Nữ giám đốc gồng mình cứu đội tàu trăm tỷ ngắc ngoải bên bờ vịnh Hạ Long

Đời sốngThứ Sáu, 13/08/2021 11:30:00 +07:00
(VTC News) -

Nữ giám đốc cùng 5 anh chị em nắm chặt tay nhau gồng mình bước đi trong đại dịch COVID-19 quyết cứu những con tàu 5 sao trên vịnh Hạ Long trước nguy cơ phá sản.

Dịch COVID-19 bao lần bùng phát thì bấy nhiêu lần tỉnh Quảng Ninh tạm đóng cửa các khu du lịch để phòng dịch. Ngồi trên bàn làm việc, bà Nguyễn Thị Hằng – Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Hoàng Phương (Hạ Long, Quảng Ninh) cũng đã bao lần cảm giác như đang rơi tự do khi khách gọi điện huỷ tour du lịch trên Vịnh, công ty phải vét những đồng tiền cuối cùng bồi thường cho khách…

"Khi biết công ty không đủ tài chính để trả lại tiền bồi thường cho khách, phải vét tới những đồng tiền cuối cùng, tôi có cảm giác rơi tự do, một cảm giác rất kinh khủng choán hết tâm trí, không một từ ngữ nào diễn tả được. Chỉ trong 1 tuần, tóc của tôi bạc trắng mái đầu, điều mà xưa nay tôi nghĩ chỉ có trên phim ảnh”, bà Hằng thở dài.

Tiếng thở dài của nữ doanh nhân 54 tuổi trở nên nặng nề khi bà nhớ lại ngày COVID-19 ập tới khiến sự nghiệp kinh doanh gây dựng trong gần 30 năm lao đao.

Nữ giám đốc gồng mình cứu đội tàu trăm tỷ ngắc ngoải bên bờ vịnh Hạ Long - 1

Một trong những con tàu 5 sao ngủ đêm trên vịnh Hạ Long của Công ty Hoàng Phương.

Trận cuồng phong mang tên COVID-19

Tháng 1/2020, Việt Nam ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên. Khi số ca mắc tăng nhanh và lan rộng ra nhiều địa phương, Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội toàn quốc trong vòng 15 ngày từ 0h ngày 1/4/2020. Những chiếc tàu du lịch 5 sao từng nhộn nhịp ra vào bến, đưa khách trong nước và quốc tế tham quan vịnh Hạ Long bỗng phải nằm im lìm ở bến đỗ, trong đó có tàu của Công ty Hoàng Phương.

“Chúng tôi vẫn bảo nhau, hết tháng dịch sẽ qua thôi. Cứ thế chúng tôi chờ đợi, hy vọng. Công ty của tôi xây dựng chiến lược kinh doanh tới năm 2025 và chưa bao giờ đi sai những gì đã hoạch định kể từ khi thành lập, nhưng có lẽ, dịch COVID-19 như một trận cuồng phong ập đến không bao giờ chúng tôi lường trước được", nữ giám đốc trải lòng.

 

Nữ giám đốc gồng mình cứu đội tàu trăm tỷ ngắc ngoải bên bờ vịnh Hạ Long - 2

Phút trải lòng của bà Nguyễn Thị Hằng – Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Hoàng Phương về trận cuồng phong COVID-19.

Bà Hằng nhẩm tính, từ tháng 3/2020, hàng nghìn khách đặt tour từ nửa năm trước gọi điện huỷ. Nhân viên công ty liên tục tiếp nhận thông báo huỷ chuyến, có ngày tới mấy trăm khách. Nhân viên sợ bà sốc nên không dám báo cùng lúc.

Đến khi nhìn danh sách khách du lịch hủy chuyến, bà ngồi lặng yên trong căn phòng, nước mắt như chảy ngược vào trong. Đêm, nữ doanh nhân hầu như thức trắng, vì mỗi lần nhắm mắt, hình ảnh những con tàu mà bà dành tâm huyết nửa đời vào đó lại chập chờn trước mặt.

Bà không biết ngày mai sẽ phải làm gì để duy trì công ty và vực lại thời hoàng kim. Mới 1 năm rưỡi trước, công ty của bà sở hữu 8 con tàu, trong đó có 5 tàu ngủ đêm, 3 con tàu tiếng (tàu thuê theo tiếng). Tàu hoạt động đạt công suất 80-90%, chỉ có 1-2 ngày trong tháng đỗ ở bến. Nhân viên công ty lên tới 120 người với mức lương trung bình trên 10 triệu đồng, lương thuyền trưởng trung bình từ 15-18 triệu đồng/người, lương nhân viên quản lý là 25-30 triệu đồng/người. Nhưng nay cả công ty chỉ còn vỏn vẹn gần 10 người. Khung cảnh nhộn nhịp người ra người vào không còn nữa, thay vào đó là không gian vắng lặng đến đáng sợ.

Từ một doanh nghiệp có doanh thu ổn định, đến đầu năm 2021, lương nhân viên nợ nhiều tháng không xoay được. Để bám trụ, bà cùng các anh chị em cứ cố hết ngày này sang tháng khác, chỗ nào vay được, bà Hằng và các thành viên công ty cũng vay hết để nuôi hy vọng hết tháng là hết dịch. Nhưng chẳng ai nghĩ, tính toán của họ chỉ là “tính cua trong lỗ”.

Tàu không chạy, doanh nghiệp không có nguồn thu, sai hẹn trả tiền, bà Hằng phải nhận những cuộc gọi với lời lẽ xúc phạm, chửi bới. Nhiều cuộc gọi vừa kết thúc, nước mắt bà cứ thế tuôn rơi.

“Tôi không bao giờ nghĩ họ có thể dùng những lời lẽ ấy nói với mình. Tôi cũng cho người khác vay nhiều và chưa lấy được tiền nhưng chưa bao giờ tôi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của họ…”, bà Hằng nói.

Hoạt động của doanh nghiệp ngưng trệ, không có nguồn thu nhưng chi phí cứng mỗi tháng của công ty lên tới 400-500 triệu đồng gồm tiền hỗ trợ lương nhân viên trông nom tàu, tiền neo đậu bến bãi, tiền điện nước, chi phí bảo dưỡng, bảo hiểm… Gánh nặng trên vai người phụ nữ ấy mỗi lúc thêm chất chồng.

“Tôi không sợ khó, sợ khổ vì bản thân từng khởi nghiệp từ cốc nước mía, tự mình đẩy máy ép đi dọc bờ biển kiếm từ 2.000 đồng. Tôi chỉ mong sao tàu có thể chạy, đón khách nội địa, doanh nghiệp có thêm chút thu nhập đủ nuôi nhân viên, duy trì sự ổn định của công ty”, bà Hằng trải lòng.

Nữ giám đốc gồng mình cứu đội tàu trăm tỷ ngắc ngoải bên bờ vịnh Hạ Long - 3

Những con tàu 5 sao hàng chục tỷ chuyên đưa đón những đoàn khách châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… tham quan vịnh Hạ Long giờ nằm im lìm trong âu cảng.

Từ cô gái bán nước mía bên bờ vịnh Hạ Long

Hồi tưởng lại quãng thời gian tuổi thanh xuân, bà Hằng kể, 24 tuổi, sau khi tốt nghiệp một trường trung cấp, bà rời huyện Hoành Bồ (cũ) khăn gói ra Bãi Cháy (Hạ Long) tìm việc làm và ở nhà chị gái. Bãi biển nơi đây từng rất đẹp trong tâm trí của bà từ những ngày còn nhỏ. Nhưng trong lần gặp gỡ ở tuổi 24, bà bị thu hút bởi nét hoang sơ mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này - vịnh Hạ Long, kỳ quan thiên nhiên nhiên thế giới. Tình yêu biển, yêu vịnh Hạ Long cứ thế lớn dần trong cô gái đất Mỏ. 

Trong một lần đi dạo dọc bờ biển Bãi Cháy, ý tưởng kinh doanh trong bà được nhen nhóm khi mỗi cốc nước dừa có giá 15.000 đồng; nước cam, nước chanh cũng được bán cho khách du lịch 10.000 đồng/cốc.

“Ngày ấy, khách du lịch đông lắm. Tôi rất muốn có được một chỗ để bán nước giải khát. Trong một lần lên Hà Nội, tôi tình cờ uống cốc nước mía 2.000 đồng, một thức uống chưa từng xuất hiện ở Hạ Long từ 30 năm trước.

Sau khi tham khảo giá cả, cách vận hành máy móc từ chủ quán, tôi quyết định mua lại của người chủ này một máy ép nước mía. Khi đó, trong túi tôi chỉ có vài chục nghìn đồng mà giá chiếc máy mới lên tới 400.000 đồng, máy cũ cũng 200.000 đồng. Tôi đánh liều đi vay tiền để thực hiện ước mơ của mình”, bà Hằng nhớ lại những ngày tuổi trẻ đầy hoài bão và liều lĩnh.

Về nhà, mặc dù vấp phải sự phản đối của chị gái nhưng bà vẫn quyết tâm đi đến cùng ước mơ của mình.

Khoảng 7h tối, bà lấy máy ép nước mía ra rồi lắp theo những vệt đánh dấu của chủ quán trên Hà Nội hướng dẫn. 2-3h sáng, chiếc máy ép được lắp xong. Bà chạy ra vườn chặt cây mía vào ép thử, trong lòng khấp khởi, chờ đợi. Cây mía vừa đưa vào lại bị đẩy ra. Rất nhiều lần như thế, bà Hằng tuyệt vọng và cảm giác bị lừa. Bà ngồi sụp xuống, ôm mặt khóc.

Giọt nước mắt rơi xuống cũng là lúc bà chợt nhận ra điểm lắp sai của mình. Bà tháo chi tiết sai rồi lắp lại. 4h sáng, chiếc máy một lần nữa được lắp xong. Bà đưa cây mía vào ép thử, nước mía ra rất nhiều. Khi uống cốc nước mía do tự tay mình làm ra, vị ngọt ngọt, thanh thanh khiến bà reo lên sung sướng.

Ngay ngày hôm sau, bà chọn cho mình một chỗ đứng ở bờ biển rồi đưa máy ép nước mía vào kinh doanh. Quầy bán nước mía chiếm địa vị độc tôn ở Hạ Long lúc ấy nhanh chóng thu hút khách du lịch. Bà thu được lợi nhuận cao, tạo công ăn việc làm cho anh chị em trong gia đình. Chẳng bao lâu, bà Hằng mua được mảnh đất đầu tiên trong đời - mảnh đất nằm giữa thành phố du lịch Hạ Long.

“Mảnh đất ấy là kỉ niệm ngày đầu lập nghiệp nên tới giờ tôi vẫn giữ lại, quyết tâm không bán”, bà Hằng tâm sự.

Nữ giám đốc gồng mình cứu đội tàu trăm tỷ ngắc ngoải bên bờ vịnh Hạ Long - 4

Tàu du lịch 5 sao với tổng dự toán 116 tỷ đang vào hoàn thiện nội thất thì dịch bệnh COVID-19 bùng phát, khiến chủ doanh nghiệp không thể đầu tư hoàn thiện theo kế hoạch.

Trong phút chốc bà ngồi lặng yên để nghe tiếng sóng biển đang nhẹ vỗ vào bờ. Tiếng sóng gắn bó với bà suốt nửa đời người, gắn bó cả với tình yêu biển, yêu nghề kinh doanh tàu du lịch của bà. Từ cô gái buôn bán nước mía trên bờ biển, để chuyển hướng kinh doanh sang ngành tàu du lịch, với bà Hằng đó là chữ “duyên”.

Năm 26 tuổi, khi bãi tắm ở Hạ Long dần được quy hoạch, bà Hằng mua một lốt ở khu vực bãi tắm để kinh doanh nước giải khát, bia hơi.

Thời gian cứ thế trôi qua, 2 năm sau, người phụ nữ 28 tuổi ấy thuê một địa điểm bên bờ vịnh Hạ Long, ngay cạnh bến tàu cũ làm điểm kinh doanh ăn sáng, bán bia hơi buổi trưa, tối cắt tóc cho khách.

Những năm tháng ấy, bà Hằng vẫn dõi theo các con tàu chở khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long. Khát vọng làm giàu của bà không còn gói gọn trong những thức uống giải khát. Bà luôn mơ ước, một ngày nào đó mình cũng sở hữu một con tàu để thay vì kiếm được vài trăm nghìn tiền lãi mỗi ngày từ những lon bia, bà sẽ có nguồn thu nhập cao hơn.

Nữ giám đốc gồng mình cứu đội tàu trăm tỷ ngắc ngoải bên bờ vịnh Hạ Long - 5

Nữ doanh nhân rơi nước mắt khi kể về quãng thời gian hơn 1 năm chống chọi với "giặc" COVID-19.

Đến nữ giám đốc kinh doanh tàu du lịch

Năm 29 tuổi, bà kết hôn với người chồng hiện tại. Mối nhân duyên với những con tàu cũng bắt đầu từ đó. Từ một con tàu tiếng hơn 20 chỗ ngồi nhà chồng dành làm “của hồi môn” cho vợ chồng, bà dấn thân vào nghề, rồi lấy lãi của con tàu này để đóng những con tàu kế tiếp. Năm 2011, bà sở hữu 4 con tàu tiếng, chủ yếu đón khách Trung Quốc. Bà Hằng nhẩm tính, trừ các chi phí, mỗi tháng bà cũng có lãi 70-80 triệu đồng.

“Khi những con tàu tiếng nối tiếp nhau ra đời, tôi lại xác định, nếu mãi làm nhỏ lẻ lượng khách không ổn định. Tôi nghĩ tới việc thành lập công ty, đi ký tour.

Năm 2012, Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Hoàng Phương chính thức ra đời và đi vào hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động với rất nhiều ngành nghề kinh doanh từ vận tải hành khách, hàng hoá đường thủy nội địa cho tới sản xuất món ăn, thức ăn chế biến sẵn… Tôi giữ vị trí giám đốc doanh nghiệp”, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Hằng nhớ lại.

Khi thành lập, công ty chỉ vẻn vẹn có 6 người, là người nhà của bà Hằng. Mỗi người kiêm nhiều việc. Người xuống tàu phục vụ, người đón khách trên tàu, người khác điều hành, người cùng bà Hằng đi chợ. Khi doanh nghiệp hoạt động với quy mô lớn, nhiều thành viên khác trong gia đình là con cháu sau khi học xong cũng được hướng theo ngành bố mẹ đang kinh doanh.

Không chấp nhận đi mãi trên một con đường, bà Hằng vừa quản lý doanh nghiệp, kết nối khách du lịch vừa nghiên cứu thị trường, tìm hướng đi mới cho công ty để bắt kịp thị hiếu của du khách. Bà đưa công ty chuyển mình sang phát triển tàu ngủ đêm, bắt đầu bằng tàu Bài Thơ hơn 3 tỷ đồng, gồm 11-12 phòng.

“Hướng kinh doanh mới, tôi phải lên Hà Nội 10 ngày, tiếp cận hàng trăm công ty lữ hành để giới thiệu con tàu của công ty, đồng thời tìm đầu mối khách du lịch. Nhưng điều tôi nhận về chỉ là những lời hứa hẹn.

Không có được đoàn khách đặt trước chuyến du lịch, tôi trở về Quảng Ninh, lòng nặng trĩu. Sau rồi, tôi cho một người thuê tàu của mình, mỗi tháng nhận về 120 triệu đồng. Có tiền, tôi mua thêm 3 tàu ngủ khác, lần lượt 7, 8, 9 phòng. Lần này, tôi liên hệ với các công ty lữ hành và cho họ thuê lại tàu. Chúng tôi chỉ lo thủ tục xuất bến, nhân sự”, bà Hằng chia sẻ về con đường kinh doanh nhiều ngã rẽ của mình.

Năm 2015, tỉnh Quảng Ninh có chính sách hạn chế, không phát triển thêm tàu ngủ đêm mà quy hoạch, nâng cấp, đưa chất lượng tàu lên. Đây cũng là năm bà Hằng bước chân vào dòng tàu 5 sao sau khi nắm bắt xu hướng.

Nữ giám đốc gồng mình cứu đội tàu trăm tỷ ngắc ngoải bên bờ vịnh Hạ Long - 6

Mặc dù đại dịch bùng phát ở nhiều địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch tê liệt, nhưng du thuyền 5 sao của bà Hằng vẫn đón được những đoàn khách nội tỉnh tham quan vịnh Hạ Long.

Một thời hoàng kim

Cuối năm 2017, công ty của bà hoàn thiện hồ sơ, tàu QN8898 hoàn thành. Đầu năm 2018, tàu sắt 5 sao của công ty chính thức đi vào hoạt động với số tiền đầu tư lên đến 32 tỷ đồng.

Tàu ra đúng thời điểm khách du lịch nườm nượp đổ về Hạ Long, rất đông người chú ý tới loại tàu này vì lúc ấy, trên vịnh Hạ Long chỉ có 6 - 7 tàu sắt. Kết hợp cùng một người trên Hà Nội để họ chuyên khai thác khách, lợi nhuận ăn chia, guồng máy vận hành tàu du lịch của Công ty cũng đi vào quỹ đạo. Mỗi tháng tàu chạy đạt 80-90% công suất với trung bình 56 khách/chuyến.

“Thừa thắng xông lên”, bà Hằng dồn tất cả tâm huyết đóng thêm tàu sắt 5 sao mới vào năm 2018. Cũng trong năm này, bà bắt đầu tự mình thành lập hệ thống sales, văn phòng, tự mình làm chủ các tour du lịch, không hợp tác với bên thứ 3.

Cuối năm 2019 đầu năm 2020, tàu sắt 5 sao thứ 2 của công ty chính thức hoạt động với tổng vốn đầu tư 55 tỷ đồng, gồm 24 phòng. Mỗi tháng, tàu chỉ đỗ bến 1-2 ngày, rồi lại theo hải trình đưa các đoàn khách châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… tham quan vịnh Hạ Long, nơi trái tim người nữ doanh nhân ấy luôn hướng về.

Lấy tàu nuôi tàu, con tàu với sức chứa 900 khách, quy mô 38 phòng là tất cả tâm huyết được bà Hằng và thành viên công ty dồn vào cũng được hoàn thành, chỉ chờ ngày vận hành.

“Nếu không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cuối năm 2020, con tàu đón những đoàn khách đầu tiên”, giọng bà chùng lại khi nhắc tới từ “COVID-19”, nỗi ảm ảnh suốt gần 1 năm rưỡi qua mà chưa bao giờ bà hình dung được một cách trọn vẹn.

Bán từng "đứa con" để trả nợ

Có những kỷ niệm đánh dấu từng dấu mốc trong đời mà vị nữ giám đốc muốn gìn giữ nhưng để duy trì doanh nghiệp trước đại dịch COVID-19, đồng thời giữ chữ tín với các đối tác, bà buộc lòng phải bán những con tàu ngủ 7, 8 chỗ để trả nợ vì không muốn mang tiếng lừa đảo.

Nhiều lúc tỉnh dậy sau giấc ngủ chập chờn, bà chỉ ước, những gì diễn ra trong 1 năm rưỡi qua chỉ là cơn ác mộng. Mỗi sáng, đứng trước ánh bình minh chiếu sáng trên vịnh Hạ Long, ngắm nhìn từng con sóng, bà tưởng tượng từng đoàn khách đang bước lên con tàu của Công ty Hoàng Phương đi tham quan vịnh Hạ Long đẹp mê hồn như ngày nào.

“Nhưng đó không phải giấc mơ. Nhân viên trong công ty không muốn tôi ra bến tàu, không muốn tôi nhìn thấy những “đứa con” của mình vẫn đang nằm im, chỉ thỉnh thoảng đón đoàn khách nội tỉnh”, bà Hằng khẽ cười, nụ cười chua chát hòa lẫn giọt nước mắt đang rơi trên khuôn mặt người phụ nữ đang phải gồng mình gánh đỡ sự tồn tại của một doanh nghiệp đang trên bờ vực thẳm.

Nữ giám đốc gồng mình cứu đội tàu trăm tỷ ngắc ngoải bên bờ vịnh Hạ Long - 7

Những con tàu tiếng ngày đầu khởi nghiệp của bà Hằng giờ đang nằm ngắc ngoải trong âu cảng.

Đầu năm nay, khi đợt dịch thứ ba bùng phát, bà Hằng lại hy vọng tới hè tàu có thể chạy, đón khách nội địa. Đợt dịch thứ 3 qua đi trong tiếng thở nhẹ nhõm của bà Hằng. Nhưng chưa kịp xoay xở, dịp 30/4-1/5, Việt Nam lại bước vào đợt dịch thứ tư, số ca mắc COVID-19 tăng mạnh.

“Tôi vừa huy động lực lượng, tuyển được nhân viên, tàu chạy được 3 chuyến thì dịch lại bùng. Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục có văn bản tạm dừng hoạt động các khu du lịch. Nhân viên tuyển rồi, ai nhà gần thì về, ai xa ở lại công ty. Một giai đoạn thực sự mệt mỏi”, hai tay đưa ngang tầm mắt, bà Hằng khẽ day day trán.

Nữ giám đốc gồng mình cứu đội tàu trăm tỷ ngắc ngoải bên bờ vịnh Hạ Long - 8

Bà Hằng trong một lần đi mua cả tạ cá vược về chế biến để cung cấp cho thị trường, kiếm từng đồng lãi để cứu doanh nghiệp trước nguy cơ phá sản nếu dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát.

Nhất định không để doanh nghiệp chờ chết

Phát huy lợi thế của doanh nghiệp từng cung cấp thực phẩm tươi sống dưới tàu và một số đội tàu, tháng 10/2020, bà cùng các anh chị em họp lại, dự tính mở rộng thị trường cung cấp thực phẩm đi các tỉnh. Cuộc họp kết thúc cũng là lúc mọi người nhanh chóng bắt tay thực hiện kế hoạch. Nhân viên phòng kinh doanh lên đường đi các tỉnh để chào hàng, giới thiệu sản phẩm.

“Mở rộng thị trường chúng tôi một lần nữa bị vấp khi cung cấp vào nhà hàng, khách sạn nhưng bị nợ đọng tiền hàng. Chúng tôi đành chuyển sang bán lẻ. Anh chị em tôi chuyển sang làm tất cả các nghề từ những đơn hàng cung cấp thực phẩm đi các tỉnh tới bán con cá, con tôm, chả mực… miễn sao kiếm được tiền duy trì doanh nghiệp, nuôi sống nhân viên”, bà Hằng khẽ cười.

Nữ giám đốc gồng mình cứu đội tàu trăm tỷ ngắc ngoải bên bờ vịnh Hạ Long - 9

Bà Hằng từng thuê và tự lái xe ba gác bán hàng trên Hà Nội để kiếm những đồng tiền lãi về cứu doanh nghiệp trong "bão" dịch COVID-19.

Chỉ cho chúng tôi bức ảnh một người phụ nữ đang cúi gập người nhặt cá, bà Hằng bảo đó chính là bà. Từ một người phụ nữ luôn coi trọng hình thức bên ngoài, đi đâu cũng váy áo, đầu tóc gọn gàng nhưng đối diện thực tế công ty trên bờ vực phá sản, nữ giám đốc không ngại xắn ống quần, đeo ủng, 2-3h sáng ra chợ hải sản ở TP Hạ Long, tự mình chọn những loại hải sản phù hợp về vừa để nấu ăn, vừa chế biến mang bán.

Thậm chí, bà về Kinh Môn (Hải Dương), sang tận Hà Nam đong từng tấn thóc, mua vịt, ngan, gà để lo bữa ăn cho nhân viên, đồng thời cung cấp cho những khách hàng có nhu cầu.

“Tôi còn làm cả thực phẩm thực dưỡng, sáng nấu, tối đi giao, mỗi ngày kiếm được 200-300 nghìn đồng. Có hôm, tôi lên Hà Nội giao hàng, dịch COVID-19 nên việc đi lại khó khăn. Tôi thuê một chiếc xe ba gác rồi tự mình cầm lái. Khi nhìn bức ảnh mình đang lái xe ba gác được một đứa em chụp lại và gửi, rất nhiều cảm xúc đan xen”, bà Hằng mỉm cười.

Người phụ nữ luôn coi trọng chữ tín trong kinh doanh cũng như với đối tác ấy đã bán hết các con tàu ngủ đêm 7, 8 phòng để trả nợ vì không muốn mang tiếng lừa đảo. Để trụ vững với nghề, để công ty không phá sản, bà đang mời gọi các doanh nghiệp, các cá nhân có nhu cầu, tâm huyết với ngành du lịch sẽ tham gia góp vốn cùng mình để "chung lưng đấu cật" vượt qua đại dịch.

“Đơn vị nào có nhu cầu tôi sẽ chuyển nhượng 1 tàu để vượt qua khó khăn trước mắt, khi nào ổn định tôi sẽ đầu tư tiếp. Tôi đang nghĩ tới phương án này nếu kêu gọi cổ phần không được. Để duy trì doanh nghiệp, chúng tôi vẫn làm thêm tất cả các công việc cung cấp thực phẩm ra thị trường, đón các đoàn khách nội tỉnh nhằm có nguồn thu bù đắp chi phí, đồng thời đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19”, bà Hằng chia sẻ.

Dù dịch bệnh hoành hành, doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng người phụ nữ ấy luôn ấm lòng vì bên cạnh mình vẫn có gia đình sát cánh, ủng hộ; các nhân viên luôn tin tưởng, đặt hy vọng vào bà. Có nhân viên làm không lương nhiều tháng, chấp nhận có rau ăn rau, có cháo ăn cháo.

Trước mắt, “còn nước còn tát”, 6 anh chị em trong gia đình bà Hằng vẫn nắm chặt tay nhau bước đi trong đại dịch với quyết tâm vực dậy thời hoàng kim của doanh nghiệp, đưa những chiếc tàu 5 sao hiện đại lướt đi trên vịnh Hạ Long, chứ nhất định bà không để doanh nghiệp nằm chờ chết.

Minh Khang - Nguyễn Huệ
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp