Ông giáo làng mê... sâu, bọ

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 24/11/2012 03:35:00 +07:00

Ai mới lần đầu bước vô phòng khách nhà thày Bé, có lẽ cũng sẽ giật mình khi thấy ở góc phòng ngay sát cửa ra vào, có mấy cái khay lúc nhúc toàn bọ hoặc sâu.

Không chỉ tận tụy với nghề, từ nhiều năm nay, thày giáo Phạm Văn Bé ở ấp Đại Ngãi 1, xã Đức Lập Thượng (Đức Hòa, Long An) còn trở thành một nhà nông được nhiều người xa gần biết tới với mô hình làm giàu độc đáo, đồng thời giúp cho nhiều hộ nông dân trong vùng có cơ hội thoát nghèo.


1. Ai mới lần đầu tiên bước vô phòng khách nhà thày Bé, có lẽ cũng sẽ giật mình khi thấy ở góc phòng ngay sát cửa ra vào, có mấy cái khay lúc nhúc toàn bọ hoặc sâu. Bọ thì đen bóng, có đủ cặp cánh nhưng chỉ thấy bò mà không bay. Còn sâu màu vàng nhạt, óng ánh.

Thày Bé bảo: “Giống bọ này không bay được, khả năng bò cũng kém, vì thế chỉ cần bỏ trong cái khay là nó hầu như không thể thoát được ra ngoài. Sâu của nó cũng vậy, không thể bò thoát ra được khỏi những cái khay này.

Mà nếu thoát ra ngoài bò vào vườn cây, con sâu này cũng không thể sống nổi vì cứ bị nước là nó chết. Bởi thế, tôi nuôi giống sâu này bao lâu nay mà chẳng hề hấn gì tới cây cối, môi trường xung quanh”.

Thày Bé (phải) giới thiệu cho khách tham quan những khay nuôi sâu 
Giống sâu đó là super worm, một loại thức ăn rất tốt cho chim, cá cảnh. Thày Bé nuôi giống sâu này chẳng phải để chơi mà nhằm cung cấp cho thị trường thức ăn chim cảnh, cá cảnh đang đầy tiềm năng ở các tỉnh phía Nam cũng như cả nước. Mấy cái khay sâu ở phòng khách chỉ là một phần rất nhỏ lượng sâu super worm mà thày Bé đang nuôi.

Trong khu chuồng trước đây dùng để nuôi heo ở phía sau nhà, đang có tới trên 200 khay nuôi loại sâu này. Khay nào cũng nhung nhúc sâu nhưng trên nền đất hay ở bên ngoài những cái khay, chẳng hề thấy bóng dáng một con sâu nào. Mỗi khay chừng 4 - 5 kg sâu. Nếu đem xuống bán ở TP.HCM, hiện giá sâu khoảng 85.000 đ/kg. Tính sơ sơ, giá trị của chỗ sâu này vào khoảng gần trăm triệu đồng.

Kề sát chỗ nuôi sâu là khu vực nuôi rắn mối với nhiều ô xây bốn bên bằng gạch cao tới ngang lưng. Bên trên các ô không lợp mái kín mà chỉ che một góc bằng phi bờ rô xi măng để rắn mối vô tránh nắng. Tôi theo thày Bé leo vào bên trong một ô như vậy, nhìn quanh quất chẳng thấy con rắn mối nào.

Nhưng khi ông giáo làng đến một góc chuồng, giở những cái bao bì lên thì hàng chục, hàng trăm con rắn mối cỡ bằng 2 ngón tay, dài hơn 20 cm, đua nhau chạy ào ào nghe như mưa rào đổ trên trên mái ngói. Thày Bé lẹ làng bắt lên vài con rắn mối cho tôi xem. Con nào con nấy đều múp míp, khỏe mạnh.

Theo tiết lộ của thày Bé, khu nuôi rắn mối hiện rộng chừng 3 ngàn mét vuông, đang nuôi tới vài chục ngàn con rắn mối lớn nhỏ. Đến lúc xuất bán, cứ 30 con cân lên được 1 ký. Giá 1 kg rắn mối hiện là 450.000 đồng.

Lại nhẩm tính sơ sơ, giá trị đàn rắn mối của ông giáo làng này lên tới vài trăm triệu đồng. Mà giá trị của sâu, của rắn mối, đâu chỉ dừng lại đó. Mỗi năm rắn mối đẻ 3 lứa, mỗi lần đẻ, một rắn mối mẹ cho ra 10 rắn mối con, cứ thế mà nhân đàn lên. Sâu cũng đẻ nhiều lứa trong năm. Từ lúc ở dạng trứng đến khi là sâu thành phẩm có thể đem bán, chỉ khoảng 2 tháng trời.

2. Vợ chồng thày Bé đều là giáo viên tiểu học, cùng dạy ở trường tiểu học Đức Lập Thượng B. Lương nhà giáo ba cọc ba đồng nên kinh tế của cả nhà khá eo hẹp. Để thoát khỏi cái nghèo, từ lâu, vợ chồng thày Bé đã tranh thủ làm kinh tế phụ. Lúc đầu thày nuôi heo, nuôi gà, nhưng do dịch bệnh, do giá cả bấp bênh nên hiệu quả kinh tế chẳng được là bao.

Một lần, tình cờ thày Bé được thưởng thức món thịt thằn lằn núi. Hương vị độc đáo của loại thịt ấy cứ làm thày Bé nhớ mãi. Rồi một hôm đang ngồi chơi, thày Bé thấy một con rắn mối chạy ngang qua. Thấy hình dáng của nó cũng gần giống con thằn lúi, thày bỗng nảy ra ý định bắt nó để ăn thử xem sao. Và hương vị của thịt con rắn mối cũng đã hấp dẫn thày chẳng kém gì con thằn lằn núi. Từ đó, thày Bé nảy ra ý định nuôi thử con rắn mối.

Rắn mối sống hoang đầy trong ấp, trong xã. Thày Bé làm một cái cần câu, cứ hết giờ làm việc, thày vác cần câu đi lòng vòng trong xóm ấp, trên đồng ruộng để câu rắn mối. Đồng thời, thày cũng đặt hàng người trong xóm và các em học sinh tranh thủ những lúc rảnh rỗi đi câu rắn mối để thày thu mua lại, rồi thả hết vô khu chuồng nuôi rắn mối.

Rắn mối bắt về bằng kiểu ấy, con nào cũng bị thương, bị rách miệng vì lưỡi câu móc vào, lại thêm với việc chưa quen với những thức ăn nhân tạo, nên chúng thi nhau “tuyệt thực” và chết. Không chịu bỏ cuộc, thày Bé vẫn bắt rắn mối về nuôi đồng thời tìm kiếm loại thức ăn thích hợp hơn với chúng khi còn chưa thuần hóa.

Thày chợt nghĩ tới con sâu super worm đã từng mua về cho cá cảnh ăn, có thể cũng sẽ thích hợp với khẩu vị của rắn mối. Nghĩ vậy, ông giáo làng này đã lặn lội lên TP HCM mua sâu super worm, và nhờ đó đã dụ được đám rắn mối bỏ chuyện “tuyệt thực”.

Nhưng nếu cứ mua sâu về cho rắn mối ăn thì quá tốn kém vì mỗi kg sâu này, ở thời điểm cách đây 3 năm, giá tới trên dưới trăm ngàn đồng. Vậy là vừa tiếp tục huấn luyện cho rắn mối biết ăn thêm các thức ăn nhân tạo như cá tạp, tép, phổi heo... xay nhuyễn, thày Bé vừa nghĩ cách tự nhân giống và nuôi sâu super worm.

Tài liệu chính thống không có, lại chẳng quen biết ai đã nhân giống được sâu này để học hỏi, thày Bé đành phải nhờ cậy đến Internet. Thông tin trên mạng cũng nhiều, nhưng cái thì thiếu, cái thì sai. Thành ra, ông giáo làng này thất bại cũng nhiều. Nhưng nhờ quyết tâm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mất một năm trời, ông mới thành công trong việc nhân giống sâu super worm.

Đến lúc ấy, đám rắn mối và các thế hệ con cháu của chúng cũng đã quen và sinh trưởng tốt với các loại thức ăn nhân tạo. Thày Bé liền tổ chức nuôi sâu super worm thương phẩm để bỏ mối cho các điểm bán chim, cá cảnh ở TP.HCM. Lúc này, việc buôn bán đối với thày Bé đã không còn gì lạ lẫm nữa bởi trước đó, ông giáo làng này đã thành công trong việc đưa rắn mối về tiêu thụ ở thành phố đông dân nhất nước.

Thành công ấy không đến với thày Bé một cách dễ dàng. Những ngày đầu tiên mang rắn mối thương phẩm đi chào bán, ông chỉ dám mang chừng một vài ký, lân la đến các nhà hàng, quán nhậu lớn nhỏ. Và hầu như chỉ nhận được cái lắc đầu, bởi người ta chưa quen ăn con vật này. Sau mấy ngày trời ròng rã với điệp khúc “gõ cửa - chào hàng - bị từ chối”, thày Bé mới được ông chủ một quán nhậu bình dân đánh liều nhận 2 ký rắn mối làm thử mồi nhậu.

Đúng 2 ngày sau, ông chủ quán đó gọi điện cho thày Bé, thông báo đã bán hết và muốn đặt hàng thêm với giá 200.000 đ/kg. Từ đó, rắn mối của thày Bé dần trở nên quen thuộc với thực khách ở TP.HCM. Đến nỗi bây giờ sản lượng rắn mối mà ông giáo làng này sản xuất ra luôn không đáp ứng đủ nhu cầu của các nhà hàng, quán nhậu ở chốn đô thị nào nhiệt ấy.

3. So với trước đây, quy mô nuôi sâu super worm của thày Bé đã giảm đi. Cái sự giảm này không phải do thị phần đã bị thu hẹp hay do hiệu quả kinh tế không còn như trước, mà đơn giản chỉ vì thày Bé quá bận bịu với công việc ở trường. Dù rắn mối và sâu super worm đã giúp cho gia đình thày trở nên khá giả, có thu nhập gấp cả chục lần so với nghề dạy học, nhưng ông giáo làng này vẫn miệt mài gắn bó với cái nghiệp trồng người.

Không thể tự nuôi nhiều như trước, thày Bé đã tích cực hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật nuôi giống sâu này cho hàng chục hộ nông dân nghèo trong và ngoài huyện. Từ đó đã hình thành nên một hệ thống các trại nuôi sâu vệ tinh, mà đầu mối cung cấp giống và tiêu thụ sâu thương phẩm không ai khác chính là ông giáo làng Phạm Văn Bé...

Thanh Sơn - NNVN
Bình luận
vtcnews.vn