Nữ bác sĩ trong bệnh viện dã chiến TP.HCM: Nhiều khi nhớ con nước mắt lã chã rơi

Tin tứcThứ Bảy, 31/07/2021 07:16:00 +07:00
(VTC News) -

BS Trương Vân Anh và điều dưỡng Nguyễn Thị Mới tình nguyện tới Bệnh viện dã chiến hỗ trợ chiều trị bệnh nhân COVID-19, họ phải xa gia đình, xa chồng con nhiều ngày.

BS Trương Vân Anh công tác tại Khoa Phẫu thuật - Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Thống Nhất và điều dưỡng Nguyễn Thị Mới, Điều dưỡng trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Thống Nhất là 2 trong số hàng trăm y bác sĩ tình nguyện đến Bệnh viện dã chiến số 8 tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19.

Nhớ con nước mắt lã chã rơi

Gần 1 tuần nay, BS Trương Vân Anh đã tới làm việc tại Trung tâm hồi sức của Bệnh viện dã chiến số 8 với tinh thần không biết mệt mỏi và sẵn sàng sẻ chia với bệnh nhân. Ở đây, BS Vân Anh vừa phải chăm sóc y tế, kịp thời phát hiện bệnh nhân trở nặng, vừa phải làm trấn an tinh thần bệnh nhân, để họ yên tâm điều trị.

Nữ bác sĩ trong bệnh viện dã chiến TP.HCM: Nhiều khi nhớ con nước mắt lã chã rơi - 1

BS Trương Vân Anh. (Ảnh: Hoàng Thọ)

Theo BS Vân Anh, hiện Bệnh viện dã chiến số 8 đang điều trị cho hơn 2.100 bệnh nhân COVID-19 triệu chứng nhẹ, tâm lý của các bệnh nhân ở đây khá phức tạp, nhiều người hoảng sợ khi cơ thể có chút ít thay đổi, gần giống triệu chứng bệnh.

“Các bác sĩ phải rất tinh ý để phát hiện đâu là triệu chứng thật, đâu là triệu chứng giả. Những người có triệu chứng thật thì phải lo cấp cứu, ai nặng quá thì được chuyển đi Chợ Rẫy, BV Ung bướu cơ sở 2… nơi điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch. Những người có triệu chứng giả thì mình động viên, trấn an tâm lý, chăm sóc để họ ổn định tinh thần”, BS Vân Anh nói.

Trong thời gian đầu tình nguyện tới bệnh viện dã chiến nhận nhiệm vụ, không ít lần BS Vân Anh và các đồng nghiệp phải xoay sở trong tình trạng thiếu thốn trang thiết bị. 

“Nhưng do biết đây là bệnh viện mới, nên chúng tôi phải cố gắng hết sức để xoay sở được. Với số lượng bệnh nhân hiện tại, nguy cơ bệnh viện sẽ quá tải. Lúc này tôi chỉ mong những người ở ngoài tuân thủ tốt 5K để không phải vào đây. Mong rằng bệnh viện có ít bệnh nhân hơn để các bác sĩ đỡ vất vả hơn đôi chút”, BS Vân Anh chia sẻ.

Chọn tình nguyện lên tuyến đầu, BS Vân Anh cũng như hàng trăm y bác sĩ ở Bệnh viện dã chiến số 8 đành phải gác lại cuộc sống riêng tư, gác lại công việc của gia đình để hoàn thành nhiệm vụ.

"Nhiều khi nhớ nhà, nhớ con nước mắt lã chã rơi, nhưng đã chọn nghề này rồi thì phải chấp nhận hy sinh. Mình phải mạnh mẽ vì có biết bao người đang cần mình chăm sóc. Chỉ không được ôm con thôi! Nhưng làm ngành y thì đi chống dịch là đương nhiên. Tổ quốc cần mình mà…”, BS Vân Anh xúc động nói.

Nữ bác sĩ trong bệnh viện dã chiến TP.HCM: Nhiều khi nhớ con nước mắt lã chã rơi - 2

Bệnh viện dã chiến số 8. (Ảnh: Hoàng Thọ)

Tất cả vì cộng đồng

Giống BS Vân Anh, chị Nguyễn Thị Mới đang làm điều dưỡng ở Bệnh viện Thống Nhất nhưng cũng tình nguyện đến Bệnh viện số 8 tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19. Người phụ nữ tràn đầy năng lượng này được giao phụ trách khối điều dưỡng, hậu cần, ăn uống và cung cấp thuốc.  

Bước vào bệnh viện dã chiến là chấp nhận phải thiếu thốn, phải xa nhà, nhưng mọi người ở đây không an than phiền gì cả. "Nhớ nhà đấy, nhớ con đấy, nhưng đã theo nghề y thì xác định sẽ có lúc dịch hoạ. Mà những lúc như vậy người làm nghề y như chúng tôi phải xông pha thôi, đây vừa là đạo đức làm nghề, vừa là trách nhiệm xã hội. Tất cả vì cộng đồng", chị Mới chia sẻ.

Chia sẻ về công việc tại bệnh viện dã chiến, chị Mới cho hay, mỗi tối thứ 6, các kíp sẽ giao lưu qua Zoom (một ứng dụng họp) để chia sẻ công việc, tâm sự với nhau những khó khăn, vui buồn nên phần nào cũng vơi bớt.

Nữ bác sĩ trong bệnh viện dã chiến TP.HCM: Nhiều khi nhớ con nước mắt lã chã rơi - 3

Điều dưỡng chia 5 kíp, mỗi kíp làm việc 4 tiếng, họ liên lạc qua điện thoại khi có trường hợp khẩn cấp. (Ảnh: Hoàng Thọ)

Theo nữ điều dưỡng, công việc ở Bệnh viện dã chiến cũng không khác nhiều so với ở Bệnh viện Bình Dân, nên cũng không tốn nhiều thời gian làm quen.

"Tôi quen rồi, nhưng chỉ lo các bạn trẻ thôi. Công việc điều dưỡng ở đây một người phụ trách 2 - 3 tầng, còn ở bệnh viện của các em chỉ phụ trách 2 - 3 bệnh nhân, mà một tầng khoảng 80 người thì một em phải phụ trách cùng lúc tới 200 bệnh nhân, nên cũng khá căng thẳng”, chị Mới cho hay.

Nữ bác sĩ trong bệnh viện dã chiến TP.HCM: Nhiều khi nhớ con nước mắt lã chã rơi - 4

Điều dưỡng luôn túc trực hỗ trợ bệnh nhân. 

Trước câu hỏi có sợ bị lây bệnh không? Chị mới không chần chừ mà trả lời ngay: "Ai cũng lo lắng bị nhiễm bệnh, tôi và các điều dưỡng cũng không ngoại lệ. Nhưng quy trình có rồi, chỉ mong các bạn điều dưỡng trẻ vững tâm, vững trí, thực hiện đúng quy trình để tránh bị nhiễm bệnh".

MAI THÚY - HOÀNG THỌ
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp