dược.

Nhưng khi vụ bê bối ngày càng lớn, trường y Lima’s Cayetano Heredia, nơi giám sát thử nghiệm, cho biết cựu Tổng thống không phải là một trong những tình nguyện viên. Vizcarra trả lời bằng cách thể hiện sự ngạc nhiên và khẳng định hành động của mình "không gây ảnh hưởng đến bất kỳ ai".

Nhưng việc tiêm phòng của Vizcarra chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Tổng cộng 468 quan chức nhà nước và những cá nhân khác ở Peru hiện được biết đã bí mật tiêm vaccine từ lô 3.200 liều bổ sung do Sinopharm cung cấp trong quá trình thử nghiệm.

Danh sách bao gồm các bộ trưởng y tế và ngoại giao đã từ chức; một nhà vận động hành lang nổi tiếng; chủ phòng khám tư nhân; hai hiệu trưởng trường đại học; đại sứ của Vatican tại Peru; một tài xế bộ y tế; và những người thân của một số VIP này, bao gồm cả vợ và anh trai của Vizcarra.

Theo Oscar Vidarte, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Giáo hoàng Công giáo Peru, số vaccine vốn dành cho các nhà nghiên cứu và những người khác tham gia thử nghiệm.

Peru phẫn nộ vì 468 quan chức bí mật tiêm vaccine trước nhân viên y tế - 2

Cảnh sát Peru tại sân bay khi lô hàng vaccine chuẩn bị đến. (Ảnh: Reuters)

Vidarte nói: “Điều đó được đề cập rõ ràng trong quy trình thử nghiệm, cho thấy vụ bê bối này là kết quả hành động của Peru, chứ không phải bất kỳ nỗ lực nào của Bắc Kinh nhằm gây thiện cảm với các nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất của đất nước".

Sự phẫn nộ của công chúng càng tăng thêm bởi những bình luận từ hai bộ trưởng chính phủ.

Trong những giờ cuối cùng làm việc hôm 12/2, Bộ trưởng Y tế Pilar Mazzetti, 64 tuổi, vẫn khẳng định bà sẽ là người cuối cùng trong ngành y tế Peru được tiêm chủng: “Thuyền trưởng là người cuối cùng từ bỏ con tàu".

Bộ trưởng Ngoại giao Elizabeth Astete, 68 tuổi, người đã giám sát cuộc đàm phán Sinopharm, cho biết đã chấp nhận mũi tiêm bí mật vì “không thể chịu được sự xa xỉ của việc bị ốm”.

Các công tố viên hiện đang xem xét khả năng phạm tội của Vizcarra, Astete, Mazzetti và các quan chức công quyền khác.

César Ramal, bác sĩ tại bệnh viện công ở thành phố rừng nhiệt đới Iquitos, người đã bay đến Lima vào năm ngoái sau khi ông bị COVID-19, nói về sự phẫn nộ của cả nước: "Làm sao họ có thể lợi dụng vị trí của mình như thế này, đi tiêm phòng trước những người ở tuyến đầu? Còn hàng triệu người Peru có nguy cơ cao thì sao? Thật không thể tin được".

Vụ bê bối xảy ra vào thời điểm kinh hoàng đối với Peru. Nước này báo cáo hơn 1,2 triệu ca COVID-19 và 44.000 người chết. Con số thậm chí có thể chưa đầy đủ.

Một nghiên cứu dịch tễ học cho biết 40% dân số Peru đã mắc bệnh - nhưng điều đó không ngăn được làn sóng thứ hai tại nước này dữ dội hơn làn sóng đầu tiên.

Peru tiến tới cuộc tổng tuyển cử ngày 11/4 trong bối cảnh toàn bộ tầng lớp chính trị bị khinh thường.

Ứng cử viên tổng thống được yêu thích nhất, George Forsyth, từng là cầu thủ bóng đá và thị trưởng quận, chỉ được hơn 10% cử tri bầu chọn theo khảo sát. Người đứng đầu chính phủ tiếp theo có khả năng phải đối mặt với cả một cuộc khủng hoảng.

Sagasti, 76 tuổi, tiêm trên truyền hình trực tiếp, nói rằng ông không biết về việc tiêm phòng bí mật trước khi vụ bê bối nổ ra. Ông cam kết bất kỳ quan chức nào tiêm bí mật sẽ bị sa thải.

Phương Anh(Nguồn: The Washington Post)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp